Việc Facebook nghiên cứu ứng dụng công nghệ liên lạc thông qua giao diện não - máy tính nhằm giúp con người giao tiếp bằng cách nghĩ đến nhau mà không cần nói hoặc viết góp phần làm nóng lên mối lo ngại về sự xâm phạm quyền riêng tư và tự do của con người.

Bộ não có thể bị hack và giải mã

Nếu như một thời gian ngắn trước đây, những công nghệ có liên quan tới não, hay các giao diện não - máy tính vẫn còn được coi là truyện viễn tưởng thì ngày nay, chúng đang phát triển với một tốc độ đánh kinh ngạc, kéo theo vô số các công nghệ phức tạp có liên quan.

Chẳng hạn, các nhà khoa học đã chế tạo được một con robot có khả năng điều khiển bằng sóng não. Đặc biệt, đầu năm nay, các nhà khoa học thần kinh đã tiến thêm một bước lớn khi giúp những bệnh nhân bị hội chứng khóa trong (Locked-in Syndrome, người bệnh dù nhận thức đầy đủ nhưng không thể cử động hay nói năng, ngoại trừ chuyển động mắt hoặc chớp mắt) giao tiếp được thông qua giao diện não - máy tính.

Công nghệ liên lạc thông qua giao diện não - máy tính đang được Facebook nghiên cứu ứng dụng. Khi thành công, nó sẽ cho phép con người giao tiếp bằng cách “nghĩ” đến nhau mà không cần nói hoặc viết.

Với sự phát triển của công nghệ, não - nơi ẩn nấp cuối cùng của quyền cá nhân - có thể sẽ bị xâm phạm. Ảnh: Welivesecurity

Cùng với những hiểu biết sâu rộng hơn của con người về hoạt động não, người ta đã chứng minh được rằng não có thể bị xâm nhập để khai thác (hack). Tờ Futurism đưa tin, nhà nghiên cứu Tamara Bonaci thuộc Đại học Washington, Mỹ trong hội nghị an ninh bí ẩn đã giới thiệu một công nghệ mới có thể sử dụng để hack não người, được tạo ra dựa theo một game có tên Flappy Whale. Khi mọi người chơi game, công nghệ này sẽ tìm hiểu phản ứng của hệ thần kinh trước các hình ảnh siêu phàm trong game như biểu tượng, nhà hàng, xe ôtô.

Tuy hiện giờ nó chỉ làm được như vậy nhưng trong tương lai, công nghệ này được kỳ vọng có thể giúp tìm hiểu những thông tin nhạy cảm hơn như tín ngưỡng, sự sợ hãi, thành kiến, sức khỏe...

Gần đây, các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Công nghệ Karlsruhe, Đức và Trung tâm Wadsworth, Mỹ đã tạo ra một hệ thống có thể giải mã hoạt động của não có tên “Não tới văn bản”. Hệ thống này sử dụng các điện cực đặt trên vỏ não để ghi lại hoạt động của não, trong khi các đối tượng bị bệnh động kinh đang được điều trị xâm lấn tích cực đọc to một đoạn văn bản. Các tín hiệu điện tín được ghi lại, phân tích và giải mã. Như vậy, khi hệ thống này được phát triển ở trình độ cao hơn, chúng ta có thể đọc tín hiệu não và giải mã nó.

Nơi ẩn náu cuối cùng của quyền cá nhân

Khả năng hack và giải mã hoạt động của não mà không được sự cho phép của chủ nhân bộ não đã và đang đe dọa quyền tự do và quyền riêng tư của con người theo một cách mới. “Câu hỏi đặt ra là liệu hệ thống quyền con người hiện nay đã được chuẩn bị để đối diện với xu hướng mới trong công nghệ thần kinh hay chưa? Những thông tin trong não bộ của chúng ta phải được bảo vệ một cách đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng” - nhà thần kinh học Marcello Ienca thuộc Đại học Basel, Thụy Sỹ - nói.

Marcello Ienca và luật sư về quyền con người Roberto Andorno thuộc Đại học Zurich, Thụy Sỹ đã đưa ra 4 quyền con người mới để bảo vệ não bộ: Quyền tự do nhận thức, quyền với sự toàn vẹn của tinh thần, sự riêng tư về tinh thần và sự liên tục của tâm lý.

Theo đó, sự tự do nhận thức liên quan tới quyền tự do của một cá nhân trong việc cho phép dùng hay không dùng các công nghệ kích thích với não. Nếu được công nhận, quyền này cấm người sử dụng lao động sử dụng các công nghệ kích thích não bộ với nhân viên của mình.

Quyền về sự toàn vẹn tinh thần đề cập tới khả năng hacker cấy ghép chip vào não người khác và sử dụng nó để điều khiển chủ thể.

Quyền về sự riêng tư tinh thần được sử dụng để bảo vệ não bộ một cá nhân không bị đọc trộm khi không có sự cho phép của người đó. Các đạo luật hiện nay mới chỉ cho phép chúng ta kiện một người ăn cắp và chia sẻ ảnh hay tài liệu mà chủ nhân muốn giữ kín chứ chưa xét tới việc người nào đó sử dụng công cụ để ăn cắp ký ức, suy nghĩ và công khai chúng.

Quyền với sự liên tục của tâm lý sẽ bảo vệ con người khỏi những hành động làm gián đoạn nhận thức, tổn hại đến cảm xúc của một người trong suốt cuộc đời. Việc sử dụng phương pháp cấy ghép điện cực để kích thích não, từ đó kiểm soát các triệu chứng của bệnh Parkinson chẳng hạn, được cho là đã làm tổn hại tới bệnh nhân bởi nhiều người có cảm giác mình không còn là mình sau điều trị.