Các kỹ sư của tập đoàn Robert Bosch (Đức) đã phát triển thành công một hệ thống khí thải mới cho động cơ diesel, giúp cắt giảm đáng kể lượng phát thải các oxit của nitơ (NOx) vốn cực kỳ độc hại với môi trường.
Tập đoàn kỳ vọng, công nghệ này sẽ được ứng dụng rộng rãi trên thị trường từ năm 2020.
CEO của Bosch, Volkmar Denner, khẳng định động cơ diesel sẽ có một tương lai tươi sáng khi khí thải không còn là vấn đề. Mặc dù phát thải CO2 ít hơn động cơ xăng, động cơ diesel vẫn bị chỉ trích vì sản sinh NOx – tác nhân tham gia vào quá trình hình thành khói ô nhiễm.
Theo Jonathan Gitlin – biên tập viên mảng công nghệ ô tô của Ars Technica, phần mềm quản lý động cơ mới được tối ưu hóa để bảo đảm tiêu hao ít nhiên liệu và giảm nồng độ NOx. Nhờ tái tuần hoàn khí thải áp suất cao và thấp mà dòng khí lưu trong động cơ được quản lý tốt hơn, đi đôi với việc nhiên liệu bơm vào thường xuyên được kiểm tra sẽ giúp giảm nguy cơ NOx tăng đột biến.
Liệu công nghệ đột phá của Bosch có cứu được động cơ diesel? The Insider Car News đã quan sát trực tiếp và cho biết, "mức phát thải NOx giảm mạnh dù xe chạy trong thành phố hay trên xa lộ, chạy thong dong hay phóng như điên. Từ năm 2020, giới hạn phát thải này sẽ giảm xuống 120 miligram. Một khi được trang bị công nghệ tiên tiến nhất của Bosch, các xe chạy diesel sẽ được xếp vào loại có phát thải thấp nhưng giá thành phải chăng."
Bất chấp scandal gian lận số liệu phát thải của xe chạy diesel ở Đức năm 2015 và những hệ lụy dai dẳng, động cơ diesel vẫn được xem là giải pháp hiệu quả giúp giảm tổng lượng tiêu thụ dầu mỏ, và là phần quan trọng của một chiến lược lớn hơn là giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Bosch cho biết, hệ thống khí thải mới cho động cơ diesel do họ phát triển giúp giảm phát thải NOx xuống còn 13 miligram trên mỗi km, thấp hơn hẳn quy định trong luật là 120 miligram.
Phạm Nhật theo Techxplore