Khảo sát của Teradata năm 2017 cho thấy, 80% số doanh nghiệp đã đưa trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) vào vận hành thực tế. Và đến năm 2030, AI sẽ đóng góp 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.

Trước sự tăng trưởng và phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo, liệu Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội để tiến lên hay không?

Điều chỉnh công nghệ AI phù hợp với điều kiện VN

Theo thống kê của Mckinsey - tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực tư vấn chiến lược kinh doanh - thực hiện ở Bắc Mỹ và châu Á, AI đang là công nghệ nhận được nhiều đầu tư trên thế giới với 39 tỷ USD năm 2016. Phần lớn khoản đầu tư vào AI là ở nghiên cứu và phát triển nội bộ của các công ty lớn, sau đó là mua bán sáp nhập, đầu tư theo kênh đầu tư mạo hiểm và các nguồn đầu tư khác.

Ông Lê Hồng Việt - Giám đốc công nghệ Công ty cổ phần FPT - nhận định rằng, AI đang tạo ra ảnh hưởng vô cùng to lớn. “Đến năm 2030, AI sẽ đóng góp 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Bắt đầu từ năm 2020, GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ so với thời kì trước, trong đó 50% sự tăng trưởng sẽ đến từ ảnh hưởng trí tuệ nhân tạo, được tạo ra do máy có khả năng thay thế con người tương đối tốt, trước mắt là ở một số việc đơn giản”.

Trong bối cảnh đó, ông Việt cho rằng với tiềm lực tài chính không đủ mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần phân tích, xem xét kỹ bài toán về AI ở đây là gì và Việt Nam thực sự cần gì, bởi “nếu không cẩn thận, cái chúng ta định làm về AI thì Google, Facebook, Microsoft đã làm rồi. Vậy các nhà khoa học Việt Nam có thể làm gì để giúp các doanh nghiệp bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” – PGS-TS Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ thông tin Đại học Hà Nội nói.

PGS Hoài dẫn ví dụ: Cách đây khoảng 5-6 tháng, chủ một doanh nghiệp thủy sản rất lớn (xuất khẩu thủy sản của cả nước năm 2017 đạt 10 tỷ USD, riêng doanh nghiệp này chiếm 1 tỷ USD) có đến gặp và đặt vấn đề muốn ‘bắt tay’ với chúng tôi, bởi họ nhận thức rất rõ rằng sắp tới nếu doanh nghiệp của họ không ứng dụng IoT, AI thì doanh nghiệp sẽ ‘chết’. Nghe xong tôi cũng hơi giật mình, nhưng khi khảo sát thực tế thì thấy điều họ quan ngại là hoàn toàn chính xác. Doanh nghiệp mong muốn làm thế nào có thể áp dụng được hệ thống nhận dạng tự động, để có thể xử lý chính xác từng con tôm, giúp tăng hiệu quả kinh tế, và trong 3 năm tới doanh số xuất khẩu của công ty có thể đạt 3 tỷ USD nhưng không được tăng người.

“Kể câu chuyện để thấy rằng, khao khát được sử dụng công nghệ của doanh nghiệp là rất lớn, mà không chỉ có các doanh nghiệp, tất cả những hộ nông dân bình thường tôi từng có tiếp xúc thì nhu cầu đó cũng rất cao” – PGS Hoài nói.

Trải nghiệm thực tế ảo khi chạm vào robot tại. techshow AI4Life. Ảnh: Loan Lê

Theo PGS Nguyễn Xuân Hoài, các nhà khoa học không nhất thiết phải tìm tòi đưa ra những kết quả nghiên cứu mà có thể chuyển giao các công nghệ tiên tiến của thế giới sao cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, bởi theo ông, nếu chúng ta mang các công nghệ AI rất thông minh của các công ty lớn trên thế giới về áp dụng trực tiếp tại các doanh nghiệp Việt Nam chưa chắc có thể dùng ngay được. “Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp, phần mềm nhận dạng hạt gạo có thể hoạt động rất tốt ở Nhật Bản nhưng về Việt Nam không dùng được vì trong nông nghiệp tính phi tiêu chuẩn là rất cao. Chẳng hạn hạt gạo của Nhật tròn, hạt gạo của Việt Nam thì dài. Chính vì thế rất cần chuyển giao công nghệ AI sao cho phù hợp với đặc thù của Việt Nam” – PGS Hoài phân tích.

Đồng tình với ý kiến của PGS Hoài, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cũng chia sẻ câu chuyện thực tế của Hàn Quốc: Những năm 1960, Hàn Quốc bắt đầu thành lập các viện nghiên cứu. Khi đó các doanh nghiệp của Hàn Quốc không có điều kiện lập các trung tâm nghiên cứu phát triển, do đó tất cả các viện nghiên cứu của Hàn Quốc chỉ tập trung vào việc giúp các doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ, tức là hấp thụ công nghệ của nước ngoài, biến các patent thành công nghệ sản xuất. 20 năm sau, những năm 1980, khi các doanh nghiệp đủ năng lực, tức là cứ đưa công nghệ vào sẽ biến thành sản phẩm, lúc đó các trường đại học, viện nghiên cứu mới xoay sang hướng nghiên cứu.

“Trong bối cảnh hiện nay, có thể thấy năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Vậy làm thế nào, trong khuôn khổ trí tuệ nhân tạo chúng ta có thể đưa ra các giải pháp thúc đẩy, đưa các nhà khoa học đến gần hơn với doanh nghiệp? Nên chăng, các nhà khoa học khi kết hợp với các doanh nghiệp không chỉ là nghiên cứu đỉnh cao, những lý thuyết mà là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thu công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ” - Thứ trường Bùi Thế Duy bày tỏ.

Xây dựng platform kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp

Nhu cầu của doanh nghiệp và người dân là có, công nghệ có, vậy bài toán đặt ra là làm sao để các nhà khoa học kết nối được với doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ đó như thế nào. “Tại sao khoa học và công nghệ khó đi vào cuộc sống vì khoa học phức tạp. Vậy có cách nào làm cho khoa học đơn giản hơn, người dân và doanh nghiệp dễ áp dụng hơn” - ông Lê Hồng Việt đặt câu hỏi.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Hồng Việt cho biết, hiện FPT đang xây dựng platform FPT.AI với mong muốn “FPT. AI sẽ trở thành cầu nối giữa các bên, nơi nhà khoa học sẽ trao đổi với platform, platform sẽ trao đổi với bên dịch vụ, bên dịch vụ sẽ trao đổi với bên ứng dụng. Khi đó các bên sẽ tận dụng được thế mạnh của mình”.

Còn với VNPT, theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Hoàng – Giám đốc Trung tâm IoT VNPT Technology, VNPT định hướng xây dựng một IoT platform, ứng dụng số hóa kết nối mọi vật. Trên cơ sở đó các bên có thể sử dụng cơ sở dữ liệu đã được chuẩn hóa. “VNPT rất mong các nhà khoa học cùng hỗ trợ đưa ra được những sản phẩm cuối cùng đến các cá nhân, các doanh nghiệp” - ông Hoàng bày tỏ.

Tuy nhiên, việc chia sẻ dữ liệu trên nền tảng chung (platform) luôn là bài toán khó, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên. Tín hiệu vui là mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” gồm 16 thành viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban và 3 Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong.

“Điều này tạo nên một nền tảng để tất cả các bộ, ngành, địa phương, viện, trường, doanh nghiệp... cùng chia sẻ dữ liệu, xây dựng nền tảng tri thức, đem lại sự phát triển cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, đồng thời cũng là một cách tập hợp nguồn dữ liệu hiệu quả trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0” - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.