Nếu có cuộc “va đập 4.0” nào gây tốn nhiều giấy mực nhất năm 2018, hẳn là vụ kiện giữa Vinasun và Grab - hai đại diện giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Anh Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Grab Việt Nam. Ảnh: PV
Anh Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Grab Việt Nam. Ảnh: PV

Nguyễn Tuấn Anh, chủ tịch Grab Việt Nam - người từng đại diện Yahoo! Khu vực Đông Nam Á, từng là CEO của công ty khởi nghiệp đầy tham vọng với mạng xã hội Trường Xưa, lại kể với KH&PT những câu chuyện không mấy liên quan đến nhau: chuyện anh muốn làm gì để một cô gái bán bánh tráng trộn có thể toả sáng và chuyện sóng thần 4.0.

Năm vừa rồi của anh trôi qua thế nào?

Đầy biến động và đủ cung bậc cảm xúc, từ việc mua lại Uber đầu năm đến vụ kiện cuối năm, từ GrabPay by Moca chuyển đổi không suôn sẻ đến việc chiến đấu giữ chân từng khách hàng.

Điều gì làm anh tự hào nhất về công việc của mình?

Là giúp tạo việc làm cho hàng trăm ngàn người khác bằng việc sử dụng công nghệ. Từ giờ chỉ với 1 chiếc xe máy và 1 cái điện thoại, ai cũng có thể chở khách, giao hàng, giao thức ăn và đủ thu nhập để sống.

Vậy lần sau chúng ta ở nhà mở ứng dụng đặt thức ăn, khỏi ra quán hẹn nhau nữa nhỉ?

Chúng ta cần chỗ ngồi nói chuyện mà. Nhà hàng này chi phí lớn nhất chính là mặt bằng và nội thất, coi như một dạng kinh doanh bất động sản và dịch vụ. Còn nếu đơn thuần là muốn bán đồ ăn, thì chỉ cần nấu thật ngon trong gian bếp ở bất cứ nơi nào của mình, kết nối với nền tảng GrabFood hay những ứng dụng tương tự là đã có thể tiếp cận hàng triệu khách hàng mà không cần lo gì thêm. Món ăn sẽ ngon hơn, giá sẽ giảm hơn, và vậy là coi như cả người mua lẫn người bán đều có thêm thu nhập. Chúng tôi gọi đó là tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh của xã hội.
Mà tại sao cứ phải thay đổi, khi mà mọi chuyện đang yên đang lành như hôm qua...

Tôi nghĩ cách mạng 4.0 nó là một cơn sóng thần, mà chạy đi đâu cũng không thoát được hiện nay. Đơn giản là vì đã tới thời điểm chín muồi của nó. Chẳng hạn trí tuệ nhân tạo là thứ đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ thập niên 1960 chứ không phải mới, nhưng chỉ đến hiện nay, máy tính chạy nhanh hơn, internet mạnh hơn, và hầu như trong túi ai cũng sở hữu cái điện thoại thông minh có chứa bộ vi xử lý mạnh ngang với thiết bị trên tàu vũ trụ thuở xưa, thì đã đến “điểm bùng phát” của nó rồi. Không đổi không được.

Vậy là sẽ có những người bị bỏ lại khi không theo kịp tốc độ thay đổi này. Thật là bi kịch, đúng không, chẳng hạn tài xế taxi truyền thống sẽ bị mất việc?

Tôi không nghĩ vậy. Ai cũng có chỗ của mình trên chuyến tàu 4.0 này, miễn là chịu cởi trói tư duy của mình. Chẳng hạn, một trong những điểm nhấn của thời đại là nền kinh tế chia sẻ, và hiện có hơn một trăm ngàn người sử dụng nền tảng Grab đang sống trong nền kinh tế này, và họ hài lòng với nó. 4.0 sẽ tạo điều kiện cho một thế hệ phụ nữ nội trợ của chúng ta toả sáng, và tạo ra hàng triệu những doanh nhân siêu nhỏ (micro entrepreneur). Đó là quá trình ai cũng có thể làm chủ, mở ra hoạt động kinh doanh để nuôi sống gia đình mình và có không gian rộng lớn hơn để phát triển. Chẳng hạn một cô gái bán bánh tráng trộn…

Cô gái ấy thì liên quan như thế nào?

Cô gái ấy có một thau bánh tráng trộn trong căn hẻm nhỏ ở khu lao động nghèo, nên khách hàng chỉ quanh đi quẩn lại là người thu nhập thấp. Nhưng cô đăng thông tin lên hệ thống, lượng khách hàng lớn hơn. Chúng tôi có dữ liệu về việc cô ấy buôn bán siêng năng chăm chỉ như thế nào, bánh tráng trộn ngon ra sao và thái độ phục vụ khách hàng có làm họ thoải mái. Vậy là cô ấy có lịch sử kinh doanh, nếu muốn vay vốn thuê một cửa hàng rộng rãi hơn để phát triển công việc làm ăn của mình thì chúng tôi sẵn lòng, vì uy tín của cô ấy đủ, không cần đến tín dụng đen...

Từ từ, anh nói là ai sẽ cho vay?

Chính xác là Grab và các đối tác tài chính của mình. Chưa phải ngay bây giờ, nhưng chắc chỉ vài tháng nữa là được. Nguyên tắc lớn nhất là thông tin minh bạch, có dữ liệu quá khứ thì có hạn mức tín dụng thôi, mà muốn vậy thì đừng dùng tiền mặt để giao dịch nữa…

Tốc độ chuyển đổi lĩnh vực có vẻ nhanh quá nhỉ. Xin hỏi một câu vô duyên: Giả sử nếu không làm ở Grab thì anh sẽ làm cái gì?

Thì cũng như mọi người, tôi không chạy trốn 4.0 được, nên sẽ làm cái gì đó, để tìm ra chỗ đứng của mình, tận dụng nền tảng công nghệ đã tạo ra, để bản thân mình phát triển hơn.

Vì sao anh thích làm việc ở các công ty công nghệ, khi bản thân anh không phải là một nhà khoa học hay kỹ sư?

Tôi học công nghệ ra nên có nền tảng và hiểu được sức mạnh tuyệt vời của công nghệ khi ứng dụng vào đời sống, kinh doanh, hiệu suất có thể tăng cả trăm lần dẫn đến chi phí giảm được rất nhiều và từ đó giảm giá thành dịch vụ và sản phẩm cho người sử dụng. Một xã hội có hiệu quả và năng suất tốt hơn sẽ ít lãng phí và có chi phí thấp hơn, có lợi cho cả xã hội và người dân, đất nước.

Anh cho rằng, thế nào là một công ty công nghệ thực thụ? Cần có nhiều bằng sáng chế, nuôi một bộ phận R&D khủng hay là gì?

Tôi cho rằng công ty công nghệ thực thụ thì phải có hàm lượng sử dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị. Không hẳn là cần bằng sáng chế hay bộ phận R&D (dù có thì rất tốt) mà cái cần nhất là ứng dụng những công nghệ đã có sẵn trên thế giới vào công việc mình đang làm để tăng năng suất và giảm giá thành, điều này ai cũng sẽ làm được nếu quyết tâm. Còn nếu công ty bạn mà có cả R&D và bằng sáng chế thì nghĩa là đã đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ thì quá tốt rồi. Nhưng trong phạm vi Đông Nam Á và Việt Nam, trở ngại lớn nhất vẫn là ứng dụng công nghệ có sẵn vào sản xuất và dịch vụ. Phải dám đầu tư mạnh và thay đổi mô hình kinh doanh để phù hợp với những sự thay đổi lớn về công nghệ này.

Xin cảm ơn anh!