Đó là lưu ý của Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Tạ Cao Minh - giảng viên cao cấp bộ môn Tự động hóa công nghiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Sáng tạo công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội - khi trao đổi với Khoa học và Phát triển.

Ông cũng cho rằng để bắt kịp cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 từ trình độ của CMCN 2.0, 3.0, Việt Nam không thể đi tuần tự từng bước mà phải tạo đòn bẩy bằng cách phát triển một số lĩnh vực ưu tiên.

Ông từng phát biểu rằng một số lĩnh vực công nghiệp Việt Nam đang nằm ở trình độ các cuộc CMCN cũ, chỉ một số ít lĩnh vực đang ở giai đoạn đầu của CMCN 4.0. Với hiện trạng đó, theo ông chúng ta sẽ làm gì để bắt kịp với CMCN 4.0?

Chúng ta không thể làm tuần tự những bước mà các nước phát triển đi trước Việt Nam mấy trăm năm đã làm mà phải chọn các ngành ưu tiên phát triển để làm đòn bẩy. Theo tôi có hai cách: Đầu tư mua công nghệ để học hỏi và làm chủ, hoặc tập trung đầu tư phát triển một số công nghệ cốt lõi. Nếu áp dụng cách thứ nhất, rất dễ dẫn đến tình trạng công nghệ không được chuyển giao.

Để giải bài toán này, cần phải có 2 điều kiện. Một là Nhà nước phải có định hướng ở tầm vĩ mô, có chính sách buộc các công ty nước ngoài cam kết sau khoảng thời gian bao lâu phải chuyển giao công nghệ; hai là đội ngũ kỹ sư, công nhân của chúng ta phải có ý thức tự học, trau dồi kiến thức để nắm bắt, làm chủ công nghệ được chuyển giao.

Phó Giáo sư - tiến sỹ Tạ Cao Minh. Ảnh: NV

Nếu áp dụng cách thứ hai, chúng ta phải đầu tư vào một số ngành công nghiệp cốt lõi và nền tảng, và Nhà nước phải có vai trò định hướng. Lấy ví dụ, chiếc ôtô có tới 4.000-5.000 chi tiết. Chúng ta không thể có nền sản xuất ôtô khi phải nhập gần như toàn bộ số chi tiết đó. Chắc chắn chúng ta không làm được tất cả, nhưng cần phải làm được một số chi tiết quan trọng. Hay như động cơ điện, chúng có mặt ở hầu hết các thiết bị, từ ôtô điện, robot đến máy công cụ, dây chuyền công nghệ...

Tuy nhiên, hiện chúng ta chỉ mới sản xuất được động cơ không đồng bộ - loại dùng cho các ứng dụng đơn giản như máy bơm nước, quạt gió. Trong khi đó, các bộ biến đổi công suất, mạch IC, bộ điều khiển... mới là thành phần cơ bản của nền sản xuất công nghiệp tự động hóa và nếu không sản xuất được, mãi mãi chúng ta vẫn phụ thuộc nước ngoài về công nghệ.

Ông có nhận xét gì về ý kiến cho rằng Việt Nam nên phát triển và làm chủ công nghệ chứ không nên nhập khẩu?

Tôi cho rằng, điều này phải phụ thuộc vào từng loại công nghệ, không thể đánh đồng. Về công nghệ chế tạo, nếu nhìn vào phương tiện giao thông, chúng ta mới chỉ sản xuất được xe đạp, chưa làm được xe máy, càng chưa tự chế tạo được ôtô. Một số công nghệ như nano, vắcxin, tạo giống lúa..., chúng ta đã có thể nghiên cứu tự sản xuất được thì không phải mua.

Cần phân biệt rõ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng với nghiên cứu phát triển (R&D). Ở các nước phát triển có sự phân định rất rõ: R&D được tiến hành ở các doanh nghiệp lớn, mục tiêu cuối cùng là làm ra sản phẩm; còn nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng được triển khai tại các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm tăng cường, nâng cao kiến thức dưới dạng các công trình khoa học (bài báo, sáng chế, sách tham khảo) mô tả các thuật toán, phương pháp mới, hoặc tạo ra sản phẩm mẫu. Một sản phẩm mẫu chưa thể bán mà cần chuyển giao cho doanh nghiệp để phát triển thành sản phẩm hàng hóa.

Với các công nghệ nhập ngoại, chúng ta có thể tiến hành giải mã, từ đó học hỏi, chế thử, cải tiến, sản xuất. Đây là cách Nhật Bản từng làm. Họ học các công nghệ của Mỹ trong lĩnh vực điện tử và ôtô, để rồi trở thành cường quốc trong các lĩnh vực này. Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã làm như vậy để theo kịp các nước công nghiệp phát triển.

Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, những ngành nào được hưởng lợi nhiều nhất từ CMCN 4.0?

Việt Nam chắc chắn nhận được lợi ích từ CMCN 4.0 và dịch vụ là ngành được hưởng lợi đầu tiên, đặc biệt là các dịch vụ có thể tiến hành qua Internet, điện thoại di động. Tiếp theo là ngành nông nghiệp. Nếu ứng dụng sản xuất thông minh và cơ sở dữ liệu lớn, chúng ta có thể điều tiết quy hoạch trong cả nước để cân đối và kiểm soát sản xuất trên diện rộng, tránh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Một lĩnh vực quan trọng nữa là in 3D, thực chất là công nghệ “chế tạo cộng” - đắp từng lớp để tạo nên sản phẩm. In 3D khác hẳn với công nghệ chế tạo truyền thống, thường phải gia công từ phôi (gọi là “chế tạo trừ”).

Tuy nhiên, chúng ta cần tránh “cái bẫy công nghiệp 4.0” do đang có rất nhiều hoạt động bề nổi như lắp ráp, dịch vụ và tiêu thụ, trong khi công nghiệp sản xuất chế tạo chưa được chú ý đúng mức. Tỷ trọng công nghiệp chế tạo trong GDP hiện rất thấp. Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thì phấn đấu đến năm 2020 công nghiệp chế tạo mới đạt 15% GDP.

Xin cảm ơn ông!