Đây là lần đầu tiên các bộ trưởng G20 đưa ra đồng thuận về vấn đề này.

Các bộ trưởng G20 đã tham gia họp bàn về vấn đề thương mại và kinh tế số tại Nhật Bản | Ảnh: Japan times
Các bộ trưởng G20 đã tham gia họp bàn về vấn đề thương mại và kinh tế số tại Nhật Bản | Ảnh: Japan times

Đầu tháng 6/2019, tại thành phố Tsukuba, Nhật Bản, các bộ trưởng của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) đã họp bàn về thương mại và kinh tế số, trong đó đưa ra sự đồng thuận về các nguyên tắc hướng dẫn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các bộ trưởng đã đồng ý về những nguyên tắc AI được tạo ra dựa trên các nguyên tắc vừa được 36 thành viên OECD và 6 quốc gia khác áp dụng vào tháng trước. Nội dung thông cáo chung G20 có thể xem tại đây.

Hướng dẫn của G20 kêu gọi người dùng và nhà phát triển AI phải công bằng và có trách nhiệm, sử dụng quy trình ra quyết định minh bạch và tôn trọng luật pháp cùng những giá trị bao gồm quyền riêng tư, bình đẳng, sự đa dạng cộng đồng và các quyền lao động được quốc tế công nhận.

Đồng thời, nguyên tắc AI này cũng kêu gọi các chính phủ đảm bảo thực hiện chuyển đổi công bằng cho người lao động thông qua các chương trình đào tạo và tiếp cận cơ hội việc làm mới.

Trung Quốc và Nga nằm trong số những nước tham gia G20 nhưng chưa ký kết nguyên tắc OECD.

Nguyên tắc AI của nhóm G20

Các bộ trưởng cũng đồng ý sẽ hành động theo hướng cho phép luồng dữ liệu tự do xuyên biên giới dựa trên cơ sở tin cậy – đây là một khái niệm do Nhật Bản đưa ra. Thông tin được xem là một nguồn lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn thừa nhận các vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật.

Khái niệm này được gọi là Data Free Flow with Trust, hay DFFT, được Thủ tướng Shinzo Abe đề xuất trong bài phát biểu vào tháng 1/2019 tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.

Bộ trưởng Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết: “Có những khác biệt về yếu tố tin cậy của mỗi quốc gia, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể chung ý tưởng rằng niềm tin thúc đẩy các luồng dữ liệu tự do, dẫn đến sự phát triển kinh tế trên bình diện toàn thế giới”. Ông Seko cho rằng việc đưa thuật ngữ DFFT vào tuyên bố chung giữa các nước là một điều có ý nghĩa.

Nguồn: