Đó là thông tin được ông Triệu Trần Đức - Trưởng ban tổ chức “Hội nghị Quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu” (AVAR 2015) đưa ra trong cuộc họp báo chiều 5/11 tại Hà Nội.

“Theo thống kê của tập đoàn CMC, tỷ lệ lây nhiễm mã độc tại Việt Nam rất cao - khoảng 60% máy tính. Trong khi đó, tỷ lệ các máy tính từng bị lây nhiễm virus lên đến 99%. 1% máy không bị lây nhiễm rơi vào số rất ít những người chạy hệ điều hành Linux và các chuyên gia quá giỏi về bảo mật, những người không cần dùng phần mềm diệt virus”, ông Triệu Trần Đức - Tổng Giám đốc CMC InfoSec thuộc tập đoàn công nghệ CMC, Trưởng ban tổ chức AVAR 2015 - cho biết.

Dù ông Đức cho biết đây chỉ là thống kê của riêng tập đoàn CMC bởi thị trường Việt Nam còn nhiều khách hàng sử dụng phần mềm hãng bảo mật khác như Kaspersky, BKAV… nhưng đây thực sự cũng là con số khiến nhiều người phải giật mình.

Quang cảnh tại buổi họp báo về “Hội nghị Quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu” (AVAR 2015)

Tiết lộ kể trên cùng với việc hàng loạt vụ tấn công của tin tặc vào các website chính phủ, hệ thống thông tin và dữ liệu của doanh nghiệp trong thời gian qua một lần nữa cho thấy Việt Nam hiện đang dần trở thành điểm nóng về bảo mật thông tin trong khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh đó, “Hội nghị Quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu” (AVAR 2015) với chủ đề “Kỷ nguyên chiến tranh mạng” diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 2-4/12 tới đang thu hút sự quan tâm lớn. Đây là hội nghị hàng đầu thế giới về phòng chống mã độc với sự góp mặt của 150 chuyên gia bảo mật hàng đầu, các giám đốc công nghệ, bảo mật, an toàn thông tin... đến từ tổng hành dinh của các hãng sản xuất phần mềm chống virus lớn nhất thế giới như Microsoft, Intel (McAfee), Symantec, Kaspersky, BitDefender…

Hội nghị sẽ là nơi các vấn đề nóng nhất về bảo mật thông tin, các giải pháp tốt nhất để phòng chống mã độc được đưa ra thảo luận với những phân tích chuyên sâu. Đây là cơ hội lớn để các hãng, các cơ quan, doanh nghiệp cập nhật những thông tin mới nhất, chuẩn xác nhất về tình hình an toàn thông tin trên thế giới.

Đặc biệt, điểm nhấn của hội nghị là sự góp mặt của diễn giả chính Mikko Hypponen (Phần Lan) - “huyền thoại” về An ninh An toàn thông tin của thế giới. Ông chính là một trong những người đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm Anti Virus từ những năm 1980, từng được tạp chí Foreign Policy xếp vị trí 61 trong danh sách “100 người có tư tưởng ảnh hưởng nhất thế giới”, tạp chí PC World ( Mỹ) đưa vào danh sách “50 người có ảnh hưởng nhất tới Internet”…

Theo tập đoàn CMC - đơn vị đăng cai tổ chức AVAR 2015 - sức ảnh hưởng và các thông tin mang lại của sự kiện này sẽ có những giá trị thiết thực vào công tác quản lý và thực hiện các chính sách của Nhà nước trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về An ninh An toàn Thông tin Việt Nam; mở đường tạo tiền đề tốt cho các sự kiện, hội nghị quốc tế tương tự sẽ được tổ chức tại nước ta trong thời gian tới.

AVAR là tên viết tắt (tiếng Anh) của Hiệp hội các Nhà nghiên cứu mã độc châu Á. Đây là tổ chức phi chính phủ - được thành lập năm 1998 - quy tụ tất cả các hãng sản xuất sản xuất phần mềm chống mã độc lớn nhất thế giới như Microsoft, Intel (McAfee), Symantec, Kaspersky, BitDefender… Ở Việt Nam, Công ty CMC InfoSec thuộc tập đoàn Công nghệ CMC là thành viên duy nhất của Hiệp hội.

Mỗi năm Hiệp hội các Nhà nghiên cứu mã độc châu Á sẽ tổ chức hội nghị chuyên sâu về phòng chống mã độc một lần. Sau khi vượt qua sự cạnh tranh của Hàn Quốc và Malaysia, Việt Nam vinh dự được tổ chức hội nghị thứ 18 của tổ chức này - AVAR 2015. Hội nghị với chủ đề “Kỷ nguyên chiến tranh mạng” này sẽ diễn ra từ ngày 2-4/12 tại Đà Nẵng do Tập đoàn CMC đăng cai tổ chức dưới dự bảo trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông.