Theo nghiên cứu, hơn 80% dữ liệu hiện nay đang ở dạng phi cấu trúc và hơn 50% dữ liệu là có thể khai thác… Đó là những con số đáng suy nghĩ từ hội thảo “Chuyển đổi số - Xu thế tất yếu của doanh nghiệp”, vừa diễn ra tại Saigon Innovation Hub (TP. HCM).

Ông Vũ Anh Tuấn – Tổng thư kí Hội Tin học TP. HCM và bà Nguyễn Thu Anh – Giám đốc Trung tâm Kinh tế số phía Nam. Ảnh: KH&PT
Ông Vũ Anh Tuấn – Tổng thư kí Hội Tin học TP. HCM và bà Nguyễn Thu Anh – Giám đốc Trung tâm Kinh tế số phía Nam. Ảnh: KH&PT

Hội thảo do Hội Tin học TP. HCM phối hợp cùng Saigon Innvation Hub (SIHUB) và các đơn vị báo đài, truyền thông đồng tổ chức. Nhiều câu chuyện thú vị về chuyển đổi số (digital transformation) trên thế giới đã được các diễn giả giới thiệu và gợi cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp.

“Tư tưởng không thông đeo bi đông cũng nặng”

Mở đầu chương trình là phần trình bày của ông Phí Anh Tuấn, Tổng giám đốc công ty tư vấn PAT. Ông khẳng định: “Chuyển đổi số đang là xu thế không thể đảo ngược. Hầu như tất cả các mô hình kinh doanh mới đều có sự kết nối trong hệ sinh thái số. Do đó, doanh nghiệp cần tạo ra môi trường số hóa cho mình và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái số hóa.”

Ông tiếp tục dẫn dắt câu chuyện: “Xin nói luôn là việc chuyển đổi số là bắt buộc, nhưng không quá khó. Hiện nay, giá thành cho việc tạo ra dữ liệu có ích cho doanh nghiệp đang ngày càng thấp. Công nghệ thông tin tiến quá nhanh đã tạo điều kiện tuyệt vời cho doanh nghiệp phát triển. Song giá trị của doanh nghiệp cũng được định nghĩa lại trong nền kinh tế số. Ngày nay, nhiều doanh nghiệp tuy nhìn bề ngoài chỉ có một website, song được định giá hàng triệu đô la, như Foody, là do doanh nghiệp đang có nguồn dữ liệu khách hàng rất giá trị.”

Diễn giả Phí Anh Tuấn Tổng Giám đốc công ty tư vấn PAT. Ảnh: KH&PT
Diễn giả Phí Anh Tuấn Tổng Giám đốc công ty tư vấn PAT. Ảnh: KH&PT

Vậy công cuộc chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu? Theo ông Phí Anh Tuấn, đây không hẳn là một cuộc chơi của công nghệ, mà phải bắt nguồn từ việc thay đổi tư duy.

“Nhiều năm trước, tôi thường nghe câu ‘tư tưởng không thông đeo bi đông cũng nặng’, tức là một người lính dù chỉ cần đeo theo một bi đông nước, nhưng người thủ trưởng không giải thích rõ được lí do của việc đeo bi đông là để chuẩn bị đi vào nơi thiếu nước, vùng sa mạc,… thì chiếc bi đông cũng trở thành một gánh nặng. Câu chuyện chuyển đổi số ở đây cũng vậy”, ông Tuấn ví von.

Vị diễn giả tiếp tục lấy ví dụ cho thấy chuyển đổi số không phải là điều gì quá to tát. Khi các hãng hàng không hướng khách hàng đến việc sử dụng vé điện tử, đó là chuyển đổi số. Trong lĩnh vực bất động sản, người ta có thể số hóa các vấn đề pháp lý, quy hoạch, tiếp thị và cả khâu bán hàng,… Tất cả đều có thể tạo nên chuỗi giá trị liên kết giữa các nhà máy, các công ty và đối tác.

“Tuy nhiên, lộ trình chuyển đổi số cũng cần rõ ràng, cụ thể”, ông Tuấn lưu ý. “Nên đi theo ba bước chính. Thứ nhất, đánh giá trạng thái và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp. Thứ hai, xây dựng mô hình kinh doanh gắn với các xu hướng công nghệ mới, sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Thứ ba mới là lên kế hoạch triển khai.”

Tạo ra tương lai

Theo diễn giả Phan Thanh Sơn - GĐ Phát triển kinh doanh công ty cổ phần Hệ thống thông tin FPT – tốc độ thay đổi đến chóng mặt là một trong những đặc điểm của nền kinh tế số hiện nay. Ông Sơn dẫn các nguồn số liệu cho thấy, để có được 50 triệu người dùng đầu tiên, tivi đã mất đến 13 năm, trong khi trong thế kỉ 21, mạng xã hội Facebook đạt 50 triệu người dùng chỉ trong vòng hai năm. Và do đó, có thể dự báo thời gian sẽ còn rút ngắn rất nhiều trong những năm sắp tới.

Diễn giả Phan Thanh Sơn – Gđ Phát triển kinh doanh công ty cổ phần Hệ thống thông tin FPT. Ảnh: KH&PT
Diễn giả Phan Thanh Sơn – Gđ Phát triển kinh doanh công ty cổ phần Hệ thống thông tin FPT. Ảnh: KH&PT

Ông Phan Thanh Sơn cũng gợi ra bức tranh chuyển đổi số làm thay đổi nhiều ngành công nghiệp, trong đó công nghệ in 3D là một ví dụ điển hình: “Ngày nay, có những nhà máy đã sử dụng công nghệ in 3D để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Tức là chiếc máy in 3D của họ có thể phun và tạo hình bằng nhiều chất liệu kết hợp, từ nhựa đến các loại kim loại,… Điều này tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành phân phối, khiến nhiều công ty phân phối, gia công,… phải đóng cửa. Đó là những điều vượt ngoài khả năng tưởng tượng của các nhà kinh doanh thế hệ trước.”

“Trong khi đang có những người mong Việt Nam trở thành một dạng công xưởng của thế giới, nhiều nước đang có những giấc mơ lớn hơn. Có thể kể đến Ấn Độ với slogan “make in India”, với chữ “make” (tạo ra) được chia ở thì hiện tại. Người Ấn đang hướng đến một nền kinh tế mà con người làm việc, huấn luyện và tương tác liên tục, trực tiếp với robot.”

Ông Sơn tiếp tục với những dẫn chứng về tiến trình phát triển chóng vánh của công nghệ thông tin: “Chúng ta có thể tạm chia ngành công nghiệp máy tính thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, vào những năm 50- 60 của thế kỉ trước, khi máy tính vừa ra đời và kéo dài đến năm 1985, chúng ta chỉ có vài ngàn ứng dụng trên máy tính (application). Trong giai đoạn 1985 – 2011, có khoảng vài chục ngàn app trên máy tính. Và hiện nay, dự báo đến năm 2020, sẽ có khoảng vài triệu app được phổ biến rộng rãi khắp thế giới. Đó là những nền tảng tuyệt vời cho cuộc chuyển đổi số.”

“Tuy nhiên, đừng nên làm điều gì quá lớn và quá dài, húc đầu vào những điều ấy không có kết quả ngay được. Ngược lại, hãy tạo ra những thay đổi có thể thấy được trong 3-6 tháng, điều đó tạo động lực cho cả công ty. Theo các nghiên cứu mới, hơn 80% data trên thế giới vẫn đang ở dạng phi cấu trúc và hơn 50% dữ liệu còn có thể khai thác được. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ những dữ liệu ấy.”

“Cố Tổng thống Mỹ A. Lincoln có câu nói nổi tiếng: ‘Cách tốt nhất để dự báo tương lai là tạo ra nó.’ Chuyển đổi số là một ngành công nghiệp mới nổi và còn nhiều điều chưa biết hết, chưa dự báo được. Thế nên việc chúng ta bắt đầu thực hiện tức là chúng ta đang dự phần vào tương lai”, ông Sơn khép lại buổi gợi mở về chuyển đổi số một cách đầy cảm hứng.