Thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều hoạt động nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, bao gồm cả Điễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 vừa được tổ chức tại Hà Nội (2 – 3/5/2019). Tuy nhiên, còn một trở ngại lớn khác liên quan đến quy chế và tư cách “nền kinh tế thị trường” mà chúng ta không thể xem nhẹ.

Những tiêu chí của nền kinh tế thị trường

Phán quyết mới nhất của WTO hôm 18/04 có thể sẽ khiến Trung Quốc gặp nhiều bất lợi trong tranh chấp thương mại với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo kết luận, Bắc Kinh đã không tự hội đủ điều kiện để trở thành “nền kinh tế thị trường” (market economy) vào năm 2016 như khẳng định của nước này sau khi chính thức gia nhập định chế thương mại lớn nhất hành tinh từ năm 2001. Đây thực sự là một đòn giáng mạnh vào vị thế đang lên lẫn tham vọng của một siêu cường mới nổi, đồng thời mang ý nghĩa quan trọng giúp Mỹ và EU có cơ sở tăng cường phạm vi áp thuế lên các sản phẩm – được cho là đang được bán với giá quá rẻ (phá giá) – có xuất xứ Trung Quốc, hoặc từ các quốc gia nơi giá cả trong nước bị biến dạng đáng kể dưới sự can thiệp của nhà nước, trong những tranh chấp cụ thể.

Mặc dù đang là quán quân thế giới về giá trị xuất khẩu, nhưng Trung Quốc vẫn bị xem là chưa có nền kinh tế thị trường thực thụ. Ảnh: SCMP.
Mặc dù đang là quán quân thế giới về giá trị xuất khẩu, nhưng Trung Quốc vẫn bị xem là chưa có nền kinh tế thị trường thực thụ. Ảnh: SCMP.

Trong cuốn Comparing Economic Systems in the Twenty-First Century (so sánh các hệ thống kinh tế trong thế kỷ 21), George Hoffman định nghĩa kinh tế thị trường là một hệ thống mà trong đó, các quyết định liên quan đến đầu tư, sản xuất và phân phối sẽ được dẫn dắt bởi những dấu hiệu về giá do quy luật cung – cầu quyết định. Như luật của Mỹ quy định, nước này sẽ chỉ xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường hay không dựa trên 6 tiêu chí: 1) Khả năng chuyển đổi của đồng nội tệ sang các đồng tiền khác; 2) Mức độ tự do thỏa thuận tiền lương giữa nhà quản lý và người lao động ở quốc gia đó; 3) Mức độ mà hoạt động liên doanh hoặc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài được cho phép trên lãnh thổ nước sở tại; 4) Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của Chính phủ đối với tư liệu sản xuất; 5) Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định về giá cả, sản lượng của các doanh nghiệp; 6) Các yếu tố khác mà cơ quan tiến hành điều tra thấy cần thiết.

Trong khi đó, những nền kinh tế bị Mỹ xếp vào loại phi thị trường (non-market) thường sẽ là “quốc gia không vận hành theo các nguyên tắc cơ bản [của thị trường] về cơ cấu chi phí và giá cả, do đó việc mua bán không phản ánh đúng giá trị thật của hàng hóa.” Xét trên khía cạnh này, Trung Quốc mặc dù đã có GDP lớn thứ hai thế giới và sở hữu nhiều doanh nghiệp với doanh thu lên đến cả trăm tỷ USD, nhưng vẫn bị xem là thất bại trong cam kết chuyển đổi hoàn toàn sang nền kinh tế thị trường, chủ yếu bởi sự can dự và chi phối quá lớn của nhà nước; hay ngay cả đối với khu vực tư nhân Trung Quốc vốn được đánh giá là vô cùng năng động, những cáo buộc gần đây của phương Tây liên quan đến Huawei, ZTE và nhiều công ty khác đã cho thấy, nền kinh tế của nước này hãy còn rất thiếu minh bạch. Còn mô hình Việt Nam, ở một chừng mực nào đó, lại chính là một bản sao nhỏ nhưng khiếm khuyết hơn của Trung Quốc. Hiện tại, mặc dù chưa phải là đối tượng bị Mỹ hay EU nhắm tới, song chúng ta cần thiết phải rút kinh nghiệm để tránh đi vào vết xe tương tự.

Theo thỏa thuận kết nạp WTO (2007), đến hết năm 2018, tổ chức này sẽ xem xét liệu Việt Nam có hội đủ điều kiện của một nền kinh tế thị trường thực thụ, hay vẫn bị xếp vào loại phi thị trường. Vì mục tiêu mở rộng thương mại và tăng trưởng kinh tế, việc đạt được quy chế trên (bao gồm sự công nhận của tất cả các thành viên, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU) luôn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, nhằm thụ hưởng cách tính toán biên độ phá giá, tỷ lệ trợ cấp, … theo chuẩn WTO, và để tạo thuận lợi trong giải quyết các tranh chấp nếu có (thực tế cho thấy, những nước chưa có quy chế thị trường theo quy định của WTO thường rất dễ bị áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực), nhất là trong bối cảnh thế giới đầy biến động do chiến tranh thương mại leo thang và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ. Thời gian tới, chắc chắn chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp mang nội dung phân biệt đối xử, như áp thuế chống bán phá giá lên hàng hóa nhập khẩu.

Những vấn đề còn lại của Việt Nam

Hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã thường xuyên vận động các thành viên WTO công nhận nền kinh tế thị trường của mình – hiện đã có tổng cộng 69 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng đáng tiếc, hai đối tác lớn và quan trọng bậc nhất là Mỹ và EU thì vẫn chưa chịu thông qua, như lý do mà EU đưa ra là Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 1 trong số 5 tiêu chí của kinh tế thị trường, ở đây là mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong việc phân bổ nguồn lực và quyết định của doanh nghiệp, còn lại 4 tiêu chí khác bao gồm: 1) Không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp; 2) Quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán; 3) Sự tồn tại và thực thi một chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp; 4) Minh bạch trong lĩnh vực tài chính … thì vẫn bị đánh giá là chưa đạt.

Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở (tính theo quy mô ngoại thương/GDP) rất lớn, thuộc loại nhất thế giới và chỉ xếp sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á (đến hết năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã vượt ngưỡng 400 tỷ USD, bằng 200% GDP). Ngoài ra, chúng ta cũng đã rất tích cực và sốt sắng hội nhập khi tham gia sâu vào các sân chơi, diễn đàn lớn toàn cầu, như hoàn tất 12 thỏa thuận FTA và còn đang thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP (đã được ký, đang đợi quốc hội của cả 11 thành viên thông qua), EVFTA (dự kiến được Nghị viện EU thông qua trong hè 2019), …

Việt Nam từng nhiều lần bị Mỹ và EU kiện chống bán phá giá đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, dệt may... Ảnh: TTXVN.
Việt Nam từng nhiều lần bị Mỹ và EU kiện chống bán phá giá đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, dệt may... Ảnh: TTXVN.

Trong số này, Mỹ và EU chính là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, mang lại thặng dư thương mại lớn, giúp cán cân thanh toán của đất nước trở nên lành mạnh hơn nhiều so với mức thâm hụt trung bình lên tới gần 30 tỷ USD mỗi năm trong quan hệ buôn bán với Trung Quốc. Vì thế, nếu không được Mỹ và EU công nhận quy chế kinh tế thị trường và vướng vào các tranh chấp thương mại với họ, nguy cơ chúng ta chịu tổn thương nặng là vô cùng hiện hữu. Trong quá khứ, Việt Nam đã phải rất vất vả để vượt qua những vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, … hay mới đây là thép, từ Mỹ và EU, thì không gì có thể đảm bảo mọi chuyện sẽ lại suôn sẻ một khi CPTPP và EVFTA với các tiêu chuẩn khắt khe nhất có hiệu lực.

Rất nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về thời điểm WTO xem xét quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam đang rất gần kề, trong khi những trở ngại tới từ Mỹ và EU thì vẫn chưa thể vượt qua. Như để được Mỹ công nhận, chúng ta cần thiết phải chứng minh được nền kinh tế của mình mang tính cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng, không hề ưu đãi hay thiên vị bất cứ thành phần nào trong nền kinh tế. Năm 2011, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, bà Corien Wortmann Kool – Phó chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị viện EU – từng phát biểu, việc EU công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, sớm hay muộn đều tùy thuộc vào những cải cách của Việt Nam. Thế nhưng, cách hiểu và cách làm của chúng ta, ở một chừng mực nào đó, dường như vẫn đang đi ngược lại xu hướng của các quốc gia thị trường đích thực, thể hiện qua sự chậm trễ trong lộ trình thoái vốn, cổ phần hóa hết khối quốc doanh (đa phần làm ăn thua lỗ, bết bát), bên cạnh sự chần chừ, vẫn còn muốn ôm giữ rất nhiều lĩnh vực mà nhẽ ra nếu chuyển giao cho dân sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn (chẳng hạn viễn thông, dầu khí, điện, năng lượng, quốc phòng, vv.), thể hiện qua động thái thành lập siêu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để gom tất cả về cùng một mối, …

Không thể phủ nhận sự quyết liệt và những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thời gian qua, tuy nhiên hiệu quả hãy còn quá thấp, một phần cũng bởi tính chưa rõ ràng (hay mập mờ) trong khâu hoạch định chính sách lẫn hệ thống pháp lý lỏng lẻo … Vì thế, thay vì chỉ tìm cách vận động các đối tác công nhận mình là nền kinh tế thị trường, có lẽ Việt Nam nên nỗ lực hơn trong việc thực hiện cải cách nền kinh tế theo hướng tư nhân hóa, tự do hóa, hoàn thiện thể chế, đảm bảo công bằng, bình đẳng và bám sát các nguyên tắc cốt lõi của cơ chế thị trường. Sau cùng, việc ký kết và gia nhập nhiều hiệp định FTA rõ ràng là một cơ hội lớn, song để thực sự phát huy hiệu quả, chúng ta không thể không đẩy mạnh cải cách từ chính trong nội tại, tức phải thay đổi về chất, có vậy mới mong tháo gỡ vòng kim cô mang tên “phi thị trường”.