Với công nghệ vệ tinh, các tàu cá bất hợp pháp sẽ bị đặt trong tầm ngắm, bị theo dấu tại mọi thời điểm và bị truy tố trước pháp luật trong trường hợp cần thiết.

Theo dấu các “mục tiêu đen” trên biển

Đánh bắt cá bất hợp pháp đang là tệ nạn tại nhiều vùng biển trên thế giới. Các tàu cá thường xuyên tàn phá nguồn tài nguyên sinh vật và phớt lờ những nguyên tắc bảo vệ, phục hồi nguồn cá.

Theo quy định chung hiện nay, các tàu cá sẽ phải mang theo một bộ thu - phát tín hiệu để lực lượng chức năng theo dõi sự di chuyển của họ. Tuy nhiên, họ có thể vô hiệu hóa “con mắt” hành pháp rất dễ dàng bằng cách tắt bộ thu - phát, trở thành vô hình trên hệ thống theo dõi. Vì vậy, tại không ít vùng biển vắng người, lực lượng chức năng gần như đã đầu hàng trước sự tinh vi của đội quân câu trộm.


Trung tâm điều khiển tại Oxfordshire sử dụng vệ tinh Catapult theo dõi tàu trên toàn thế giới nhằm dò tìm các hành vi bất hợp pháp.
Trung tâm điều khiển tại Oxfordshire sử dụng vệ tinh Catapult theo dõi tàu trên toàn thế giới nhằm dò tìm các hành vi bất hợp pháp. Ảnh: Futureoceans

Theo sáng kiến mới được tài trợ bởi Chính phủ Anh, lực lượng bảo vệ bờ biển được trang bị công cụ do thám vệ tinh để định vị các phương tiện đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển ít người qua lại.

Đây là kết quả cộng tác giữa Công ty Satellite Applications Catapult (SAC) và Pew Charitable Trusts. Thay vì tuần tra không có mục đích cụ thể trên các vùng biển rộng, các tàu tuần tra sẽ chỉ cần định vị mục tiêu nhờ radar từ vệ tinh và dễ dàng lần theo dấu vết của chúng.

“Chúng tôi không đủ khả năng để lúc nào cũng có nhân viên công quyền ở mọi ngóc ngách trên biển. Vì vậy, ít nhất chúng tôi cũng phải nắm được tình hình trong khu vực (trước khi cử tàu đến điều tra)” - Bradley Soule - chuyên gia phân tích ngư nghiệp của SAC tiết lộ.

Radar vệ tinh vốn là khí tài truyền thống của quân đội và các cơ quan hành pháp. Nhờ chi phí giảm nhanh mà công cụ này đã trở nên dễ tiếp cận hơn với các công ty tư nhân. Hệ thống theo dõi toàn cầu bằng vệ tinh cho phép các nhà điều tra nắm bắt rõ hơn phạm vi kiểm soát của mình. Tính trung bình, cứ 5 tàu cá trên thế giới thì có một tàu bị phát hiện đánh bắt bất hợp pháp.

Theo ông Soule, trong quá khứ các nước có chung biên giới biển không chia sẻ thông tin với nhau một cách hiệu quả để đối phó với tình trạng đánh bắt bất hợp pháp. Điều này tạo cho kẻ xấu cơ hội qua lại giữa các nước, biến đường biên giới trở thành vũ khí lợi hại cho họ.

Vũ khí mới để bảo tồn biển

2015 là một năm đáng nhớ đối với những người làm về bảo tồn biển. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Palau, đảo Easter, đảo Pitcairn hoặc đảo Kermandec thuộc New Zealand đã thành lập những khu bảo tồn lớn. Chính phủ Anh - dưới sự vận động của Quỹ Biển xanh và một số đơn vị khác - đã thành lập vùng bảo tồn Ascension, nâng tổng tỷ lệ diện tích được bảo vệ tại tất cả các đại dương lên 2%.

Tuy nhiên, phần lớn các vùng bảo tồn thủy vực đại dương đều đang được bảo vệ một cách không hoặc kém hiệu quả. Đó là thực trạng được nêu trong báo cáo của Liên đoàn Bảo tồn tự nhiên quốc tế (IUCN) cách đây 5 năm.

“Lý do biện minh cho sự kém hiệu quả là vùng biển kiểm soát quá rộng, quá xa hoặc hoạt động tuần tra quá đắt đỏ. Giờ đây, cách giải thích đó đã trở nên lỗi thời. Các công nghệ kiểm soát đã cho phép chúng ta đảm bảo an ninh thật sự trên những vùng biển này” - Dan Laffoley - Giám đốc toàn cầu của chương trình Bảo vệ đại dương thuộc IUCN - tuyên bố.

“Đây là một bước đột phá trên khía cạnh thăm dò từ xa” - Charles Clover - Chủ tịch Quỹ Biển xanh - nhận định. Tuy nhiên, Clover cho rằng để sử dụng công nghệ thăm dò từ xa, đưa các đối tượng đánh bắt bất hợp pháp ra tòa cần có các cơ chế từ ngành ngoại giao và đội tàu công vụ trên vùng biển thực tế.

Công nghệ vệ tinh sẽ đóng vai trò đáng kể trong việc kiểm soát hơn 234.000km2 vùng bảo tồn biển Ascension. Nghiên cứu ban đầu bằng công cụ vệ tinh về thủy vực này đã phát hiện ít nhất 8 phương tiện tắt bộ thu - phát, nhiều khả năng chính là các tàu đánh bắt bất hợp pháp. Công ty SAC đã làm việc với Chính phủ Anh và theo dõi dấu vết các phương tiện trong khu vực bảo tồn biển này. Trong một động thái được ông Laffoley ca ngợi là “bước tiến rất lớn”, Chính phủ Anh đã tuyên bố cấm câu cá tại hơn một nửa vùng biển của đảo.

Nhưng theo Laffoley, điều này sẽ khiến việc bảo vệ khu vực còn lại trở nên dang dở: “Tôi cho rằng chúng ta cần đóng cửa nốt phần ngư trường còn lại. Cá buồm, rùa biển, các mập và các sinh vật khác không thể biết khu vực nào được bảo vệ và khu vực nào chúng sẽ gặp nguy hiểm. Nếu muốn có một khu vực với điều kiện tự nhiên hoang dã thật sự, chúng ta phải tạo ra các hệ sinh thái hoàn toàn nguyên vẹn. Có như thế mới xuất hiện các cá thể có tuổi thọ đủ lớn, có khả năng phục hồi và chất lượng trứng tốt hơn ở những vùng tái hồi phục”.

Laffoley đồng ý với lời kêu gọi của Clover rằng cần có ngân sách lớn hơn để giúp cộng đồng Ascension tồn tại mà không cần đánh bắt cá. “Chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao để bảo tồn đa dạng sinh học lại phải khai thác chính nguồn lợi đa dạng sinh học. Liệu đây có phải là một chính sách đúng đắn, nếu đối chiếu với tác hại hủy diệt mà hoạt động ngư nghiệp đang gây ra?”.