Với việc Chính phủ Mỹ chấm dứt kiểm soát Tổ chức Quản lý tên miền và địa chỉ Internet quốc tế (ICANN) từ ngày 1/10, nguồn tài nguyên thiết yếu này của thế giới sẽ thuộc quyền kiểm soát của một tổ chức độc lập với các chính phủ.

Giới chuyên gia nhận định, đây là “thay đổi quan trọng nhất trong hoạt động của Internet đối với cả một thế hệ”.

Internet vừa trải qua thời khắc lịch sử

Sự kiện ngày 1/10 vừa qua được giới công nghệ xem là vô cùng quan trọng, nhưng có lẽ không nhiều trong số 3 tỷ người dùng Internet biết tới. Đơn giản là vì dường như sự thay đổi không ảnh hưởng tới họ.

Những người quan tâm đến công nghệ hơn thì biết và quan tâm đến việc tháng trước, một loạt công ty công nghệ lớn như Google, Facebook, Twitter, Amazon, CloudFlare và Yahoo! cùng gửi thư chung tới Quốc hội Mỹ kêu gọi chính phủ hãy nhường lại quyền quản lý kỹ thuật đối với Internet. Theo Reuters, trong bức thư có đoạn viết: “Một mạng Internet toàn cầu, tương thích và ổn định là điều cần thiết cho an ninh kinh tế và quốc gia của chúng ta với mô hình đa thành phần sẽ mang đến những lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ”.

Đây là động thái được xem là để gia tăng sức ép trong bối cảnh một số chính trị gia - đứng đầu là cựu ứng viên tổng thống Mỹ, Thượng nghị sỹ bang Texas Ted Cruz - vận động phản đối việc Chính phủ Mỹ chấm dứt sự kiểm soát với ICANN vì cho rằng như thế Mỹ tự từ bỏ Internet.

Bộ Thương mại Mỹ không còn nắm quyền kiểm soát ICANN từ ngày 1/10/2016.
Ảnh: Amazonaws

Điều gì khiến sự kiện kể trên lại có ý nghĩa quan trọng, khiến nước Mỹ bị chia rẽ thành hai luồng dư luận như thế? Để trả lời câu hỏi trên, cần biết vai trò, chức năng nhiệm vụ của ICANN đối với Internet. Các website muốn xuất hiện trên mạng đều phải có một tên miền (domain name) hoặc thuộc về một tên miền nào đó, giống như địa chỉ nhà trong thực tế. Mỗi tên miền ứng với một số cụ thể.

Hệ thống tên miền trên mạng (DNS) có nhiệm vụ chuyển đổi tên miền sang địa chỉ giao thức kết nối Internet (IP) và ngược lại. Điều đó giúp ta không cần nhớ các con số phức tạp mà chỉ cần nhớ tên miền, tương tự như việc chỉ cần nhớ địa chỉ nhà mà không cần nhớ toạ độ.

Mỹ là quốc gia tạo ra Internet nên cũng không lạ khi chính nước này lập ra ICANN - một tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ cấp địa chỉ IP toàn cầu cũng như giám sát hệ thống tên miền Internet và đặt dưới sự giám sát của Bộ Thương mại Mỹ.

ICANN đóng vai trò phân bổ, giám sát, kiểm duyệt địa chỉ Internet sao cho mỗi địa chỉ tên miền này là duy nhất, không trùng với địa chỉ nào trên mạng để Internet vận hành suôn sẻ. Ngoài ra, ICANN quản lý cơ sở dữ liệu cho các tên miền cấp cao như .com và .net cũng như các địa chỉ số tương ứng cho phép các máy tính kết nối.

Nắm quyền kiểm soát ICANN - “cuốn sổ địa chỉ” của Internet - đồng nghĩa với việc có thể “kiểm duyệt” Internet mà một trong số các quyền là xóa bỏ tên miền khiến website đó không thể truy cập.

Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp với nhiều xung đột và bất ổn, việc Chính phủ Mỹ nắm quyền kiểm soát tổ chức quản lý hệ thống tên miền cấp cao quốc tế khiến nhiều nước lo ngại. ICANN ngày càng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nặng nề do hoạt động dưới sự kiểm soát của Chính phủ Mỹ. Điều này dẫn đến việc Bộ Thương mại Mỹ phải tuyên bố từ bỏ vai trò của mình khi ICANN cải tổ để thực sự có khả năng đứng độc lập, không bị các chính phủ và nhóm lợi ích trên thế giới thâu tóm quyền lực.

Bước đi có thể giải quyết các vấn đề của Internet

Nhận định về sự kiện ngày 1/10, Tạp chí The Register cho biết đây là “thời khắc lịch sử” và “thay đổi quan trọng nhất trong hoạt động của Internet đối với cả một thế hệ”.

Ed Black - Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp máy tính và Truyền thông Mỹ - cho biết, sự chuyển giao này là “bước đi mang tính biểu tượng nhưng quan trọng trong việc giữ sự ổn định và cởi mở của Internet, có tác động đến tự do ngôn luận, kinh tế, an ninh quốc gia”.

Ông Stephen D Crocker - lãnh đạo ICANN - bày tỏ: “Sự chuyển đổi này đã được hình dung từ cách đây 18 năm. Việc đi đến dự thảo đề xuất cuối cùng là thành quả của những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng Internet toàn cầu. Đáng mừng là dự thảo này đã được thông qua. Việc Bộ Thương mại Mỹ từ bỏ vai trò của mình đối với ICANN là bước đi để đảm bảo rằng Internet của tương lai vẫn là mở, miễn phí và được truy cập như hiện tại”.

Theo ICANN, một mô hình đa thành phần của tổ chức này - bao gồm giới doanh nhân, tri thức, chuyên gia kỹ thuật, xã hội, dân sự, chính phủ và nhiều tác nhân khác - sẽ là cách tốt nhất để duy trì sự lớn mạnh của Internet.

Những người phản đối cho rằng mô hình kể trên của ICANN có thể là cơn ác mộng hành chính. Một số người Mỹ lo ngại việc từ bỏ quyền kiểm soát ICANN sẽ khiến các nước khác có thêm quyền kiểm soát nội dung trên Internet.

Nhưng với những người ủng hộ, đây là bước quan trọng để sắp tới, các tổ chức như ICANN hình thành nhằm giải quyết những vấn đề đang khiến nhiều chính phủ đau đầu như an ninh mạng, xâm phạm quyền riêng tư… “Đó có lẽ là hy vọng tốt nhất để tìm giải pháp chung cho những vấn đề toàn cầu mà Internet mang lại” - tờ The Economist bình luận.