Blockchain - công nghệ đứng sau sự phát triển của đơn vị tiền ảo bitcoin từ cuối năm 2008 - lại trở thành điểm nóng của giới công nghệ toàn cầu trong những ngày đầu năm 2016.

Văn phòng khoa học Chính phủ Anh vừa trình một báo cáo về công nghệ sổ cái phân tán blockchain, đưa ra 8 khuyến nghị sử dụng công nghệ này một cách tối ưu. Điều này một lần nữa khiến blockchain trở thành tâm điểm chú ý. Blockchain là gì và tại sao nó lại gây xôn xao đến vậy?

“Cuốn sổ cái” khiến hacker bó tay

Blockchain là phương pháp ghi dữ liệu, có thể coi là “cuốn sổ cái” lưu các giao dịch, thỏa thuận, hợp đồng và bất kỳ dữ liệu gì mà chúng ta cần ghi chép một cách độc lập hay xác minh sự tồn tại của nó.

Ý tưởng về blockchain được biết đến nhiều qua sự ra đời của bitcoin. Ảnh: Star Tribune
Ý tưởng về blockchain được biết đến nhiều qua sự ra đời của bitcoin. Ảnh: Star Tribune

Sự khác biệt mấu chốt của blockchain so với sổ thường là nó không tồn tại ở một địa điểm cụ thể nào. Nó được phân tán trên hàng trăm, hàng nghìn máy tính khắp thế giới bằng một công nghệ cho phép nhóm các bản ghi số hóa thành từng khối và chuỗi nhờ các thuật toán phức tạp và quá trình mã hóa có sự tham gia đồng bộ của nhiều máy tính.

Blockchain là hình thức lưu trữ minh bạch tuyệt đối mà mọi cá nhân tham gia đều có quyền truy cập phiên bản đầy đủ. Một khi đã được cập nhật, nó không thể bị thay đổi hoặc xáo trộn mà chỉ có thể bổ sung, và quá trình cập nhật diễn ra đồng thời trên tất cả máy tính trong mạng lưới. Nếu các dữ liệu gốc về giao dịch được thay đổi sau khi mã hóa, chỉ cần có một chữ ký điện tử khác để nhắc nhở toàn mạng lưới về nội dung cần sửa.

Với bản chất phân tán của dữ liệu chuỗi khối, khả năng bị hack gần như không có. Để bẻ khóa, hacker cần truy cập tất cả phiên bản cùng lúc. Do quá trình mã hóa chỉ diễn ra một chiều, “cuộn chỉ rối” dữ liệu không thể bị giải mã ngược thành dữ liệu ban đầu, đảm bảo độ an toàn và tính riêng tư.

Từ Bitcoin đến các ngân hàng đầu ngành

Ý tưởng về blockchain được công bố tháng 10/2008 - thời điểm ra đời tiền ảo bitcoin, được “khai thác” bởi các máy tính tham gia giải các ma trận toán học phức tạp, đòi hỏi nhiều năng lực tính toán và điện năng. Công việc này được thực hiện và kết nối nhờ blockchain.

Nhưng blockchain không chỉ là bitcoin. Từ các công ty khởi nghiệp như Ethereum đến các đại gia công nghệ như Microsoft đều đang phát triển dịch vụ blockchain riêng. Một số dịch vụ để mở cho mọi người dùng, số khác giới hạn quyền truy cập trong một cộng đồng nhất định.

Nguyên lý blockchain phù hợp hoàn hảo với hoạt động của ngân hàng. Theo Simon Taylor - Phó Giám đốc R&D về blockchain của Ngân hàng Barclay, công việc các ngân hàng thực hiện về cơ bản đều là đảm bảo an toàn cho tiền gửi và cần một máy tính lớn để lưu dữ liệu về tài sản của khách.

Nhưng việc kết nối các máy tính này rất phức tạp và đắt đỏ, công nghệ lại đang trở nên lỗi thời. Nếu các ngân hàng chia sẻ dữ liệu qua một phiên bản đặc biệt của blockchain, họ có thể không cần nhân sự trung gian, giảm được nhiều quy trình thủ công, tăng tốc độ giao dịch, qua đó giảm chi phí vận hành. Đối với các nhà quản lý, tính mở và minh bạch của blockchain sẽ giúp họ dễ điều tra về thuế hơn.

Mới đây, tại hội nghị về công nghệ sổ cái phân tán với sự tham gia của hơn 40 ngân hàng lớn hãng công nghệ R3 tuyên bố đã có 11 thể chế tài chính tham gia thử nghiệm blockchain.


Người dân được lợi như thế nào?

Năm 2015, Ngân hàng Goldman Sachs và hãng đầu tư Trung Quốc IDG Capital Partners đổ 50 triệu USD vào Circle Internet Financial, hãng khai thác blockchain để cải tiến hoạt động chuyển tiền. Circle cũng tạo ví điện tử cho bitcoin, nhưng cho phép người dùng chọn gửi và nhận tiền bằng USD. Ý tưởng này nhằm đơn giản hóa các giao dịch xuyên quốc gia đến mức chỉ như gửi tin nhắn điện thoại. Nếu các ngân hàng có thể giảm thời gian giao dịch và chi phí, người dân sẽ được hưởng lợi từ một hệ thống rẻ hơn và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, việc gửi tiền ra nước ngoài có thể diễn ra gần như ngay lập tức.

Hãng Everledger cũng dùng blockchain để phát triển một hệ thống giúp bất cứ ai cũng có thể tự xác minh lịch sử sở hữu và giá trị của từng viên kim cương trong các giao dịch toàn cầu. Chỉ trong 6 tháng, Everledger đã tiếp nhận thông tin của 850.000 viên kim cương.

Với phiên bản blockchain tự xây dựng, hãng Estonia Guardtime đã giúp Chính phủ Estonia quản lý và bảo vệ dữ liệu của công dân trong hơn 1.000 dịch vụ online. Theo giám đốc công nghệ của Guardtime, khả năng gán một chữ ký số cho từng bit dữ liệu sẽ rất quan trọng trong kỷ nguyên của dữ liệu lớn và vạn vật kết nối.

Có thể người tiêu dùng không hiểu rõ về blockchain, nhưng hiệu ứng do nó mang lại sẽ là điều hiển nhiên đối với mọi người.