Hệ thống cảnh báo tình trạng giao thông quen thuộc nhất với người dân hiện nay là kênh VOV giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam, tích hợp hệ thống hơn 50 camera giám sát giao thông, hệ thống truyền dẫn không dây và rất nhiều thiết bị công nghệ khác.

Ách tắc giao thông trên đường Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Lê Loan
Ách tắc giao thông trên đường Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Lê Loan

PGS-TS Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cho biết, bộ rất ủng hộ việc ứng dụng hệ thống giao thông thông minh. Để thực hiện kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn cho hệ thống giao thông thông minh phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác hệ thống giao thông đường bộ, Bộ GTVT đã xây dựng xong dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về kiến trúc hệ thống giao thông thông minh và trưng cầu ý kiến đóng góp của các cơ quan về nội dung, tính khả thi, sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn Việt Nam.

Theo ông Hoàng Hà, việc ứng dụng GPS định vị vị trí các xe nhằm quản lý giao thông đang được Việt Nam triển khai thử nghiệm tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng chưa triệt để.

Các dự án đường cao tốc của Việt Nam đều có hệ thống giao thông thông minh, có cái đã triển khai, có cái đang trong quá trình triển khai phân kỳ đầu tư. Những dự án này có trung tâm điều hành, camera thiết bị thăm dò xe… một cách tự động. TS Hà nói: “Tôi cho rằng việc ứng dụng các giải pháp thông minh vào giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông là rất tốt. Tuy nhiên, do điều kiện có hạn nên việc đầu tư phải có lộ trình”.

Bộ GTVT chịu trách nhiệm tiếp thu các dự án giao thông thông minh, lập kế hoạch tổng thể cho các tuyến quốc lộ, còn tại các đô thị là do thành phố chịu trách nhiệm.

Theo TS Trần Hồng Minh, mặc dù công nghệ GPS được ứng dụng ở Việt Nam đã khá lâu, nhưng riêng với việc dự báo tình trạng giao thông thì chỉ mới ở giai đoạn khai phá do thiếu dữ liệu đầu vào (chẳng hạn hệ thống cảnh báo tình trạng, sự cố giao thông dựa trên dữ liệu GPS của FPT hiện chỉ mới gắn thử nghiệm trên 3.000 phương tiện). Tại các thành phố lớn của Việt Nam, mạng GSM đã phủ tốt nhưng nhiều nơi khác chất lượng chưa ổn định, ảnh hưởng đến tính tức thời và tính đầy đủ của dữ liệu. Ngoài ra, các thiết bị giám sát hành trình đang sử dụng tại Việt Nam thường dùng công nghệ GPRS nên việc kết nối và truyền tải nội dung có băng thông lớn cũng bị hạn chế.

Hệ thống cảnh báo tình trạng giao thông quen thuộc nhất với người dân hiện nay là kênh VOV giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam, tích hợp hệ thống hơn 50 camera giám sát giao thông, hệ thống truyền dẫn không dây và rất nhiều thiết bị công nghệ khác phục vụ việc theo dõi hình ảnh giao thông và sản xuất chương trình, kết hợp thông tin từ cộng tác viên.

Với hệ thống này, các tài xế có thể nắm được thông tin về tình trạng giao thông trên một số tuyến đường nội đô. Tuy thông tin đầu vào phụ thuộc rất nhiều vào các cộng tác viên là người tham gia giao thông trên đường, nhưng ưu điểm của nó so với hệ thống phân tích dữ liệu tự động là có thể cung cấp nguyên nhân gây ùn tắc cho mỗi trường hợp cụ thể.