Với bản đồ công nghệ, các thông tin liên quan đến toàn cảnh công nghệ trong một ngành, lĩnh vực sẽ được hiển thị. Thậm chí, các thông tin liên quan đến sản phẩm sản xuất từ công nghệ đó, công nghệ đó thuộc sở hữu của đơn vị nào… cũng được cập nhật.

Bức tranh thực về hiện trạng công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa hoàn thiện bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam. Bản đồ cho thấy, Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu giống lúa thuần, riêng với giống lúa lai chỉ đáp ứng 33%, số còn lại phải nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ với giá trị nhập khẩu 35 triệu USD mỗi năm.

Tỷ trọng xuất khẩu các giống lúa chất lượng cao còn thấp, chưa có giống xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam. Thực trạng này cho thấy, Việt Nam cần tạo ra giống lúa có chất lượng tốt, năng suất cao, chống chịu được rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, virút, hạn mặn, ngập.

Nông dân sẽ được hưởng lợi từ bản đồ lúa gạo. Trong ảnh: Người dân xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định thu hoạch vụ đông xuân 2015. Ảnh: Loan Lê
Nông dân sẽ được hưởng lợi từ bản đồ lúa gạo. Trong ảnh: Người dân xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định thu hoạch vụ đông xuân 2015. Ảnh: Loan Lê

TS Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN - cho biết: “Mục đích xây dựng bản đồ công nghệ nhằm hiển thị hiện trạng công nghệ ở Việt Nam gắn liền với thị trường và sản phẩm. Bản đồ sẽ chỉ ra Việt Nam đang sở hữu những công nghệ nào, ở đâu; chúng ta có thể sản xuất sản phẩm nào, ở phân khúc thị trường nào; năng lực nghiên cứu ở Việt Nam đến đâu và đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ, sản phẩm ra sao”.

Theo bản đồ lúa gạo, dù Việt Nam đã lọt top 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng những thách thức từ hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu đã đặt ra yêu cầu mới. Việc tạo ra những giống lúa mới thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt là hướng cần ưu tiên. Nhờ định hướng này, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo ra một số giống lúa chịu hạn mặn, có năng suất, chất lượng và chống chịu sâu bệnh cao như MO137, OM10373…

“Bản đồ công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp biết về công nghệ cần đầu tư, tối ưu hóa để giảm thiểu được giá thành công nghệ, tránh đầu tư công nghệ lạc hậu. Khi lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên, bà con nông dân sẽ được hưởng thụ gián tiếp lợi ích của bản đồ công nghệ” - ông Dũng nói.

Xác định vùng yếu để tăng cường

GS Hoàng Văn Phong - Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia - cho rằng, khi có bản đồ công nghệ, từ cơ quan quản lý đến viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp đều có thể chủ động xây dựng chính sách, lập kế hoạch nghiên cứu, sản xuất kinh doanh. Nếu coi công nghệ là một quốc gia thì chúng ta phải xây dựng được bản đồ biên giới lãnh thổ của các loại công nghệ Việt Nam.

Nếu coi mỗi công nghệ là một tỉnh thì “nước công nghệ Việt Nam” sẽ bao gồm nhiều hơn 63 tỉnh, thành vì có nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau. Trên bản đồ đó sẽ có những công nghệ phát triển mạnh, được nhiều doanh nghiệp tập trung khai thác. Ngược lại, cũng có những lĩnh vực công nghệ chưa phát triển, có thể coi là vùng “nghèo đói” về công nghệ.

“Nhìn vào bản đồ này, Nhà nước cần có chính sách để phát triển công nghệ ở những vùng khó khăn, “nghèo đói” về công nghệ. Doanh nghiệp cũng hiểu rõ nên tập trung vào đâu, tránh tình trạng một số ngành quá nhiều người đầu tư trong khi vẫn còn những khoảng trống chưa được lấp đầy” - GS Hoàng Văn Phong nói.

TS Dũng cho biết, Bộ KH&CN đã xây dựng toàn bộ phương pháp và quy trình tạo ra một bản đồ công nghệ. Đây là loại thông tin trên thế giới không ai cung cấp, vì quốc gia nào cũng không muốn công khai. “Chính vì vậy trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã tập trung phối hợp với các chuyên gia trong nước, nước ngoài để tự hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ và có lộ trình đổi mới công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam” - TS Dũng chia sẻ.

Theo lộ trình, năm 2015 Bộ KH&CN hoàn thành bản đồ công nghệ ngành sản xuất khuôn mẫu, năm 2016 sẽ hoàn thành bản đồ công nghệ các ngành chọn tạo giống lúa và sản xuất vắcxin. Năm 2017-2018, Bộ KH&CN tiếp tục hoàn thành bản đồ công nghệ của các lĩnh vực gene, tế bào gốc, sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử, bán dẫn... Năm 2019, các ngành công nghiệp cơ khí, một số sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm sẽ có bản đồ công nghệ. Đến năm 2020 sẽ cơ bản hình thành hệ thống bản đồ công nghệ các ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng của đất nước.