Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2016 rất có thể sẽ là thời điểm bước ngoặt khi công nghệ chính thức xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo…

 IoT là xu hướng được dự đoán sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Ảnh: Atmelcorporation
IoT là xu hướng được dự đoán sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Ảnh: Atmelcorporation

Internet của vạn vật

Internet of Things đã được nhắc đến suốt năm 2015 như một nền tảng tối ưu hàng đầu cho mọi doanh nghiệp công nghệ.

Khi nói “vạn vật đều có thông tin”, chúng ta quan tâm đến các chiến lược và công nghệ giúp kết nối dữ liệu từ rất nhiều nguồn khác nhau. Theo chuyên gia của Hãng nghiên cứu công nghệ thông tin Gartner, trong năm 2016, các tiến bộ mới trong phân tích ngữ nghĩa và kỹ thuật phân tích, hệ thống hóa thông tin sẽ đủ mạnh để sắp xếp lượng dữ liệu hỗn độn khổng lồ, tìm ra những gì có ích nhất.

Xu hướng này vẫn được gọi là Internet của vạn vật (Internet of Things-IoT), mạng liên kết dữ liệu toàn cầu (Internet of Data) hoặc Thông tin vạn vật (Information of Everything). Dù gọi bằng tên gì đi nữa, chắc chắn đó sẽ là xu hướng công nghệ nổi trội của năm 2016, đem lại những thay đổi đáng kể cho cuộc sống con người.
Kiến trúc an ninh tùy biến

Công nghệ số càng phát triển thì hacker cũng sẽ ngày càng lớn mạnh. Trong bối cảnh an ninh mới, chúng ta có thể phải chứng kiến cái chết của ngành công nghiệp diệt virus truyền thống.

Theo Curran, các mã độc của nhóm hacker liên quan đến chính trị Volatile Cedar đã tiến một bước dài trong việc tìm cách tồn tại trước những phần mềm diệt virus hàng đầu thế giới. Volatile Cedar có thể chuyển sang chế độ ẩn để nằm im, tránh bị các phần mềm diệt virus phát hiện. Nhờ thế, các phần mềm này có khả năng kiểm soát hệ thống một cách phức tạp cũng như có các mã Trojan để truy cập từ xa nhằm hoạt động theo ý muốn.

Để đối phó, con người sẽ cần đến các cấu trúc an ninh tùy biến mới. “Hoạt động tự bảo vệ của ứng dụng cũng như việc phân tích thói quen của người dùng sẽ là những yếu tố đảm bảo cho kiến trúc an ninh tùy biến” - hãng Gartner đánh giá.

Trợ lý ảo

Thời kỳ của phần cứng đã qua. Phần mềm mới là tác nhân lớn nhất đem lại sự thay đổi cho con người. Vì vậy, thay vì nghĩ đến các thiết bị tự động hóa, bộ mặt của công nghệ trong tương lai sẽ được quyết định bởi các trợ lý ảo, chuyên gia tư vấn ảo. Hiện tại, Google Now, Cortana, Alexa và Siri mới chỉ là những điểm khởi đầu.

David Cearley - Phó chủ tịch của Gartner - nhận định: “Trong vòng 5 năm tới, chúng ta sẽ tiến sang thời kỳ hậu ứng dụng với các tác nhân phân tích thông tin cho phép tạo ra các giao diện năng động và tùy biến theo hành động”.

Những đơn vị dẫn đầu ngành công nghệ thông tin cần tìm hiểu cách thức sử dụng các thiết bị tự động hóa và phân tích thông tin để kết hợp với hoạt động thường ngày của con người, giải phóng con người khỏi nhiều công việc đơn giản.

Công nghệ in 3D

Công nghệ này hiện vẫn là một lĩnh vực tăng trưởng nhanh chóng với tiềm năng cực lớn. Khi nhiều vật thể được sản xuất bằng công nghệ in 3D, sẽ có nhiều lĩnh vực được lợi từ xu hướng này như hàng không vũ trụ, y tế, tự động hóa, năng lượng và quân sự.

Tiến sỹ Kevin Curran - chuyên gia kỹ thuật thuộc Hiệp hội IEEE chuyên về tiến bộ công nghệ mới- cho biết: “Các phần mềm mở và các phương pháp sản xuất dễ phổ biến như công nghệ in 3D có thể được coi là dấu hiệu cho một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba”.

Bản thân Kevin khẳng định rằng công nghệ in thực phẩm sẽ là xu thế chủ đạo trong năm 2016. Rất có thể, công nghệ in 3D sẽ đánh dấu sự biến mất của các dây chuyền sản xuất thức ăn truyền thống.

Máy tính tự học

2016 sẽ là năm bản lề của sự phát triển máy tính tự học. Ảnh: Yalescientific
2016 sẽ là năm bản lề của sự phát triển máy tính tự học. Ảnh: Yalescientific

Yếu tố quyết định tương lai của trí tuệ nhân tạo chính là việc máy tính có khả năng tự học tập và cải biến dữ liệu theo phương thức tiên tiến. Trong năm 2016, chúng ta sẽ được chứng kiến giai đoạn bản lề của sự phát triển máy tính tự học.

Việc xử lý các bộ dữ liệu phức tạp bằng công cụ đặc biệt là các mạng lưới thần kinh chuyên sâu (DNNs) có thể cho phép máy tính vừa vận hành tự động, vừa nhận biết thế giới xung quanh theo cách của mình. Kết quả cuối cùng sẽ là trí tuệ nhân tạo.

Trong lĩnh vực đang tăng trưởng rất nhanh này, nhưng doanh nghiệp nào biết cách lợi dụng khả năng tự học hỏi của máy sẽ có lợi thế cạnh tranh cực lớn so với đối thủ.

Cơ sở hạ tầng cho IoT

Thực sự không thể phủ nhận vai trò của các thiết bị IoT trong quản lý, an ninh và hội nhập. Trong năm 2016, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng sẽ là một bước bản lề để IoT chuẩn bị cất cánh.

Các chuyên gia của Gartner cho rằng “IoT là một bộ phận hữu cơ của mạng lưới thiết bị số và trải nghiệm người dùng thực tế. Điểm mấu chốt của nó là sự phát triển của nền tảng IoT”.

Vấn đề tiêu chuẩn hóa cũng là một điểm cần quan tâm. Theo Cearley, Phó chủ tịch của Gartner “bất kỳ một doanh nghiệp nào sử dụng IoT sẽ cần phát triển chiến lược sử dụng nền tảng IoT. Tuy nhiên, cách thức cạnh tranh chưa hoàn thiện sẽ khiến cho việc tiêu chuẩn hóa từ nay đến năm 2018 vẫn còn là một vấn đề khó khăn”.