“Trị” cây xăng gian lận là việc của cơ quan chức năng, nhưng người tiêu dùng cũng có thể “triệt” đường làm ăn của những kẻ bất chính bằng cách nhận diện các mánh khóe “ăn gian” để phát hiện, tố cáo hoặc tẩy chay.

Gian lận xăng dầu không phải là “bệnh” chỉ có ở Việt Nam. Ảnh: Gazettemail
Gian lận xăng dầu không phải là “bệnh” chỉ có ở Việt Nam. Ảnh: Gazettemail

Đong gian xăng dầu, ở Mỹ cũng có

Bạn nhầm to nếu nghĩ rằng tình trạng gian lận ở cây xăng chỉ có ở những nước đang phát triển, trình độ dân trí chưa cao như Việt Nam. Thực ra, tình trạng này cũng diễn ra ở rất nhiều nước, chỉ có mánh khóe làm giàu bất chính từ các cây xăng khác nhau mà thôi.

Tại Mỹ, rất nhiều khách hàng đã phải trả nhiều hơn so với số tiền tính theo giá niêm yết cho cùng một thể tích xăng. Có khá nhiều bình luận trên các diễn đàn của Mỹ kêu ca về việc khi đổ xăng, nếu họ bỏ đi đâu đó thì rất dễ bị bán cho xăng chất lượng kém, hoặc bảng hiển thị và số xăng thực nhận có sự chênh lệch lớn.

Còn ở những nước vẫn duy trì hình thức nhân viên bơm xăng giống như Việt Nam, mánh khóe “móc túi” khách hàng đa dạng hơn. Cục Tiêu chuẩn và Đo lường Nepal mới thông báo đóng cửa 8 cửa hàng xăng trên đường cao tốc Prithvi vì hành vi bán thiếu xăng. Tình trang này cũng vô cùng phổ biến ở Pakistan, Ấn Độ. Ở những nước này, chủ cây xăng thường sử dụng vòi bơm và đồng hồ đo đã được gắn chip để dễ điều khiển, làm sai số từ xa mà khách hàng không thể nhận ra.

Chiêu bơm chồng để ăn gian xăng của khách cũng phố biến ở nhiều nước. Thay vì ấn bảng điện tử về nút 0 khi có khách mới, một nhân viên cây xăng sẽ làm bạn mất tập trung bằng vài câu hỏi khiến bạn không để ý bảng điện tử đã về 0 chưa, nhân viên khác sẽ kéo vòi bơm đến đổ, và bạn phải trả tiền cho cả số xăng hiển thị trước đó, còn những kẻ gian lận đã nhận tiền hai lần.

Ở những nước kể trên, rất nhiều người than phiền về hiện tượng nhân viên bán hàng chỉ cần bóp cò vòi xăng là bảng hiển thị tự động nhảy số, dù xăng không hề được đổ thêm vào bình chứa.

Ở Việt Nam, nhiều cây xăng thay đổi chỉ số trên màn hình bằng cách khuếch đại điện áp. Giống như môtơ nước, hệ thống bơm xăng có một thiết bị đo gắn trên đường ống gọi là cảm biến. Bộ điều khiển chuyển tín hiệu từ cảm biến tới bo mạch bằng điện áp, dòng điện hoặc số xung. Sau đó, bộ vi xử lý sẽ hiển thị thông số trên màn hình. Để gian lận, nhiều cây xăng lắp thêm một thiết bị ngay trên đường chuyển điện áp về bo mạch, khuếch đại điện áp để tác động vào thiết bị đo, thay đổi chỉ số trên màn hình.

Bắt bài các chiêu gian lận

Trên mạng Internet, mọi người truyền cho nhau khá nhiều kinh nghiệm tránh bị móc túi tại cây xăng như: Đổ xăng theo lít; đổ xăng bằng tiền, nhưng không chọn số tiền chẵn như 20.000, 30.000Đ… mà yêu cầu mua với số lẻ để khó bị ăn gian; yêu cầu nhân viên điều chỉnh bảng hiển thị về 0 trước khi bơm cho mình; quan sát kỹ thao tác của người bơm xăng…

Ông Nguyễn Đắc Lộc - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - cũng khuyên người dân khi đi mua xăng cần quan sát tất cả quy trình: Nhân viên phải đưa số về 0 trước khi bơm; phải đủ số lượng thì mới thanh toán; quan sát trên cột bơm xăng để phát hiện nếu có gian lận xảy ra.

Ông Trần Minh Dũng - Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ - khuyên: “Mọi người nên để ý và so sánh số lượng xăng nhận được với cùng một số tiền tại các cây xăng. Nếu thấy ít hơn so với mức thường nhận thì có thể cây xăng đó đã có gian lận”.

Với cách thức gian lận tương tự ở Việt Nam, chuyên gia người Ấn Độ Sudhir Bisht - từng có 30 năm làm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu với vai trò cố vấn quản lý - đưa ra khá nhiều lời khuyên cho người tiêu dùng. Theo đó, khách hàng nên đến cây xăng thuộc các công ty xăng dầu lớn, chọn những nơi mà cánh lái xe taxi hay vào đổ; hãy thường xuyên kiểm tra bình xăng để xem khi đầy, lượng xăng cần đổ là bao nhiêu; không nên quá tin tưởng, cứ ngồi trên ôtô trong khi bơm xăng; phải đảm bảo mình luôn có thể quan sát được bảng hiển thị của cây xăng.

Một mẹo khác được chuyên gia này khuyến cáo là yêu cầu nhân viên cây xăng đổ từ từ. Nếu đổ quá nhanh, lượng xăng thực tế mà bạn nhận chắc chắn sẽ ít hơn số tiền bạn trả cho lượng xăng tương ứng. Nếu nghi ngờ mình đang bị lừa, bạn cần lên tiếng để đòi lại công bằng.

Thông tư số 15/2015/TT của Bộ Khoa học và Công nghệ về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu quy định, từ ngày 1/7/2018, tất cả các cột đo xăng dầu đều phải gắn thiết bị in chứng từ bán hàng để in và cung cấp chứng từ cho khách hàng. Đây được coi là một nỗ lực lớn nhằm hạn chế các hành vi gian lận tại các cây xăng dầu, đồng thời nâng cao khả năng bảo vệ quyền của người tiêu dùng.