Khi xảy ra sạt - trượt, người có thể chạy nhưng nhà cửa, đường sá, di tích, chùa chiền không di chuyển. Bởi vậy, bên cạnh việc lập quy trình cảnh báo và sơ tán, cần xử lý nguyên nhân gây sạt - trượt và gia cố chống lại việc gây sạt - trượt bằng các giải pháp công nghệ.

Trong đó, các giải pháp giá rẻ, làm tạm vài năm lại phải sửa chưa chắc đã kinh tế bằng làm giá cao nhưng bền vững. Đó là chia sẻ của tiến sỹ Nghiêm Minh Quang - chuyên gia Ủy ban Sạt - Trượt đất thuộc Tổng hội Xây dựng Nhật Bản, điều phối dự án Việt Nam của Tổng hội Sạt - Trượt đất quốc tế - với Khoa học và Phát triển.

Tiến sỹ Nghiêm Quang Minh - chuyên gia Ủy ban Sạt - Trượt đất thuộc Tổng hội Xây dựng Nhật Bản.
Tiến sỹ Nghiêm Quang Minh - chuyên gia Ủy ban Sạt - Trượt đất thuộc Tổng hội Xây dựng Nhật Bản.

Muốn chữa bệnh phải hiểu căn nguyên

Là người nghiên cứu về hiện tượng sạt - trượt lở đất, xin ông cho biết chúng ta cần phải làm gì để có thể giảm thiểu thiệt hại do hiện tượng này gây ra?

Sạt - trượt đất là hiện tượng thiên nhiên nên đôi khi diễn tiến rất chậm. Mái đất đã tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm nên không dễ gì mà tự nhiên sụt, sạt xuống. Đó thường là kết quả của một quá trình lâu dài dưới tác động của nước ngầm thấm, phong hóa bề mặt do gió mưa, nắng...

Thế nên ngoài kiến thức về địa kỹ thuật, nền móng thông thường - như am hiểu chỉ tiêu tính chất cơ hóa lý, cách cắt hay đắp đất đá nền móng, một chuyên gia sạt - trượt đất còn phải thông hiểu địa chất, lịch sử hình thành, kiến tạo, thế nằm, địa hình, địa mạo của các lớp đất, của bề mặt mái, thông hiểu các yếu tố về thủy văn như mưa, nước ngầm, thậm chí cả thảm phủ thực vật trên mái đất. Có thể nói nôm na, họ phải hiểu luôn cả “nắng mưa là chuyện của trời” ảnh hưởng đến cái mái đất đó ra sao.

Thông thường, để đưa ra giải pháp thích ứng, chúng tôi phải điều tra, thu thập thông tin về những yếu tố ảnh hưởng đến sạt - trượt mái đất nói trên, sau đó là nghiên cứu đề ra các biện pháp đo sự biến động của mái đất như chuyển vị hay dao động mực nước ngầm trong đất - tạm gọi là các biện pháp "kiểm tra sức khỏe" của mái đất. Có đủ thông tin thì mới có thể chế tạo ra các máy cảm ứng báo động chính xác khi nguy hiểm. Nghiên cứu làm sao để đo đạc chính xác, làm sao cảm ứng nhanh nhạy, phát tín hiệu báo hiểm kịp thời là những công việc rất khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và nhiều khi nguy hiểm.

Nói nguy hiểm cũng không quá vì sạt - trượt đất thường xảy ra khi mưa bão hay đang có dư chấn mạnh, các nhà nghiên cứu phải đến hiện trường (núi cao, rừng sâu) ngay để thu thập số liệu càng sớm càng tốt.

Công việc kế tiếp là phát triển các sản phẩm áp dụng cho các biện pháp phòng chống sạt - trượt đất.

Tiến sỹ Đinh Văn Tiến - Viện Khoa học công nghệ giao thông - vận tải - giới thiệu thiết bị mô phỏng trượt đất do dự án JICA tài trợ. Ảnh: Hải Minh
Tiến sỹ Đinh Văn Tiến - Viện Khoa học công nghệ giao thông - vận tải - giới thiệu thiết bị mô phỏng trượt đất do dự án JICA tài trợ. Ảnh: Hải Minh

Chạy cũng phải có quy trình

Thưa ông, có những biện pháp nào thường được áp dụng đối với hiện tượng sạt - trượt đất?

Có ba biện pháp chính. Một là làm mất đi nguyên nhân gây sạt - trượt - sụt như làm giếng tiêu nước ngầm để hạ mực nước ngầm (nguyên nhân chính trong nhiều vụ sạt trượt đất), hoặc đào bỏ các khối đất dốc dễ mất ổn định phía trên mái để giảm trọng lượng gây sụt đất. Hai là gia cố chống lại việc gây sạt - trượt gồm các biện pháp phủ bêtông cứng hóa bề mặt, dùng cọc neo lớp đất trượt vào tầng đá gốc ổn định, xây tường chắn hay đắp đất, đá tạo bệ phản áp lực cân bằng với lực gây trượt.

Biện pháp thứ ba đơn giản là... chạy. Để chạy cũng phải có cách, phải thiết lập quy trình cảnh báo quy định khi nào cần chạy dựa trên tín hiệu cảm ứng đo tại hiện trường, cần đào tạo và thiết lập kế hoạch sơ tán cho người dân...

Ví dụ như nếu có dự đoán với cường độ mưa 100mm/h, trong thời gian 1 giờ tới có khả năng xuất hiện sạt - trượt ở vị trí nào đó thì khi các thiết bị đo mưa theo dõi được cường độ mưa tương tự, cần phát lệnh sơ tán.

Từ năm 1999 đến nay, tôi tham gia các nhóm làm dự án điều tra lấy số liệu thực tế, thí nghiệm, chạy mô hình toán và trực tiếp phát triển dây chuyền công nghệ cho ra các sản phẩm của vài phương pháp phòng chống sạt - trượt đất như giếng ngầm tiêu nước, cọc neo, tường rọ đá phản áp đắp ở chân mái đất, biện pháp gắn các thiết bị đo chuyển vị sâu trong mái để liên tục phát tín hiệu, kịp thời báo động khi mái dịch chuyển lớn.

Từ nghiên cứu của mình, theo ông Việt Nam nên ứng dụng các giải pháp nào để giảm thiểu thiệt hại do sạt - trượt đất?

Giải pháp thì có nhiều, tốn kém cũng tùy theo cách nghĩ. Làm rẻ tạm vài năm mà bị hỏng, thậm chí chưa dùng đã hỏng, phải sửa, chắp vá thì chưa chắc đã kinh tế bằng làm giá cao nhưng sử dụng bền vững mãi về sau.

Tôi tin là nhiều giải pháp của người Nhật có thể áp dụng tốt tại Việt Nam, vấn đề là giá thành của họ cao so với ta. Vì thế, cần phân vùng, lập kế hoạch nơi nào bắt buộc phải bỏ tiền gia cố làm ổn định, nơi nào chỉ cần theo dõi định kỳ hay lập quy trình cảnh báo.

Trước mắt, ta cần có quy trình đánh giá mức độ nguy hiểm sạt - trượt đất và sau đó là thiết lập hệ thống cảnh báo. Tôi từng tham gia một dự án của JICA tại Việt Nam về việc này. Tôi thấy với mạng lưới viễn thông, điện thoại bàn, cầm tay, Internet đã khá phổ biến như hiện nay thì đây có lẽ là giải pháp khả thi.

Tất nhiên không phải lúc nào cũng “chạy”. Người có thể chạy chứ các di sản văn hóa, chùa chiền hay nhà cửa, đường sá giao thông thì không thể di chuyển được, nên ta vẫn phải nghiên cứu các biện pháp gia cố ổn định mái. Ở ta, có thể dùng cọc làm bằng nhiều loại vật liệu từ rẻ như gỗ tre, bêtông đến đắt tiền như thép, composite... để chống sạt - trượt đất.

Biện pháp này ít ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Hơn nữa, công nghệ cọc neo là quan trọng, phổ biến trong các biện pháp ổn định mái dốc. Ngay cả khi phủ cứng hóa bề mặt mái đất bằng bêtông cũng cần hiểu công nghệ cọc neo để thiết kế thi công cọc neo gắn kết lớp cứng hóa đó với các lớp đất mái, tăng tính nhất thể làm ổn định mái.

Ngoài ra, tôi biết một số người có kinh nghiệm về cọc và neo đất từ thời chiến tranh, từng làm ra nhiều con đường, cây cầu trong rừng núi địa hình phức tạp. Với kinh nghiệm sẵn có trong nước cùng với công nghệ đo đạc, thiết bị thực nghiệm cao cấp của Nhật Bản, chúng ta có thể sẽ cho ra được các sản phẩm giá cả phải chăng mà vẫn đảm bảo về độ bền kỹ thuật, thích hợp ứng dụng trong nước.


Cần thêm chuyên gia sâu về sạt - trượt

Ông có tư vấn gì cho Việt Nam trong việc lựa chọn áp dụng các giải pháp chống sạt - trượt đất?

Tiếp theo câu chuyện ở trên, tôi mong Việt Nam ta tập trung vào việc đào tạo nhiều chuyên gia về sạt - trượt đất, đồng thời cho lập các ủy hội chuyên sâu về sạt - trượt đất để các chuyên gia trong nước có nơi gặp gỡ trao đổi thông tin, lập các dự án, các chương trình nghiên cứu sạt - trượt đất.

Sau đó, ta nên có chính sách đầu tư thử nghiệm các dự án ấy. Tôi tin khi có điều kiện cọ xát chuyên môn thì họ sẽ cho ra các giải pháp hữu ích. Có các ủy hội chuyên môn tập hợp được nhiều chuyên gia sâu về sạt - trượt đất thì ta sẽ có các giải phát toàn diện triệt để.

Về giải pháp cụ thể thì rẻ nhất và có thể làm được ngay là gia cố mái đất bằng hệ rễ cây của thảm phủ thực vật, đồng thời bảo vệ rừng đầu nguồn chống xói mòn bề mặt. Câu chuyện này cũng chẳng có gì mới nhưng rất hiệu quả, vừa rẻ lại đảm bảo môi trường xanh và cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, hoàn toàn có tính khả thi.

Tôi nghĩ nên nghiên cứu các loại cây thực vật sẵn có trong nước, có thể sinh lợi ích kinh tế rừng vườn thì càng tốt, tránh nhập cây ngoại lai nếu chưa kiểm nghiệm được các tác dụng thay đổi cân bằng sinh thái của các loại cây đó.

Tại những vị trí đã đo đạc, biết được sự nguy hiểm mà chưa có kinh phí làm ổn định mái thì nên thiết lập các trạm phát tín hiệu cảnh báo hay ít nhất là quy trình cảnh báo để cảnh báo mỗi khi có nguy cơ như mưa to, bão lũ.

Đồng thời, ta cũng nên lập kế hoạch sơ tán khi có cảnh báo và tập trung tuyên truyền, tổ chức các đợt luyện tập ứng phó khi có tín hiệu cảnh báo. Việc này không tốn kém nhiều, chính quyền địa phương có thể làm được nếu có sự hướng dẫn của một vài chuyên gia tình nguyện. JICA Nhật Bản cũng có chương trình đưa chuyên gia tình nguyện sang giúp ta, nếu cần tôi cũng có thể hỏi giúp.

Tại các nơi bắt buộc phải bỏ tiền ra làm ổn định mái thì có thể kết hợp biện pháp cứng hóa bề mặt bằng bêtông với cọc neo đất, giếng thoát nước hay bệ phản áp ở chân mái như tôi đã nói ở trên.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Tiến sỹ Nghiêm Minh Quang sinh năm 1972 tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Thủy lợi năm 1994, bảo vệ luận án tiến sỹ tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo - Nhật Bản năm 2004. Hiện ông là cán bộ quản lý thuộc bộ phận phát triển công nghệ giải pháp xây dựng, Công ty thép Nippon Steel and Sumikin Products. Ông cũng là Chủ tịch Hội Hỗ trợ học thuật Nhật - Việt (JVAST).

Tiến sỹ Nghiêm Minh Quang từng được Hội Bảo vệ vùng núi Nhật Bản trao giải thưởng ưu tú về phương pháp ổn định mái đất Non-frame năm 2003 và giải thưởng đặc biệt ưu tú vì các cống hiến nghiên cứu cho phương pháp cọc neo năm 2011.