Để các dự án thuộc Chương trình Nông thôn - Miền núi triển khai hiệu quả, xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất để thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, TS Nguyễn Văn Liễu - Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) cho rằng có nhiều điểm cần lưu ý.

Cụ thể, ông Liễu cho rằng, trước hết, các địa phương, đơn vị chủ trì cần làm tốt việc hướng dẫn tổ chức trong đề xuất dự án để đảm bảo các dự án đề xuất đáp ứng được các yêu cầu, mục tiêu của Chương trình Nông thôn - Miền núi. Bên cạnh đó, khi đề xuất, các đơn vị cũng cần ưu tiên lựa chọn các dự án hướng vào phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương.

"Ưu tiên các dự án do doanh nghiệp chủ trì thực hiện để tạo nòng cốt trong chuỗi giá trị sản xuất; ưu tiên các dự án có sự tham gia của doanh nghiệp và các khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm; hướng việc đẩy mạnh liên kết trong tổ chức thực các dự án, xây dựng mối liên kết “4 nhà” hiệu quả, bền vững" - TS Liễu nói và cho rằng nếu làm tốt các công việc trên thì Chương trình Nông thôn - Miền núi sẽ thiết thực hơn trong thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tái cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thành công nhưng để sản phẩm ra được thị trường rất cần sự xâu chuỗi các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.
Hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thành công nhưng để sản phẩm ra được thị trường rất cần sự xâu chuỗi các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Thực tế thời gian qua, các dự án ứng dụng và chuyển giao KH&CN thuộc Chương trình Nông thôn - Miền núi được hình thành gắn với các mục tiêu, sản phẩm cụ thể như: Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực và chất lượng xuất khẩu; ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các loại nông sản quý (rau quả và hoa), phát triển các loại nông sản nhiệt đới có lợi thế so sánh cao (cà phê, tiêu, chè, điều, cao su), nâng cao hiệu quả sản xuất các mặt hàng còn phải nhập khẩu (bông, cây dầu thực vật, bột giấy); ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản trong các ngành sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và các ngành sử dụng nguyên liệu tại chỗ; ứng dụng KH&CN vào phát triển sản xuất lương thực tại chỗ cho vùng núi, vùng dân cư phân tán, điều kiện giao thông, vận chuyển khó khăn...

Chính vì thế, trong giai đoạn tới, các dự án được xây dựng nếu xâu chuỗi tốt chắc chắn sẽ góp phần xây dựng thành công chuỗi liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.