Hai kỳ cuối về ITRI trên KH&PT sẽ lí giải phần nào nguyên nhân tại sao ITRI lại có sức lay chuyển nền kinh tế - xã hội của Đài Loan.

MidAir, kính thực tế ảo tăng cường do ITRI phát triển, cho phép điều khiển các màn hình trong…không khí giống như các phim viễn tưởng.
MidAir, kính thực tế ảo tăng cường do ITRI phát triển, cho phép điều khiển các màn hình trong…không khí giống như các phim viễn tưởng.

Phiên bản KIST của Đài Loan

Sự biến đổi nhanh của công nghệ và kinh tế học thị trường tự do là hai nhân tố quyết định ảnh hưởng đến sự phát triển công nghiệp. Biến đổi công nghệ là động lực chủ yếu đứng đằng sau tăng trưởng kinh tế, còn kinh tế thị trường tự do thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Một nước đang phát triển có thể xem xét một chiến lược phát triển công nghiệp không chỉ nhằm nới lỏng sự kiểm soát của chính phủ đối với thị trường, mà còn thúc đẩy đổi mới công nghệ trong ngành công nghiệp. Bằng cách đó, các chiến lược phát triển công nghiệp sẽ có tác dụng như “bộ não” của nền kinh tế. ITRI là một bộ não như vậy.

Có hai nguyên nhân vì sao chính phủ lại thành lập cơ quan này. Thứ nhất, các lợi thế về chi phí lao động đang nhanh chóng biến mất, sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động bị hạn chế. Sau thập kỷ 1980, vật liệu hóa chất, sản phẩm hóa chất, sản phẩm kim loại cũng như các sản phẩm điện và điện tử, và các ngành công nghiệp nặng khác chiếm tỷ trọng ngày càng cao hơn trong GDP, trong khi đó tỷ trọng của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may và quần áo, cũng như các sản phẩm khác của ngành công nghiệp nhẹ đang giảm dần1. Xu thế tương tự cũng đang xuất hiện trong khu vực xuất khẩu.

Một nguyên nhân làm cho các doanh nghiệp tư nhân Đài Loan có năng lực đổi mới sáng tạo khiêm tốn là do các nguồn lực được rót vào R&D rất hạn chế. Các công ty tư nhân của Đài Loan hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), mặc dù đã có những đóng góp đáng kể vào nền kinh tế đang bùng nổ của Đài Loan nhưng các sản phẩm của họ đang bị cạnh tranh mạnh mẽ về giá. Khi mà chi phí lao động bắt đầu tăng lên, việc thiếu năng lực đổi mới sáng tạo sẽ trở thành một nút cổ chai cản trở các ngành công nghiệp tiếp tục sự tăng trưởng bền vững.

Hơn nữa, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng muốn tìm kiếm các công ty lớn làm đối tác kinh doanh. Nói cách khác, các DNNVV chỉ có sự truy cập rất hạn chế tới công nghệ nước ngoài, và nhiều công ty chỉ có thể bắt chước. Theo một điều tra của Executive Yuan tiến hành năm 1985, trong số 9 nguồn công nghệ được lựa chọn bởi 4.226 công ty, 70% đến từ các nguồn trong nước và 30% đến từ nước ngoài. Một nửa công nghệ của các công ty có vốn FDI đến từ nước ngoài2.

Mục tiêu trước hết của Bộ Các vấn đề Kinh tế Đài Loan khi thành lập ITRI là để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân nâng cấp công nghệ của mình. Tuy nhiên, mặc dù được tài trợ bởi ngân sách nhà nước, liệu ITRI có nên là một cơ quan trực thuộc chính phủ? Trước ITRI, đã có một loạt các cơ quan nghiên cứu trực thuộc Bộ Các vấn đề Kinh tế. Tuy nhiên cơ cấu tổ chức và quản lý của các viện này bị kiểm soát bởi nhiều quy định ràng buộc của chính phủ, nên họ rất khó điều chỉnh cho phù hợp với các nhu cầu của phát triển công nghiệp và các tiêu chuẩn của công nghệ cao.

Chính vì vậy, một viện nghiên cứu mới cần phải có khả năng đáp ứng nhanh các nhu cầu công nghiệp và các điều kiện biến đổi của thị trường. Nó đòi hỏi sự linh hoạt cao hơn trong việc quyết định phân bổ vốn nghiên cứu, tuyển nhân viên mới, trả lương bổng, v.v. Chính phủ phải có sự thay đổi lớn về tư duy đối với hoạt động và nhiệm vụ của ITRI. Do đó, Bộ Các vấn đề Kinh tế đã nghiên cứu hệ thống của Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) và thảo luận với các chuyên gia từ Mỹ và Úc. ITRI đã được thành lập vào tháng 7/1973 như một công ty phi chính phủ, tạo ra một mô hình hoạt động mới cho các viện nghiên cứu. Sứ mạng chủ yếu của ITRI là tiến hành và khuyến khích R&D, và nó đã được hưởng sự linh hoạt để tiếp nhận các dự án nghiên cứu do các công ty tư nhân đặt hàng3.

Thành tựu chuyển giao của ITRI

Các hình thức cung cấp công nghệ công nghiệp

Phạm vi R&D trong ITRI bao gồm: điện tử, máy tính và truyền thông, công nghệ quang điện, công nghệ sinh học, công nghệ y học, hóa học và công nghệ hóa chất, cơ khí và công nghệ tự động hóa, công nghệ hàng không, công nghệ đo lường, công nghệ năng lượng và tài nguyên, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ vệ sinh và an toàn công nghiệp. Ngoài ra, ITRI đã thành lập một trung tâm R&D công nghệ nano, một trung tâm công nghệ về hệ thống dựa trên chip và một trung tâm kinh tế công nghiệp và dịch vụ thông tin. ITRI cũng thực hiện nghiên cứu kinh tế về các ngành công nghiệp và cung cấp các dịch vụ tri thức đổi mới.

Các hình thức chuyển giao công nghệ giữa ITRI và khu vực tư nhân có thể được phân thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là hợp tác về công nghệ và dịch vụ kỹ thuật cho một công ty cụ thể, nhóm thứ hai là R&D tập thể được thực hiện bởi một số công ty trong cùng một ngành công nghiệp, và nhóm thứ ba là các công ty tiên tiến/tiên phong mà ITRI không tìm được một ứng cử viên chuyển giao công nghệ cho nó. Các dạng khác nhau đó của phương pháp chuyển giao công nghệ phản ánh sự đa dạng về các yêu cầu công nghệ của các ngành công nghiệp của đất nước này. Việc thành lập ITRI là dựa trên giả thuyết về ngành công nghiệp đang yếu kém về năng lực công nghệ, do đó, hai dạng công nghệ đầu được tạo ra là để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp, còn dạng thứ ba là mẫu hình về chính sách phát triển công nghiệp được hướng dẫn bởi chính phủ. Tất cả các dạng đó là bằng chứng về vai trò quan trọng mà ITRI đóng như một “bộ não hữu hình” đối với ngành công nghiệp ở Đài Loan.

Ba nhóm nêu trên khác nhau không chỉ về quy mô và phạm vi của cam kết về nguồn lực R&D, mà còn về mức độ khó khăn trong việc soạn thảo các hợp đồng hợp tác. Khi một doanh nghiệp cần nâng cao trình độ công nghệ của mình và yêu cầu sự hỗ trợ từ phía ITRI, hành động này cũng giống như là việc tìm kiếm nguồn lực bên ngoài cho R&D của doanh nghiệp đó. Do công ty đó có thể về cơ bản là đặt ra các yêu cầu công nghệ cụ thể của mình một cách rõ ràng và có thể tính toán được chi phí mà nó có khả năng gánh chịu, không khó khăn lắm để đạt được thỏa thuận với ITRI: Đã có nhiều trường hợp trong đó có nhiều công ty trong ngành công nghiệp tham gia và hoạt động R&D để đạt được sự đột phá công nghệ. Trong trường hợp này, họ trước hết sẽ phải đạt được thỏa thuận giữa các công ty, và mức độ khó khăn sẽ cao hơn. Ngoài việc cung cấp sự hỗ trợ công nghệ, ITRI còn có vai trò làm trung gian và điều phối thay mặt chính phủ để thúc đẩy sự hợp tác giữa các công ty. Còn đối với công nghệ tiên phong, về cơ bản là không thể dễ dàng để các công ty có thể kiếm được đối tác cùng trực tiếp tham gia đầu tư mạo hiểm. Khi đó ITRI dựa vào sự hỗ trợ từ các nước có trình độ tiên tiến về công nghệ; do đó chiến lược R&D cũng như các lợi ích của nó cần phải được đánh giá từ góc độ quốc gia. Vai trò của ITRI là gần hơn với vai trò người thi hành các kế hoạch triển khai công nghệ của chính phủ.

Hỗ trợ các ngành công nghiệp truyền thống nhằm nâng cấp công nghệ

Trong những năm qua, ITRI đã hỗ trợ nhiều công ty nâng cấp trình độ công nghệ của mình. Nhiều ví dụ quan trọng đã được thu thập bởi Cục Công nghiệp, Bộ Các vấn đề Kinh tế khi họ thực hiện một dự án nhằm chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống4. Trong nhiều trường hợp chuyển đổi đó, các chủ doanh nghiệp đã yêu cầu giúp đỡ sau khi phải đối mặt với những khó khăn trong kinh doanh. ITRI luôn là nguồn công nghệ tốt nhất mà các công ty này đang tìm kiếm. Một số công ty thậm chí đã hình thành các liên doanh hợp tác với ITRI và yêu cầu ITRI cung cấp các dạng hỗ trợ công nghệ khác nhau ở các thời kỳ khác nhau. Bằng cách hỗ trợ các DNNVV trong các ngành công nghiệp truyền thống nâng cấp công nghệ của họ, từ đó duy trì được các lợi thế so sánh của họ, ITRI đã thực hiện được chức năng cơ bản của mình và đóng góp vào việc chuyển đổi công nghiệp.

Nghiên cứu về công nghệ chủ chốt và chuyển giao công nghệ

ITRI cũng nghiên cứu và phát triển các công nghệ chủ chốt phù hợp với các chính sách công nghiệp, như chất bán dẫn, máy công cụ, các hệ thống máy tính, quang điện, các vật liệu mới, các nguồn năng lượng, hàng không, y dược và y học. với kỳ vọng là các công nghệ đó có thể sẽ phát triển lên thành các ngành công nghiệp mới. Quá trình phát triển này không chỉ cho phép Đài Loan một lần nữa lại trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường quốc tế, mà nó còn đưa ITRI trở thành một viện nghiên cứu đáng được trọng vọng trên toàn thế giới5.

Ngoài ngành công nghiệp bán dẫn, ITRI còn triển khai nhiều công nghệ chủ chốt cho các ngành công nghiệp khác, giúp nhiều nhà máy giải quyết các vấn đề của họ cũng như đáp ứng các nhu cầu công nghệ của họ. Chẳng hạn, ngành công nghiệp ôtô được nuôi dưỡng trong nhiều năm ở Đài Loan, song đã không thực hiện được các bước đột phá quan trọng. Cục Công nghiệp đã xác định rằng để giải quyết các trở ngại đó cần phát triển một động cơ chung cho các nhà sản xuất ôtô chính và ban cơ khí của ITRI đã được đặt hàng để thực hiện nhiệm vụ này. Để có thể có được một động cơ duy nhất phù hợp cho rất nhiều loại xe khác nhau ITRI đã phải làm việc với các công ty sản xuất ôtô khác nhau. Từ ví dụ này, ta có thể thấy là các chức năng của ITRI không chỉ là R&D, mà còn cung cấp các cơ hội, và làm trung gian cho một liên doanh R&D giữa các bên cạnh tranh trong cùng một ngành công nghiệp6.

Các liên doanh hợp tác công nghiệp khác gồm có máy tính xách tay, đĩa cứng máy tính, v.v. Các công ty đã hình thành nên các liên minh và sử dụng công nghệ do ITRI phát triển để nâng cao trình độ công nghệ chung trong phạm vi của ngành công nghiệp. Thành công của các liên doanh hợp tác không chỉ được xác định bởi mối quan hệ tốt đẹp giữa các công ty. ITRI không chỉ gánh vác trách nhiệm triển khai công nghệ, mà còn tiếp nhận vai trò của người trung gian hoặc điều phối thay một chính phủ.

Công nghệ tiên tiến và các spin-off

Khi thành công hay thất bại của nghiên cứu còn chưa được rõ, rất khó để chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các công ty thì ITRI đã sử dụng mô hình spin-off để đưa công nghệ mới vào ngành công nghiệp. Điều này được thể hiện rõ nhất ở ngành chế tạo bán dẫn. ITRI đã lập một công ty spin-off nhận chuyển giao công nghệ của mình là UMC.

Thông qua nghiên cứu và tạo lập chung, UMC đã nội tại hóa được chi phí R&D ban đầu và tiếp tục chuyển giao công nghệ mới từ ITRI. ITRI đã cung cấp sự hỗ trợ toàn bộ cho UMC để tối đa hóa giá trị của các kết quả nghiên cứu, trong đó có việc khuyến khích người ta chuyển từ ITRI sang UMC, do vậy đẩy nhanh tốc độ phát triển của công ty này. Hơn nữa, điều này cũng ngăn việc biến ITRI thành một nhà máy sản xuất.

Việc thành lập các công ty spin-off của ITRI đã kết hợp tất cả các nội dung của chuyển giao công nghệ vào trong một tổ chức. Còn có nhiều cách khác theo đó công nghệ có thể được chuyển giao. ITRI đã đưa ra 4 điểm để thiết lập các quy định có tính nền tảng cho các spin-off: (1) nó cần được hoạch định và kiểm tra bởi ITRI; (2) viện phải có những đóng góp công nghệ hữu hình; (3) nó sẽ chuyển những cán bộ chủ chốt từ ITRI sang doanh nghiệp; (4) nó sẽ tạo ra một công ty hoặc một doanh nghiệp độc lập. Các quy định này để đảm bảo là một công ty mới được phát triển sẽ có thể đứng vững trên đỉnh cao công nghệ đồng thời có không gian phù hợp để có thể mở rộng doanh nghiệp. Đây là một cách mà chính phủ có thể thúc đẩy sự phát triển công nghiệp một cách mạnh mẽ bằng các nguồn lực to lớn, và đồng thời làm cho công ty có thể sử dụng được các nguồn lực không do chính phủ sở hữu. Theo cách đó, mặc dù quy mô của các spin-off thường là khá lớn, nó không được chính phủ bảo vệ chống lại sự cạnh tranh thị trường. Đặc biệt, nó hoạt động trong một môi trường cạnh tranh của thị trường quốc tế là cái sẽ đảm bảo rằng tính hiệu quả của doanh nghiệp sẽ không bị sụt giảm chỉ vì là nó nhận được sự hỗ trợ của chính phủ.

Chúng ta có thể tiến thêm một bước nữa tới việc nghiên cứu vì sao ITRI lại hỗ trợ cho việc tạo ra các spin-off. Mục đích của hoạt động R&D của chính phủ là để đưa đổi mới công nghệ vào đất nước và xã hội. Do đó, các kết quả R&D cần được đưa vào để sử dụng và hiện thực hóa đầy đủ giá trị của các kết quả đó vì lợi ích của xã hội. Dựa trên nguyên tắc đó, từ năm 1954 nước Mỹ đã ban hành các đạo luật nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng công nghệ bởi các công ty và cá nhân. Mục đích đối với R&D do ITRI thực hiện là nhằm sử dụng các kết quả nghiên cứu để hỗ trợ cho ngành công nghiệp, như vậy, điều quan trọng là các kết quả phải được chuyển giao. Tuy nhiên, một thực tế là nhiều công nghệ rất khó chuyển giao cho các công ty tư nhân. Ngược lại, mặc dù việc thành lập các spin-off đòi hỏi chính phủ phải dùng một lượng vốn lớn, đây là một cách mà theo đó công nghệ có thể được gieo cấy vào ngành công nghiệp. Do spin-off không mang tư cách là một công ty chính phủ mà tồn tại như một công ty tư nhân cạnh tranh trong một thị trường mở, sự phát triển các spin-off sẽ cho phép ITRI chuyển giao các kết quả một cách thành công cho ngành công nghiệp.

Ruey – Hua Liu
Chú thích:

1. Xem Cục Công nghiệp, Bộ Các vấn đề Kinh tế (2000), “50 năm phát triển công nghiệp ở Đài Loan”, trang 20-21.
2. Hou và San (1993), trang 389.
3. ITRI, “20 năm các cột mốc lớn”, trang 26-27.
4. Các trường hợp mẫu có thể được thấy tại trang web của ITRI và Cục Công nghiệp, Bộ Các vấn đề Kinh tế.
5. “Công nghệ, viện nghiên cứu và chính sách” do Ngân hàng Thế giới công bố (Bài báo kỹ thuật số 383 của Ngân hàng Thế giới) nghiên cứu các viện nghiên cứu lớn trên toàn thế giới, trong đó có ITRI của Đài Loan, đã chấm cho viện điểm cao.
6. Xem “Các nghiên cứu của ITRI: Trường hợp số 7: Đóng góp của ITRI đối với động cơ chung cho khu vực công nghiệp” (1998).