Ông Đặng Văn Sơn - Giám đốc Học viện Sáng tạo S3 - cho rằng robot thay thế con người là viễn cảnh có thể nhìn thấy không chỉ trong giáo dục mà còn trong rất nhiều ngành nghề khác. Liệu có phải trong tương lai, các trường học sẽ không cần tuyển các thầy, cô giáo nữa?

Xu thế dùng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục

Một trong những chủ đề “hot” được bàn thảo sôi nổi trong hội nghị thượng đỉnh về công nghệ giáo dục năm 2017 diễn ra tại thành phố SaltLake City, Mỹ vừa qua là ngành giáo dục sẽ phản ứng như thế nào trước thực tế ứng dụng ngày càng rộng rãi của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo báo cáo của NMC - một tổ chức gồm hàng trăm trường đại học, cao đẳng, bảo tàng và trung tâm nghiên cứu, AI và VR (thực tế ảo) sẽ là hai hướng phát triển công nghệ quan trọng có khả năng thay đổi nền giáo dục trong 4-5 năm tới. Công ty nghiên cứu thị trường đa quốc gia Technavio dự đoán thị trường sử dụng AI trong giáo dục sẽ tiếp tục phát triển, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 39% trong vòng 4 năm tới.

Trong năm 2017, nhiều chuyên gia cho rằng AI có thể được dùng trong giáo dục để đánh giá đáp án viết tay của học sinh, trả lời câu hỏi của học sinh, hay dùng làm trợ lý ảo cá nhân...

Robot NAO đang được sử dụng làm trợ giảng tại Trung tâm Giáo dục tiếng Anh EQuest. Nó có thể nói được nhiều ngoại ngữ, nhảy, trả lời câu hỏi của học sinh. Ảnh: Loan Lê

Thực tế, AI đã bắt đầu được sử dụng trong giảng dạy từ trước đó. Có thể kể tới việc ETS (Viện Khảo thí giáo dục Mỹ) sử dụng AI để thay thế 1-2 người khi đánh giá các bài luận trong kỳ thi SAT (một kỳ thi chuẩn hóa - mỗi đợt thi đều có dạng thức đề thi giống nhau - cho việc đăng ký vào phần lớn các trường đại học tại Mỹ) và GRE (bài kiểm tra tiêu chuẩn được sử dụng để xét điều kiện nhập học sau đại học - master hoặc PhD - ở các chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, trừ y, dược, luật) tại Mỹ.

Ashok Goel - Giáo sư công nghệ Đại học bang Georgia, Mỹ - cũng đã sử dụng trí tuệ nhân tạo như một trợ giảng để trả lời câu hỏi của sinh viên một cách thành thục.

AI - đối thủ hay trợ thủ?

Sự tham gia ngày càng sâu rộng của AI trong công tác giảng dạy khiến không ít người lo ngại về cơ hội nghề nghiệp của các giáo viên trong kỷ nguyên AI. Tuy nhiên, theo ông Lê Công Thành - Giám đốc Topica AI Lab thì AI chỉ là công cụ: “AI có thể đào thải những người không thích nghi với công cụ mới và nâng tầm những người thích nghi với nó. Ngoài ra, AI giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt tài nguyên giáo viên trong khi vẫn cung cấp một chất lượng giảng dạy không đổi cho tất cả mọi người”.

Là người phát triển GotIt! - một ứng dụng chuyên kết nối các chuyên gia với những học sinh đang gặp khúc mắc trong việc giải bài tập các môn tự nhiên, tiến sỹ (TS) Trần Việt Hùng - Giám đốc kỹ thuật đồng thời là nhà sáng lập công ty khởi nghiệp GotIt! - cho rằng: “Nhìn chung AI sẽ hỗ trợ giáo viên rất nhiều trong việc tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng và đưa ra bài giảng cá nhân hoá cho từng sinh viên. Điều này hoàn toàn khác với truyền thống là một bài giảng cho tất cả lớp, ai phù hợp thì sẽ là sinh viên giỏi, còn không có thể là sinh viên kém. Tuy nhiên, chắc AI còn lâu mới có thể nhận biết được tâm lý và cảm xúc của sinh viên như khi họ nói chuyện 1:1 với giáo viên”.

Đồng quan điểm này, thạc sỹ Đặng Minh Tuấn - giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, người sáng lập dự án dạy toán bằng tiếng Anh UberMath - khẳng định: “Cảm xúc và truyền cảm hứng là những thứ mà robot hay trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được con người”.

Còn TS Đặng Văn Sơn dự đoán: “Robot thay thế con người là việc có thể nhìn thấy không chỉ trong giáo dục mà còn với rất nhiều ngành nghề khác. Nhiều ngành nghề sẽ hoàn toàn biến mất và một số ngành nghề là sự kết hợp của cả hai. Việc học online cũng có thể coi là học robot”.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng giáo dục có những sự đặc thù: “Chẳng hạn như cảm hứng làm việc. Đây là thứ robot không thể truyền đạt được cho con người, mà chỉ có người với người mới làm được việc này. Các yếu tố liên quan tới tình cảm cũng vậy. Một con robot sẽ không thể kích thích học sinh học tốt được. Lấy ví dụ, khi học sinh tạo ra một sản phẩm tốt, robot không thể đánh giá được sản phẩm trên khía cạnh thẩm mỹ. Đây chính là khoảng trống mà robot không thể thay thế con người”.