Sau gần 5 năm nghiên cứu, ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Ewater Engineering (TPHCM) đã chế tạo thành công thiết bị xử lý cáu cặn, rong rêu không dùng hóa chất cho các tháp giải nhiệt. Đây là sản phẩm nội đầu tiên được chế tạo thành công.

Tại hội thảo giới thiệu công nghệ xử lý cáu cặn không dùng hóa chất do Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) TPHCM tổ chức ngày 24/5, ông Hiếu cho biết, nước cung cấp cho tháp giải nhiệt của các loại máy móc, thiết bị chứa rất nhiều io như Mg2+, Ca2+… Khi nước bay hơi, các ion thì vẫn tồn tại trong tháp.

Theo thời gian, nồng độ ion tăng cao, khi đến mật độ bão hòa thì kết tủa và hình thành cáu cặn tại bề mặt của thiết bị trao đổi nhiệt, khiến thiết bị dễ bị nổ, hỏng, giảm hiệu suất trao đổi nhiệt… và phải sửa chữa, thay mới, vệ sinh thường xuyên, gây tốn kém và ô nhiễm môi trường.

Hiện nay các công ty chủ yếu sử dụng hóa chất để ngăn ngừa, tẩy cáu cặn, gỉ sét hoặc sử dụng giải pháp vật lý như rửa cao áp, siêu âm hoặc làm mềm các chất bẩn. Đây là những giải pháp có chi phí cao, khó vận hành chính xác, theo ông Hiếu.

Ông Lê Trung Hiếu (trái) giới thiệu về công nghệ xử lý cáu cặn không dùng hóa chất
Ông Lê Trung Hiếu (trái) giới thiệu công nghệ xử lý cáu cặn không dùng hóa chất.

Ewater là thiết bị tạo ra điện thế siêu âm cực, chủ động hút các ion trong nước trước khi đạt mật độ bão hòa, khiến các ion này không có cơ hội bám dính vào thiết bị trao đổi nhiệt. Ngoài ra, tại thiết bị phản ứng, một phần nước sẽ bị phân tích thành Hydroxyl và Oxygen tự do. Đây là hai thành phần có khả năng oxy hóa cao nên rong tảo, vi sinh trong nước bị ức chế và không phát sinh.

Quá trình này không yêu cầu bất kỳ loại hóa chất nào mà chỉ dùng nước, nên hoàn toàn an toàn và thân thiện với môi trường. Ewatercòn có thể phòng ngừa sự hình thành cáu cặn, rỉ sét mới, giảm lượng nước cấp vào. Thiết bị không phải bảo trì, tiết kiệm từ 20-30% điện năng, chi phí so với dùng hóa chất – ông Hiếu cho biết thêm.

Cáu cặn được đóng lại tại thiết bị xử lý
Cáu cặn đóng lại tại thiết bị xử lý nhiệt.

Ông Lê Hồng Chương – Giám đốc Công ty Laser tech (Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương) cho biết, trước khi sử dụng thiết bị Ewater, mỗi lần vệ sinh tháp giải nhiệt, công ty phải dừng toàn bộ dây chuyên sản xuất để tháo thiết bị ra. Tần suất vệ sinh mỗi tháng một lần đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, tốn chi phí. Công ty cũng phải luôn luôn theo dõi hoạt động của tháp giải nhiệt để tránh hiện tượng cáu cặn nhiều làm cháy nổ thiết bị. Công ty lắp Ewatertừ 6 tháng nay và nhận thấy tháp giải nhiệt hoạt động tốt, hiệu suất làm mát cao.

Ewater có thể được sử dụng cho các nhà máy ở nhiều ngành công nghiệp khác nhau như điện tử, thủy sản, chế biến thực phẩm, dược phẩm, thép, tòa nhà siêu thị…