Kể từ khi đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp IoT TP.HCM lần 1 năm 2016 với dự án “Đèn đường thông minh S3”, doanh nhân Đỗ Nguyên Thanh Đồng và sản phẩm công nghệ ACIS (Auto Control and Intelligent System) xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông.

Là dân Quy Nhơn, khi còn đi học, Đồng đã có dịp “vọc” hàng công nghệ vì lúc đó sản phẩm điện tử còn hiếm và nhập về Việt Nam dạng second hand (sản phẩm đã qua sử dụng) qua cảng Quy Nhơn. Có lẽ đây là cơ duyên cho chàng kỹ sư xây dựng tương lai bén duyên với công nghệ sau này. Hết cấp 3, Đồng thi đậu Trường đại học bách khoa TP.HCM, khoa xây dựng. Sau tốt nghiệp, năm 2004, hầu hết dân kỹ sư xây dựng đều kiếm được nhiều tiền bằng nghề thì Đồng vừa làm nghề (xây dựng) vừa tiếp tục đầu tư nghiên cứu cho việc xây dựng sản phẩm mang tính biểu tượng công nghệ Việt.

Trải qua nhiều ngành nghề, thành lập nhiều doanh nghiệp, thành công và thất bại đã không làm cho chàng kỹ sư xây dựng bỏ cuộc. Năm 2012, ACIS Technology ra đời với sản phẩm Smart Home sau 8 năm thử nghiệm thành công. Mọi việc tưởng dễ nhưng Đồng lại gặp khó khăn trong việc mời các nhà đầu tư góp vốn để đưa sản phẩm ra thị trường, tuyển dụng nhân sự... Thế là các cổ đông là bạn bè lại góp vốn và góp sức vào. Đến nay, đội ngũ này vẫn tiếp tục sát cánh cùng nhau. Theo Đồng, đó cũng là một trong những thành công của ACIS.

Khởi nghiệp thành công: đam mê và kiên trì làm việc

Năm 2013, sản phẩm ACIS gặp khó khăn vì sản xuất ra nhưng khi bán thì việc cạnh tranh với hàng Trung Quốc chất lượng kém giá rẻ - người sử dụng mua vì giá. Hàng xuất xứ từ châu Âu giá thành cao thì lại được đưa vào dự án vì tâm lý hàng ngoại. Thời điểm này, ACIS Technology có nguy cơ đóng cửa vì chưa ai tin tưởng sản phẩm công nghệ Việt có đủ ổn định, sự an toàn trong vận hành dù sản phẩm ACIS đã chứng minh chất lượng tốt trong từng công trình, dự án tham gia lắp đặt và hoạt động ổn định.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm 2014, Đồng phải dành hết thời gian và kinh phí để đầu tư nghiên cứu nâng cấp sản phẩm ACIS với quyết tâm chinh phục khách hàng bởi tính ổn định của sản phẩm. Năm 2016, doanh thu bán hàng của ACIS tăng 3 lần so với năm 2015. Đội ngũ nhân sự và thị phần của ACIS tăng. Cổ đông bạn bè vẫn duy trì và sát cánh cùng nhau. Theo Đồng, sản phẩm có tính năng ổn định và được khách hàng tín nhiệm, đội ngũ nhân sự ổn định cũng là lợi nhuận.

Cơ duyên và thách thức lớn cho sản phẩm công nghệ Việt trong tương lai

Tháng 3/2016, Đồng đăng ký dự thi khởi nghiệp cuộc thi IoT TP.HCM lần 1 với giải pháp “Đèn đường thông minh S3” thì gặp lại Hiếu (kỹ sư CNTT Phan Minh Hiếu, từng học tập ở Úc và làm việc ở Công ty điện lực Tây Úc. Trước đây, Đồng cũng từng làm việc với Hiếu ở Công ty SMARTEK). Vậy là nhóm (có 3 thành viên) làm việc cật lực để hoàn thiện giải pháp S3. Với giải nhất cuộc thi IoT TP.HCM lần 1, Công ty cổ phần công nghệ S3 ra đời. Hiện S3 đang chuẩn bị ra mắt chính thức sau khi thử nghiệm hoàn thiện thành công trong thời gian tới.

Tuy bước đầu được đánh giá thành công với thương hiệu ACIS công nghệ Việt trong lĩnh vực EASY CONTROL Smart Home và S3 (Smart Streetlight System) nhưng Đồng vẫn không ngừng đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm để ACIS Technology trở thành doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa sản phẩm công nghệ Việt ra thế giới.

Cho đến nay, Đồng và tập thể ACIS Technology đang hoàn thiện và tiến tới cung ứng các ứng dụng công nghệ lõi phần cứng nhằm giúp các bạn trẻ trong lĩnh vực IoT có điều kiện phát triển sản phẩm nhanh hơn vì hầu hết startup đều nghiêng về phần mềm.

Được biết, hiện nay, không chỉ hoàn thiện sản phẩm và phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp đang điều hành, Đồng còn đang phối hợp thực hiện chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế và tiến đến việc đầu tư hỗ trợ giới trẻ trong cộng đồng khởi nghiệp IoT, sinh viên học sinh với các đối tác Vườn ươm (Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM) và các cơ quan truyền thông.

Với Đồng, việc đưa ra thông điệp ACIS quyết tâm trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ ứng dụng, cũng như nhiều bài viết do đồng nghiệp các báo đã từng so sánh với các hãng công nghệ hàng đầu của thế giới như Nhật Bản, Mỹ, hay Israel... đã luôn thôi thúc Đồng làm việc nhiều hơn.