Cách mạng công nghệ 4.0 là thời cơ vàng đối với Việt Nam. Chính vì vậy, việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ tư duy về quản trị quốc gia phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng này.

Industry 4.0 hay cách mạng công nghiệp lần thứ tư là khái niệm được các nhà lãnh đạo, nhà quản lý của Việt Nam đề cập thường xuyên gần đây khi nói về phát triển khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội.

Cuộc cách mạng này sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, tạo nên sự thay đổi lớn trong phương thức sản xuất do ứng dụng kỹ thuật số tạo nên sự xuất hiện Internet của vạn vật, sự thay đổi nhanh chóng, sâu rộng toàn bộ chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, logistics đến dịch vụ khách hàng.

Tiến sỹ Nguyễn Bá Ân -Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Industry 4.0 là thời cơ vàng đối với Việt Nam. Chúng ta đang có lợi thế về dân số vàng và để tận dụng cơ hội này, phải thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế số, xây dựng quốc gia khởi nghiệp ĐMST.

Cần đổi mới mạnh mẽ tư duy về quản trị quốc gia phù hợp với xu hướng của Industry 4.0. Nếu không thay đổi, không có quyết tâm cao nắm bắt cơ hội do cuộc cách mạng sản xuất mới mang lại, Việt Nam có thể tụt hậu xa hơn vì lao động chi phí thấp đang mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ, tri thức nới rộng.

Muốn hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vào nền kinh tế số, yếu tố then chốt là nguồn nhân lực. Chúng ta cần cải cách hệ thống giáo dục - đào tạo để tạo ra công dân toàn cầu; có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển KH&CN, ưu tiên cho đào tạo các ngành KH&CN, kỹ thuật và toán. Ngoài ra, cần gắn kết các nghiên cứu khoa học với cơ sở đào tạo đại học, đưa lập trình vào chương trình học từ lớp dưới, phổ cập tiếng Anh, gắn kết doanh nghiệp với các tổ chức giáo dục.

Muốn thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam phải trở thành quốc gia khởi nghiệp ĐMST. Cuộc cách mạng này không có chỗ cho sự chậm trễ khi tốc độ giữ vai trò quyết định. Bởi những sản phẩm, dịch vụ mới, công nghệ robot hay trí tuệ nhân tạo… sẽ liên tục được cập nhật và thay thế.

Vì thế, phải có chính sách đột phá khuyến khích ĐMST, phát triển quốc gia khởi nghiệp, khuyến khích phát triển khởi nghiệp, đầu tư vào R&D. Nhà nước cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành các trung tâm ĐMST quốc gia và khởi nghiệp ĐMST phải bắt đầu từ trường học.