Hầu hết các công ty dầu mỏ chỉ chi một phần ngân sách không đáng kể cho việc phát triển các nguồn năng lượng không gây biến đổi khí hậu.

Đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân hàng đầu của biến đổi khí hậu, và các cuộc điều tra đã chỉ ra rằng hầu hết các công ty nhiên liệu hóa thạch nhận ra nhưng cố tình lừa dối công chúng về sự nguy hiểm của loại năng lượng này.

Theo một nghiên cứu từ tổ chức tư vấn chính sách CDP công bố vào đầu tháng 11/2018, hầu như không có bất kỳ một công ty dầu mỏ lớn trên thế giới nào dành một phần trong lợi nhuận để giải quyết vấn đề môi trường do nhiên liệu hóa thạch gây ra. Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy các công ty chỉ dành khoảng 1,3% ngân sách năm 2018 để đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Theo báo cáo, ngành công nghiệp dầu khí là một trong những nguồn phát thải nhiều nhất, với việc sản xuất và sử dụng dầu khí chiếm hơn một nửa lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu liên quan đến tiêu thụ năng lượng, tương đương hơn 17 gigaton CO2 mỗi năm. Hiện nay, các công ty dầu khí đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng trong việc thích ứng với các mô hình kinh doanh phù hợp cho quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng tạo ra ít khí thải carbon. Sau hiệp định Paris, họ càng phải đối mặt với sự gia tăng giám sát từ các nhà đầu tư và yêu cầu công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu (Task Force on Climate-related Financial Disclosures - TCFD) từ Hội đồng ổn định tài chính của G20.

CDP, trước đây được biết đến với tên gọi Dự án Tiết lộ Carbon (Carbon Disclosure Project), là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế đã dành hàng thập kỷ để theo dõi các công ty khác nhau góp phần gây ra biến đổi khí hậu như thế nào và số tiền họ chi ra để sửa chữa hậu quả đó. Trong nghiên cứu này, CDP đã xem xét 24 công ty dầu mỏ từ Châu Âu, Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Nga, Nhật Bản và Úc - các công ty này chiếm khoảng 31% sản phẩm sản suất từ dầu khí và 11% trữ lượng dầu toàn cầu.

Quá trình chuyển đổi năng lượng của các công ty dầu khí toàn cầu| Nguồn CDP
Quá trình chuyển đổi năng lượng của các công ty dầu khí toàn cầu| Nguồn CDP

Theo số liệu, các công ty châu Âu thực sự tích cực trong việc chi tiêu giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Năm công ty dầu mỏ hàng đầu trong phân tích của CDP đều từ các quốc gia khác nhau ở châu Âu, và chiếm tới 70% khả năng tái tạo của ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu. Các tên tuổi nổi bật có thể kể đến như Equinor (Na Uy), Total (Pháp) và Shell (Hà Lan-Anh) đều có kế hoạch chi hàng tỷ đô la cho năng lượng sạch trong thập kỷ tới. Mặc dù những hành động này còn lâu mới đủ để ngăn chặn hoặc đảo ngược những tác động của biến đổi khí hậu, nhưng dù sao nó cũng là một bước đi đúng hướng.

Ở đầu kia của danh sách gần như là các công ty đến Trung Quốc và Hoa Kỳ. Những tập đoàn như ExxonMobil, Petrochina hay Sinopec đã “góp phần” nhiều nhất vào việc gây ra biến đổi khí hậu nhưng lại có ít hành động nhất trong việc khắc phục chống lại nó.

“Bởi có ít áp lực trong nước để đa dạng hóa [nguồn năng lượng], các công ty Mỹ không coi trọng vấn đề năng lượng tái tạo như những đồng nghiệp châu Âu”- báo cáo CDP chỉ ra. Trong khi đó, theo cảnh báo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), để những nỗ lực thay đổi có hiệu quả với nhân loại, chúng cần phải diến ra trong vòng 12 năm tới. Giờ đây, không còn thời gian để đầu tư vào các giải pháp.

Tóm tắt báo cáo CDP: http://bit.ly/2SmD6m8