Theo thạc sỹ Hoàng Anh Giang - Viện Khoa học công nghệ Xây dựng, để an toàn, đường thoát nạn phải được cách ly với những phần khác.

Một chiến sĩ PCCC đang dùng vòi nước phun vào ngôi nhà bị cháy trên Trần Thái Tông Q.Cầu Giấy, Hà Nội ngày 01/11. Ảnh: Lê Hiếu

ThS Hoàng Anh Giang - Viện Khoa học công nghệ Xây dựng - cho biết, nguy cơ cháy của mỗi ngôi nhà phụ thuộc vào công năng. Ví dụ, khu vực ăn uống trong các tòa nhà trung tâm thương mại có nguy cơ cháy cao hơn các khu vực bày bán hàng không sử dụng lửa.

Quy mô tòa nhà cũng ảnh hưởng đến mức độ thiệt hại khi có cháy. “Tuy nhiên, ngay cả những tòa nhà thoáng, rộng nếu không áp dụng đúng các nguyên tắc bảo vệ đường thoát nạn thì cũng khó loại bỏ khả năng gây nguy hiểm cho người sử dụng, thậm chí mức thiệt hại có thể lớn hơn vì không gian rộng rất dễ tập trung đông người” - ông Giang nói.

Để an toàn, đường thoát nạn phải được cách ly với những phần khác. Những ngôi nhà nhỏ, hẹp khó bố trí các giải pháp đảm bảo an toàn cho đường thoát nạn hoặc không thể dành diện tích riêng cho công năng này. Điều này làm phát sinh nguy cơ lan truyền lửa hoặc khói, khí độc theo cả phương ngang (trong phạm vi một tầng) lẫn phương đứng (từ tầng nọ đến tầng kia, đặc biệt khi cháy ở các tầng dưới).

Các lối ra thoát nạn của loại nhà này cũng khó đảm bảo năng lực thoát người nếu có đông người tập trung. ThS Giang cũng khẳng định, khả năng phòng cháy không phụ thuộc vào ngôi nhà to hay nhỏ. Nhà nhỏ vẫn có thể sử dụng vật liệu an toàn cháy, vẫn có thể lắp đặt, bố trí các phương tiện phát hiện, báo động cháy và chữa cháy tại chỗ.