Đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng tri thức vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp là một thách thức lớn trong bối cảnh đội ngũ chuyên gia còn quá mỏng trong khi hầu hết các doanh nghiệp làm nông nghiệp là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, không có khả năng đặt hàng nghiên cứu.

Sự đứt gãy giữa tri thức và khối doanh nghiệp

Mặc dù số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản hiện đang ở mức cao nhất trong 13 năm trở lại đây, tuy nhiên ngành nông nghiệp Việt Nam đang “loay hoay ở những bước đi đầu tiên” và sẽ phải mất khoảng 20-25 năm để giải quyết những nút thắt trên con đường hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại và kết nối chuỗi giá trị trong và ngoài nước, theo nhận định của ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Hội thảo "Tầm nhìn và giải pháp ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp thông minh" cuối tháng Tám vừa qua.

Vướng mắc cơ bản nhất, theo TS Hoàng Nguyễn, Đại học California, Davis, Mỹ, đó là sự đứt gãy giữa tri thức và khối doanh nghiệp, dẫn đến việc doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa thể đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất, kinh doanh. Khi liên kết giữa các chuyên gia từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trường đại học và doanh nghiệp bị đứt gãy thì chất xám của họ không được phát huy hiệu quả cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững; lực lượng chuyên gia sẽ ngày càng đi xuống vì không được sử dụng đúng mục đích và các nghiên cứu ít gắn với thực tế.

Trung tâm nuôi cấy mô của Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thanh Hóa. Ảnh: PN

Đến nay, lực lượng chuyên gia giúp doanh nghiệp phát triển công nghệ và giải quyết vướng mắc công nghệ còn quá mỏng, việc xây dựng đội ngũ này vẫn chỉ diễn ra một cách tự phát. Trong khi đó, 96% tổng số doanh nghiệp nông lâm thủy sản là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hầu như không có khả năng đặt hàng nghiên cứu. Ngoài ra nền nông nghiệp Việt Nam thiếu các hệ thống ghi chép dữ liệu lịch sử, quản lý, đánh giá. Mỗi khi doanh nghiệp có nhu cầu công nghệ thì thường phải mất nhiều thời gian tìm kiếm, đánh giá lại từ đầu, phó mặc cho may rủi và độ chuyên nghiệp của đối tác…

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu là ưu đãi về các mức thuế, phí cho các khu sản xuất công nghệ cao hoặc vùng quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện nay các khu vực được xác định là khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn quá ít và quy mô không lớn. Việc quy định vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chỉ tập trung trong địa bàn từng tỉnh gây khó khăn cho doanh nghiệp nếu địa bàn đầu tư trải rộng tại nhiều địa phương.

Vai trò của Chính phủ và doanh nghiệp

TS Hoàng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Internet là “cây cầu” vô tận cho quá trình trao đổi thông tin giữa chuyên gia trong nước và quốc tế, giúp người dân tiếp cận tri thức nông nghiệp của thế giới với chi phí thấp nhất. Vì vậy, chính phủ và doanh nghiệp cần tận dụng nguồn giống và quy trình công nghệ của các nước lớn chuyển về Việt Nam, hấp thu công nghệ từ nước ngoài một cách có hệ thống, phục vụ cho quá trình chuyên canh, chuyên môn hóa nông nghiệp trong nước, giảm bớt chi phí nghiên cứu trong nước mà vẫn đảm bảo hiệu quả cuối cùng.

Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều hội đồng hay cơ quan chuyên ngành để giải quyết các rủi ro cho những “cánh đồng lớn”, như dự đoán và phản ứng nhanh trước diễn biến của thị trường nông sản, liên kết các viện, trường đại học để cung cấp nguồn chất xám. “Các dự án liên ngành chỉ có thể thực hiện được khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan thu thập thông tin từ nước ngoài. Chính phủ cần cho phép doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế tham gia vào quá trình thẩm định, tuyển chọn đề tài, dự án để tăng tính thực thế cho sản phẩn nghiên cứu” - TS Hoàng phân tích và dẫn ví dụ, ở Mỹ có hệ thống cooperative extension (các tổ chức nằm trong trường đại học làm dịch vụ kết nối hợp tác giữa trường với doanh nghiệp và cộng đồng xã hội) là con thoi chạy giữa trường đại học, Bộ Nông nghiệp và doanh nghiệp, được giao nhiệm vụ giúp doanh nghiệp phát triển và giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Chính lực lượng này triển khai các chỉ đạo từ xa của Bộ Nông nghiệp, mang tri thức đến cho doanh nghiệp và mang các đầu bài đến cho trường đại học và viện nghiên cứu.

Để có hệ thống cooperative extension, TS Hoàng cho rằng cần tập trung xây dựng cầu nối giữa đội ngũ chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các trường đại học với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó khối doanh nghiệp (đối tượng được phục vụ) cần đóng góp nguồn lực và được tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, tuyển chọn nhân lực cho hệ thống này, bởi nhà nước không thể chi trả hết kinh phí công tác nghiên cứu triển khai KH&CN cho cả hệ sinh thái.

Về lâu dài, đại điện các doanh nghiệp và các tổ chức cooperative extension được phép tham gia vào các quỹ đầu tư nghiên cứu, các quy trình xét duyệt, hệ thống đào tạo nhân lực… để có sự gắn kết các mắt xích trong hệ sinh thái nông nghiệp thông minh.

Cùng chung nhận định nhà nước cần có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào KH&CN nông nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng có thể vận dụng hình thức đối tác công – tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin gắn với các khu, vùng công nghệ cao, cụm liên kết ngành và các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới công nghệ. Ngoài ra cần xây dựng thí điểm các khu ứng dụng công nghệ cao theo hình thức chọn một doanh nghiệp trụ cột đầu tư, làm quy hoạch, quản lý chung và đầu tư một số cơ sở hạ tầng công nghệ cơ bản.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và phát triển thị trường KH&CN tại Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động của các tổ chức trung gian thương mại hóa sáng chế; thí điểm phát triển một số loại hình chợ công nghệ cho riêng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên hỗ trợ cho các công nghệ trọng điểm, công nghệ mũi nhọn; đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng với mạng lưới tổ chức dịch vụ KH&CN đồng bộ đi kèm.

“Nhà nước cần thích ứng trở thành một phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và có vai trò thúc đẩy kết nối, trao đổi thông tin, chấp nhận rủi ro”, ông Tuấn nhấn mạnh.