“Chúng ta hay nói về hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, và nước nào cũng thích gọi mình là quốc gia khởi nghiệp, nhưng thực chất, trái tim của hệ sinh thái phải là địa phương, không phải quốc gia” –Martin Webber, phó chủ tịch tập đoàn J.E. Austin Associates, chia sẻ tại Techfest Vietnam 2018.

phát triển hệ sinh thái


Lựa chọn giữa chất và lượng

Từ khi Đề án 844 ”Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được phê duyệt và Thủ tướng đưa ra thông điệp “Chính phủ kiến tạo - Quốc gia khởi nghiệp” cách đây 3 năm, tính đến nay đã có 41/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định phê duyệt Đề án 844 tại địa phương. Một số tỉnh đã tiến xa hơn, đang triển khai các đề án 2-5 năm của riêng mình với nhiều hoạt động cụ thể.

TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng là những địa phương đóng vai trò dẫn đầu về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước, một số tỉnh khácđược đánh giá bước đầu triển khai tốt như Cần Thơ, Huế, Quảng Nam, Bến Tre, Nghệ An, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang được cổ vũ rộng rãi, đi kèm với nó là phong trào phát triển các hệ sinh thái. Về cơ bản, hệ sinh thái được sinh ra để hỗ trợ nhiều nhất có thể cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua được “thung lũng chết” (giai đoạn doanh nghiệp tiêu tốn dòng tiền mà chưa tạo doanh thu). Một hệ sinh thái đầy đủ phải có khả năng cung cấp vốn và tài chính đa dạng; chính sách và môi trường pháp lý thuận tiện; nhiều tổ chức hỗ trợ như vườn ươm, thúc đẩy kinh doanh; nguồn nhân lực dồi dào, cộng đồng khởi nghiệp nắm rõ văn hóa khởi nghiệp và hệ thống cố vấn đa dạng.

“Chúng ta phải làm sao để khi một người muốn khởi nghiệp, họ không cần phải đi đâu xa mà đã có sẵn điều kiện bắt đầu tại nơi họ đứng”, Anh Lý Đình Quân, Giám đốc công ty CP Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn chia sẻ.

Vì tính chất phức tạp như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu có nhất thiết địa phương nào cũng cần một hệ sinh thái hoàn chỉnh? “Mặc dù tinh thần khởi nghiệp là điều cần khuyến khích mạnh ở tất cả các địa phương, nhưng câu chuyện hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST không dành cho tất cả các tỉnh thành bởi nó liên quan đến nhiều yếu tố của hệ sinh thái như viện trường, nhà đầu tư, vườn ươm, số lượng startup đủ lớn, thị trường đủ rộng để bắt đầu….” Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC), TP. Hồ Chí Minh, trao đổi.

Theo chị, các tỉnh cần biết mình có thế mạnh hỗ trợ startup ở giai đoạn nào và khi nào cần phải chuyển đi nơi khác để phát triển tốt hơn. “Quan trọng không phải startup là con ai, mà là nuôi cho nó lớn.”

Mô hình các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Mô hình các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Ngay cả trong những hệ sinh thái địa phương tốt nhất Việt Nam hiện nay, việc kết nối các thành phần vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các cấp quản lý ở tỉnh vẫn chưa tham gia nhất quán, mới có một vài bộ phận trong các sở, ban ngành thực sự chú tâm đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nỗ lực tạo các lưới chính sách an toàn cho khởi nghiệp, trong khi bộ phận còn lại hầu như vẫn trong tâm thế đứng ngoài cuộc.

Tương tự, phần lớn trường THPT, Đại học trong vùng vẫn đang giữ tư duy truyền thống về dạy học. Một số nơi coi giáo dục đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp như một hoạt động phong trào, tranh thủ danh tiếng hoặc chính sách khuyến khích của chính phủ. Chỉ số ít trường như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hồ Chí Minh thực sự coi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là chiến lược dài hạn và có đầu tư vườn ươm doanh nghiệp, văn phòng chuyển giao công nghệ, văn phòng sở hữu trí tuệ,… để khuyến khích sinh viên, giảng viên và doanh nghiệp tham gia.

Thêm vào đó, mạng lưới các cố vấn và nhà đầu tư thiên thần ngay tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mới chỉ hình thành tương đối mỏng. Các tập đoàn công nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp mặc dù có sự tương tác nhưng chưa thực sự gần gũi.

Trong khi đó, thực tế chỉ ra không hẳn tỉnh thành nào cũng có động lực và điều kiện thích hợp để phát triển hệ sinh thái.

Nhiều tỉnh miền Tây như Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ có hoạt động khởi nghiệp (không hẳn là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) sôi động nhưng chưa thực sự có chiến lược hệ sinh thái rõ ràng. Mặc dù vậy, cả chính quyền và người dân ở đó đều có tinh thần ủng hộ ĐMST mạnh mẽ và mong muốn chuyển đổi.

Một số tỉnh có thế mạnh ngành công nghiệp như Quảng Nam đã manh nha hình thành các kết nối giữa doanh nghiệp đi trước, startup và vốn; tuy nhiên thiếu các tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp để đào tạo startup tốt hơn. Một số tỉnh khác nỗ lực xây cơ sở hạ tầng như trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp… nhưng thiếu startup – nhân tố trung tâm của hệ sinh thái. Trong khi đó, xuất hiện một vài địa phương phía Bắc coi khởi nghiệp ĐMST là phong trào, đặt ra KPI quá cao và tổ chức tràn lan các hội thảo nhưng chưa đi vào thực chất.

Ở một vài nơi, nhiều cấp lãnh đạo chưa hiểu được nhiều về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, do vậy không dám cấp vốn thực hiện các hoạt động hỗ trợ hình thành hệ sinh thái địa phương. Nhưng cũng có những địa phương nhận thấy rằng mình không có trường cao đẳng, đại học để phát triển công nghệ và thu hút nhân tài, do vậy chỉ hỗ trợ bằng việc động viên, khuyến khích tinh thần đối tượng cá nhân nào làm startup mà không thể hình thành được cộng đồng khởi nghiệp. Những nơi đó lựa chọn hướng đi khác để phát triển kinh tế địa phương như doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với tài nguyên bản địa.

Bức tranh tổng quát về các hệ sinh thái địa phương trên chỉ ra rằng các nhà quản lý - thông qua quy hoạch hoặc điều chỉnh động lực - có thể tập trung vào một số tỉnh thành quan trọng để tạo hệ sinh thái chung của vùng, tại đó các địa phương lân cận sẽ kết nối và đóng góp nguồn lực của mình. Điều này sẽ làm tăng sức mạnh hội tụ cho các địa phương dẫn đầu, đẩy mạnh tính cạnh tranh giữa những “con ngựa đua” có tham vọng bứt phá và làm giảm sức ép cho các địa phương ít nguồn lực khác.

Hợp tác, cạnh tranh và đổi mới sáng tạo

Với những địa phương có tiềm năng phát triển hệ sinh thái, có nhiều cách để thực hành – “từ trên xuống” khi khu vực công làm đầu mối hoặc “từ dưới lên” khi cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương tự vận động liên kết lại. Mỗi cách tiếp cận tùy thuộc vào điều kiện và nguồn lực của từng nơi.

Điều quan trọng để kích hoạt hệ sinh thái đi lên là cần một nhóm tiên phong thay đổi. Nhóm này có thể thuộc Sở KH&CN, Sở KH&ĐT, một ủy ban đặc biệt của tỉnh, Hội thanh niên, Hội doanh nhân, CLB khởi nghiệp từ trường học hoặc thậm chí là một vài nhà kinh doanh đam mê và táo bạo. Họ sẽ là những người truyền cảm hứng, kết nối các nguồn lực, vận động chính sách và thúc đẩy các cá nhân khởi nghiệp đi lên.

Tuy nhiên, những nhóm tiên phong này sẽ phải kiên trì để thay đổi tư duy về khởi nghiệp cho địa phương. Rủi ro là một đặc tính cơ bản của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng lại là khái niệm rất mới đối với cấp lãnh đạo, nhà quản lý, trường học và thậm chí người dân ở rất nhiều địa phương. Chừng nào các nhân tố tham gia vào hệ sinh thái vẫn nghĩ theo cách truyền thống – an toàn, ngại thất bại, không muốn chấp nhận sự khác biệt - thì chừng đó những sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới chưa thể có mảnh đất để phát triển, do đó đổi mới sáng tạo ở địa phương chưa thể cất cánh.

Thời gian chậm trễ của những địa phương đang chần chừ là lúc địa phương khác đã chủ động thay đổi. “Đổi mới sáng tạo mà để lâu quá thì sẽ mất lợi thế về thị trường. Khi một startup lớn lên, họ có thể nghĩ đến 1 triệu dân trong tỉnh, nghĩ đến 96 triệu dân của Việt Nam, đến 600 triệu dân của ASEAN hay thậm chí gần 7 tỷ dân của thế giới”, Anh Lý Đình Quân nhấn mạnh. “Nếu chúng ta không bắt đầu từ giờ, chúng ta cũng có thể bị mất thị trường vào tay những công ty nước ngoài khổng lồ như Amazon, Grab, Airbnb cho đến những startup nhỏ hơn trên toàn thế giới đang tìm cách tiếp cận thị trường Việt Nam”, anh nói thêm.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Trong ảnh: Mô hình khởi nghiệp trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Trong ảnh: Mô hình khởi nghiệp trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ.

Bên cạnh tư tuy mới, thay đổi nhanh, việc tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh cũng đòi hỏi tinh thần hợp tác. Hiện nay, do nguồn ngân sách cho khởi nghiệp không nhiều nên các chính quyền khó có thể rót tiền từ trên xuống để buộc hình thành những ‘trung tâm đổi mới’ và thúc ép các nhân tố khác tham gia.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương có thể hỗ trợ khởi nghiệp theo cách thức mềm mỏng và gián tiếp như tạo dựng khung pháp lý giúp startup dễ tiếp cận với các thành phần khác. Họ có thể đưa ra những ưu đãi thuế, tài chính, đất đai… để thúc đẩy sự tương tác giữa các bên và tạo lợi thế cạnh tranh cho địa phương mình.

Thông qua mua sắm công, chính quyền cũng có thể trở thành người tiêu dùng tiên phong, mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khi chính quyền địa phương đi đầu làm gương, các thành tố khác sẽ lần lượt kéo đến và sinh sôi nảy nở.