Diệt được 99% vi khuẩn, tiết kiệm 1/5 chi phí sử dụng, không độc hại, thân thiện với môi trường và con người… là những ưu điểm nổi bật của bồn rửa và khử trùng tự động dùng trong các cơ sở y tế.

Sản phẩm của các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam này đã được Cục Sở hữu trí tuệcấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1602 tháng 11/2017.

Khử 99% vi khuẩn

Chia sẻ về quá trình “thai nghén”, cha đẻ của bồn rửa và khử trùng tự động, PGS-TS Nguyễn Hoài Châu cho biết: Khi đi thăm các cơ sở y tế, chúng tôi quan sát thấy phần lớn các cơ sở y tế vẫn đang sử dụng viên ngậm presept hay dung dịch cidex để khử khuẩn các thiết bị, dụng cụ sau khi thực hiện các thao tác thí nghiệm hay dụng cụ y tế. Tuy nhiên, với các phương pháp sát khuẩn này, các y bác sỹ, kỹ thuật viên không thể vừa thực hiện một thao tác vừa rửa dụng cụ vì sẽ mất thời gian, mà thường dồn vào để rửa một thể.

“Đấy chính là ổ phát tán vi khẩn, vi sinh vật gây bệnh trong môi trường, truyền từ người này sang người khác. Thực tế đó đã thôi thúc chúng tôi cần phải nghiên cứu ra một thiết bị vừa có thể tự sản xuất, cung cấp dung dịch khử khuẩn vừa tự động để khi đưa dụng cụ vào có thể rửa ngay lập tức trong khoảng vài giây, giống như vòi cảm ứng của bồn rửa tay. Khi đó vi khuẩn ngay lập tức sẽ bị cô lập và khử trùng, nguy cơ phát tán và gây bệnh của vi khuẩn sẽ giảm đáng kể” – PGS Châu nói.

Sản phẩm bồn rửa và khử trùng tự động được thiết kế giống như bàn rửa kép thông thường với 2 bồn rửa, 1 bồn rửa có vòi nước tinh lọc, bồn rửa còn lại có dung dịch anolit để khử trùng. Cả hai đều hoạt động dựa trên công nghệ cảm ứng.

Nhân viên y tế khử trùng dụng cụ y tế bằng bồn rửa và khử trùng tự động tại Bệnh viên Đa khoa Trà Vinh. Ảnh: Chí Nguyễn

Bồn rửa có cấu tạo 3 bộ phận chính: Bộ lọc nước RO, buồng phản ứng điện hóa tự sản sinh dung dịch khử khuẩn anolyte – trái tim của thiết bị và vòi cảm ứng.

Bộ lọc nước RO, các phân tử nước lọt qua các mắt lọc kích cỡ 0,001 micromet nên hầu hết các thành phần hóa kim loại, các loại vi khuẩn đều không thể lọt qua.

Dung dịch khử trùng anolyte được tạo thành từ nước muối qua một quá trình điện hóa trên điện cực đặc biệt có tác dụng hủy diệt đối với tất cả các nhóm vi sinh như vi trùng, siêu vi trùng, kể cả vi trùng lao, nấm, bào tử… mà không gây tác hại cho tổ chức tế bào của người và các sinh vật cấp cao khác.

Vòi cảm ứng có thể tự động chảy khi đưa tay hoặc vật dụng vào phạm vi 10-15cm của cảm biến, tự động tắt khi ngừng sử dụng.

KS Nguyễn Chí Thanh – Viện Công nghệ môi trường, người trực tiếp tham gia vào việc lắp đặt bồn rửa và khử trùng tự động tại Bệnh viện Đa khoa Lào Cai cho biết, hai chiếc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh và Bệnh viện Sản – Nhi Trà Vinh và một chiếc tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, dụng cụ, thiết bị sau khi được khử khuẩn từ dung dịch anolyte của bồn rửa có thể khử được 95-99% vi khuẩn.

Tiết kiệm 1/5 chi phí

Là cơ sở y tế đầu tiên đưa thiết bị này vào sử dụng từ tháng 9/2015, bà Đỗ Thị Huệ - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa Lào Cai – cho biết, sau hơn 2 năm sử dụng tiện ích mà bồn rửa mang lại rất nhiều như trước đây, hằng ngày chúng tôi phải lĩnh các viên thuốc khử khuẩn để tiệt trùng dụng cụ, mỗi lần làm xong cho vào thùng chứa dụng cụ, đổ nước rồi cho hóa chất vào ngâm; từ hồi có bồn rửa khử khuẩn này chúng tôi không phải lĩnh thuốc, chỉ cần cho muối vào tự bản thân máy đã tạo ra dung dịch, khi đó giảm được tiền mua hóa chất, nên khoản kinh phí tiết kiệm được là “tương đối đáng kể”.

Phân tích rõ hơn về hiệu quả kinh tế mà bồn rửa khử khuẩn mang lại, KS Nguyễn Chí Thanh cho biết: trước đây, Bệnh viện Đa khoa Lào Cai mỗi ngày sử dụng khoảng 10 viên ngậm sát khuẩn presept giá 60.000 đồng, nhưng từ khi lắp thiết bị này, mỗi ngày họ chỉ sử dụng hết 10 lít dung dịch với giá khoảng 6.000 đồng (bao gồm cả điện, nước, muối). Cộng thêm chi phí khấu hao máy trong vòng 10 năm, thì giá 1lit dung dịch chỉ khoảng 1.000 đồng, tính ra mỗi ngày chỉ phải trả 10.000 đồng cho 10 lít dung dich, tiết kiệm được 50.000 đồng.

Sau 2 năm đưa vào sử dụng, thiết bị còn có một số điểm hạn chế như thiết kế 2 bồn rửa nhỏ không chứa được nhiều dụng cụ, rửa hay bị bắn ra ngoài. Chính vì thế, phiên bản mới của bồn rửa và khử khuẩn tự động của Viện Công nghệ môi trường đã được cải tiến thành một bồn rửa với thể tích 250 lít để có thể đựng được nhiều dụng cụ.

Hiện sản phẩm đang được Viện Công nghệ môi trường phối hợp với Công ty Gia Thanh phân phối và bán sản phẩm.