Apple đã vô hiệu hóa tính năng gọi video nhóm trên điện thoại iPhone sau khi nhiều báo cáo chỉ ra rằng, người dùng có thể thực hiện cuộc gọi FaceTime và nghe lén âm thanh từ phía người nhận mà không cần họ phải nhấc máy.

Apple tạm thời vô hiệu hóa tính năng gọi FaceTime trên điện thoại iPhone. Ảnh: CNBC
Apple tạm thời vô hiệu hóa tính năng gọi FaceTime trên điện thoại iPhone. Ảnh: CNBC

Lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng này được phát hiện lần đầu tiên sau khi một người dùng thực hiện cuộc gọi video FaceTime với những người dùng khác sử dụng iPhone và thiết bị chạy hệ điều hành iOS.

Bloomberg News cho biết, video của người gọi cũng có thể được truyền đi một cách bí mật nếu người nhận nhấn nút nguồn hoặc điều chỉnh âm lượng trên thiết bị của họ.

"Chúng tôi đã nhận thức được vấn đề này. Chúng tôi sẽ phát hành một bản sửa lỗi kèm theo phiên bản cập nhật phần mềm vào cuối tuần", Apple tiết lộ thông tin tờ Washington Post vào ngày 29/1.

Trên trang web thông tin về trạng thái ứng dụng và dịch vụ của Apple, tính năng gọi video FaceTime đang nằm trong tình trạng "tạm thời không khả dụng" cho đến khi khắc phục được sự cố.

Người dùng có thể tắt FaceTime bằng cách trup cập vào mục cài đặt, kéo xuống phần ứng dụng FaceTime và tắt nó đi.

"Lỗi FaceTime là một sự vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng khiến người dân New York gặp nguy hiểm. Tại New York, chúng tôi rất coi trọng quyền lợi của người tiêu dùng và tôi vô cùng lo lắng khi lỗ hổng có thể bị khai thác cho mục đích vô đạo đức. Tôi khuyên người dân New York nên tắt ứng dụng FaceTime cho đến khi có bản sửa lỗi, và tôi kêu gọi Apple phát hành bản sửa lỗi, không được chậm trễ", Andrew M. Cuomo, thống đốc bang New York, kêu gọi người tiêu dùng tắt FaceTime trên thiết bị của họ.

Jack Dorsey, giám đốc điều hành của Twitter, nói với hơn 4 triệu người đang theo dõi mình trên mạng xã hội này là "hãy vô hiệu hóa FaceTime ngay bây giờ cho đến khi Apple cập nhật bản sửa lỗi."

Sự cố bảo mật lần này của Apple khá nghiêm trọng, bởi vì Apple luôn tự nhận là tập trung đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật cho người tiêu dùng. Apple cũng mạnh cam kết về ưu việt trong phần cứng, trái ngược với các mô hình kinh doanh dựa trên việc thu thập dữ liệu rộng rãi.

Tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES 2019) diễn ra tại Mỹ, Apple cam kết sẽ thực hiện tốt chính sách bảo mật trên một bảng quảng cáo khổng lồ ở Las Vegas. "Những gì xảy ra trên iPhone của bạn vẫn nằm trên iPhone của bạn", tấm bảng quảng cáo ghi.

Tim Cook cũng đã kêu gọi một luật bảo mật dữ liệu quốc gia – thứ sẽ điều chỉnh cách thức các đối thủ cạnh tranh như Google và Facebook thu thập thông tin về người dùng. Gần đây nhất, Tim Cook đề xuất Ủy ban Thương mại Liên bang đóng vai trò tích cực hơn trong việc giám sát các nhà môi giới dữ liệu, các công ty thu thập và bán thông tin, cho phép người dùng theo dõi và xóa các dữ liệu về họ.

Việc phát hiện ra vấn đề bảo mật nghiêm trọng diễn ra chỉ một ngày trước khi công ty Apple dự kiến công bố thu nhập hàng quý. Đầu tháng 1/2019, Tim Cook – giám đốc điều hành của Apple – đã khiến các cổ đông phải lo lắng khi ông tuyên bố lợi nhuận của công ty sẽ giảm so với ước tính trước đó do tác động của suy thoái kinh tế ở Trung Quốc.

Nguồn:

https://www.washingtonpost.com/technology/2019/01/29/apple-disables-group-facetime-following-reports-eavesdropping-security-flaw/?utm_term=.f39064dc2d8c