Bất chấp những tranh cãi và sự phản đối từ một bộ phận không nhỏ các nhà khoa học và chuyên gia đạo đức học, hai nhóm nghiên cứu riêng rẽ ở Trung Quốc đã liên tiếp tuyên bố theo đuổi dự án biến đổi phôi thai người chỉ trong vòng 1 năm qua.


Cách đây khoảng 1 năm, một nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc đã cố gắng biến đổi di truyền phôi thai người nhằm loại bỏ một gen gây chứng rối loạn máu nguy hiểm. Chỉ trong vòng 12 tháng sau, nhóm thứ hai ở Trung Quốc cũng tuyên bố thực hiện dạng nghiên cứu tương tự và đưa ra bằng chứng lý thuyết rằng, kỹ thuật chỉnh sửa gen mạnh mẽ CRISPR/Cas 9 có thể được dùng để biến đổi phôi thai người nhằm có sức đề kháng virus HIV.

Tuy nhiên, còn vô số vấn đề cả về khoa học lẫn đạo đức cần phải được giải quyết trước khi việc chỉnh sửa phôi thai người có thể được áp dụng rộng rãi.

Theo tạp chí Journal of Assisted Reproduction and Genetics, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Y Quảng Châu (Trung Quốc) đã sử dụng kỹ thuật CRISPR/Cas 9 để biến đổi di truyền một gen nhất định, chuyên trách việc mã hóa một protein tồn tại trên bề mặt của các tế bào. Virus HIV luôn nhận diện và lợi dụng protein có tên gọi CCR5 này để bám vào tế bào vật chủ.

Những người mang một biến thể tự nhiên trong gen CCR5 của họ luôn miễn nhiễm HIV, nên mục tiêu của các nhà nghiên cứu là biến đổi nhân tạo gen đó trong các phôi thai nhằm có được hiệu ứng tương tự. Nghiên cứu thứ hai này đã xác thực nhiều trở ngại mà nhóm tác giả nghiên cứu đầu tiên phải đối mặt, kể cả các khó khăn tồn tại trong việc chỉnh sửa phôi thai người.

Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia bắt đầu với hơn 200 phôi được thụ tinh trong ống nghiệm và hiến tặng từ một trung tâm sinh sản. Không có phôi thai nào có thể sống được và tất cả đều sẽ bị tiêu hủy nếu nhóm nghiên cứu không sử dụng chúng cho thử nghiệm.

Trong số phôi này, 26 phôi được dùng để chỉnh sửa, nhưng kết quả phân tích di truyền hé lộ, chỉ có 4 phôi cho thấy việc biến đổi DNA thành công. Không có phôi thử nghiệm nào được cho phép sống lâu hơn 3 ngày.

Thành công ở mức độ thấp nói trên tương đương những gì đạt được ở thử nghiệm trước đó. Nó chứng tỏ, bất chấp thành công rộng rãi trong sử dụng CRISPR để chỉnh sửa các hệ gen khác, việc áp dụng kỹ thuật trên DNA của người vẫn còn ở giai đoạn trứng nước.

Ngoài ra, nghiên cứu mới còn để lộ một vấn đề khác, tiềm tàng gây tranh cãi hơn: Mặc dù kỹ thuật CRISPR có thể đưa thêm các điều chỉnh mong muốn, nhưng nó cũng gây ra các biến đổi ngẫu nhiên đến các phần khác của DNA. Các tác giả nghiên cứu đã không thể tìm thấy bất kỳ biến đổi di truyền ngẫu nhiên nào, nhưng tin chắc chúng đã xảy ra.

Các vấn đề trên càng là căn cứ để một số chuyên gia yêu cầu phải có thêm nghiên cứu được tiến hành trên động vật linh trưởng không phải là con người, trước khi các nhóm nghiên cứu khác bắt đầu chỉnh sửa phôi thai người.

Năm 2015 đã chứng kiến hàng loạt nỗ lực nhằm đặt ra giới hạn về việc chỉnh sửa phôi thai người trên khắp thế giới, từ Anh đến Mỹ. Trong thực tế, các tác giả nghiên cứu mới dường như cũng tán thành việc này. Họ viết: "Chúng tôi tin rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo ra người biến đổi gen thông qua chỉnh sửa phôi thai ở giai đoạn sớm cần phải bị cấm nghiêm ngặt cho tới khi chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề về khoa học và đạo đức".

Tuy nhiên, theo tạp chí Nature, có nhiều lời xì xào rằng, ở Trung Quốc còn có các nhóm nghiên cứu khác đã tham gia chỉnh sửa phôi thai người. Việc nghiên cứu mới được tuyên bố bắt đầu xúc tiến vào năm 2014 ám chỉ các tác giả đã bí mật tiến hành biến đổi phôi thai người được một khoảng thời gian trước đó. Nature dự đoán, nhiều công trình nghiên cứu tương tự có thể sẽ được các nhóm chuyên gia khác công bố trong vài tháng tới.