Sau ngày 20/2, một biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo nhân lực điện hạt nhân giữa Viện Năng lượng hạt nhân quốc tế Pháp và Bộ giáo dục & Đào tạo Việt Nam có thể được ký tại Cộng hoà Pháp.


Thông tin trên được ông Yves Fanjas - Giám đốc Viện Năng lượng hạt nhân quốc tế Pháp thông báo chiều ngày 27/1, tại buổi làm việc tại Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử (ICONE).

Theo ông Yves Fanjas, biên bản ghi nhớ này có quy mô đào tạo khá rộng, bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Giám đốc ICONE Hà Mạnh Thư khẳng định hợp tác đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng.
Giám đốc ICONE Hà Mạnh Thư khẳng định hợp tác đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng.

Pháp có kinh nghiệm trong việc đào tạo nhân lực điện hạt nhân, có trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác nghiên cứu, đào tạo cũng như xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Mục đích của chuyến thăm ICONE lần này, ông Yves Fanjas muốn tìm hiểu công tác đào tạo nhân lực điện hạt nhân của Việt Nam, đặc biệt là đào tạo nhân lực điện hạt nhân tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Viện Năng lượng hạt nhân quốc tế Pháp cũng muốn hợp tác với phía Việt Nam để đào tạo giáo viên chuyên ngành điện hạt nhân cho các trường đại học, các trung tâm đào tạo chuyên ngành năng lượng hạt nhân.

Tại buổi làm việc, PGS TS Hà Mạnh Thư – Giám đốc ICONE đã thông báo một số nét cơ bản về công tác chuẩn bị xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận của Việt Nam.

Đạo tạo nhân lực lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung, điện hạt nhân nói riêng, luôn là mối quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành liên quan của Việt Nam.

Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho mục tiêu phát triển năng lượng nguyên tử cũng như điện hạt nhân của Việt Nam.

Đến nay, Trung tâm Đào tạo Hạt nhân thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã hoàn thiện bản Quy chế đào tạo tiến sĩ theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với 4 mã ngành đào tạo tiến sĩ: Vật lý lý thuyết và tính toán, Vật lý nguyên tử, Hóa phân tích và Hóa vô cơ.

Giai đoạn 2011-2015 đã có 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án và được cấp bằng tiến sĩ. Hiện nay, hơn 40 nghiên cứu sinh đang theo học tại Trung tâm. Số tiến sĩ này bổ sung vào đội ngũ nhân viên của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và giảng viên các trường đại học.

Cùng với đó, Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cũng đã giao ba trường đại học tập trung đào tạo chuyên sâu lĩnh vực năng lượng nguyên tử là: Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Đà Lạt.
Các trường đại học khác cũng tổ chức tuyển sinh, đào tạo theo các chuyên ngành đã được phân công theo quy hoạch Đề án 1558 về “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010.

Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam cũng được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai các chương trình đào tạo nhân lực để phục vụ các dự án điện hạt nhân của Việt Nam.

Nhân lực là nhân tố quyết định thành công việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, song tiềm lực và kinh nghiệm trong phát triển điện hạt nhân của Việt Nam còn hạn chế.

Theo PGS.TS Hà Mạnh Thư, việc hợp tác với các quốc gia phát triển điện hạt nhân trên thế giới, trong đó có Pháp, để đào tạo nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng.

Thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với tư cách là chủ đầu tư, đã hợp tác với các nước Nga, Pháp, Nhật Bản để đào tạo nhân lực phục vụ các nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.
Giai đoạn 2006-2009 đã có 31 sinh viên và giai đoạn 2010-2014 có thêm 323 sinh viên được cử đi đào tạo tại Nga.

Cạnh đó, nhóm 15 kỹ sư nòng cốt đã được đào tạo tại Nhật Bản trong giai đoạn 2012-2014. Một nhóm 9 kỹ sư nòng cốt khác cũng đang được Nhật Bản đào tạo từ năm 2014-2016.