Văn hóa đọc đang mở đường cho những hoạt động giáo dục STEM sôi nổi và thực chất ở nhiều trường làng của tỉnh Nam Định.

Năm 2015, nhân kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, Bộ KH&CN đã bảo trợ việc tổ chức Ngày hội STEM cấp quốc gia lần thứ nhất tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Tham gia sự kiện này có gần 2.500 học sinh và các thầy cô giáo, trong đó có một số khách mời đặc biệt từ huyện Nam Trực (Nam Định).

Ngày hội STEM lần đầu đã “gây sốc” cho các giáo viên và học sinh đến từ nông thôn. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đưa giáo dục STEM tới được các vùng nông thôn, làm thế nào để học sinh trường làng có thể tiếp cận với lập trình robot, lấy đâu ra tiền để mua những con robot đắt tiền và làm thế nào để có thể đào tạo giáo viên... Hàng trăm câu hỏi không có lời giải đáp - tại thời điểm đó, khái niệm về giáo dục STEM còn khá xa lạ với gần như toàn bộ xã hội và ngành giáo dục, mới chỉ có một số công ty tư nhân nhập các chương trình và các công nghệ dạy STEM bằng robot của nước ngoài về triển khai ở Hà Nội và TPHCM với học phí quá cao so với thu nhập ở nông thôn.

SỰ SONG HÀNH CỦA VĂN HÓA ĐỌC

Cách đây hơn một tuần, trường tiểu học Nam Tiến huyện Nam Trực (Nam Định) đã tổ chức Hội Xuân 2019 với nội dung phong phú của các câu lạc bộ trong trường. Ngoài các hoạt động giới thiệu sách, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm tranh, các khách mời và phụ huynh học sinh thực sự bị cuốn hút vào hoạt động của sàn thi đấu lập trình robot và các gian trưng bày của câu lạc bộ STEM. Đây là trường làng đầu tiên tự tổ chức một ngày hội STEM “mini” (trong khuôn khổ Hội Xuân), sau khi Ngày hội STEM cấp huyện được huyện Nam Trực tổ chức lần đầu vào tháng 6/2018. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Nam Trực cho biết, nhiều trường của huyện cũng đã có kế hoạch tổ chức các ngày hội STEM và cuộc thi robot ở cấp trường trong năm 2019.

Thư viện ngoài trời ở trường tiểu học Nam Tiến. Ảnh: Đỗ Hoàng Sơn
Thư viện ngoài trời ở trường tiểu học Nam Tiến. Ảnh: Đỗ Hoàng Sơn

Mong muốn của Ban tổ chức Ngày hội STEM cấp quốc gia 2015 đã bước đầu thành hiện thực - Ngày hội STEM đã về tới cấp huyện và bây giờ tới cấp trường, tạo cơ hội cho học sinh nông thôn được tiếp cận với giáo dục STEM.

Sàn thi đấu robot của trường tiểu học Nam Tiến tại Hội Xuân hôm 16/2/2019. Sàn được làm bằng bìa vỏ hộp rồi quét sơn đen để cảm biến hồng ngoại của robot không bị nhiễu khi dò đường. Trên màn hình máy tính là phần mềm KÉO - THẢ SCRATCH của MIT. Ảnh: Đỗ Hoàng Sơn
Sàn thi đấu robot của trường tiểu học Nam Tiến tại Hội Xuân hôm 16/2/2019. Sàn được làm bằng bìa vỏ hộp rồi quét sơn đen để cảm biến hồng ngoại của robot không bị nhiễu khi dò đường. Trên màn hình máy tính là phần mềm KÉO - THẢ SCRATCH của MIT. Ảnh: Đỗ Hoàng Sơn

Vì sao huyện Nam Trực lại làm được như vậy? Để trả lời câu hỏi này, cần quay ngược lại thời điểm cách đây vài năm.

Ngày 29/4/2016, UBND tỉnh Nam Định khai mạc Ngày hội Sách tỉnh Nam Định lần thứ nhất với sự tham dự của đông đảo học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh và các cựu học sinh về quê trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Tại đây, lãnh đạo tỉnh Nam Định tổng kết và thông báo, các cựu học sinh của các huyện Nam Trực, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ đã bảo nhau góp tiền mua gần 2 nghìn tủ sách tặng cho từng lớp học theo Chương trình Sách hóa Nông thôn Nam Định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạch Ngọc Chiến đã thay mặt lãnh đạo tỉnh chính thức phát động việc xây dựng Tủ sách lớp học trên quy mô toàn tỉnh với hơn 12 nghìn lớp học. Các ban - ngành - đoàn thể, Hội Khuyến học cùng các cựu học sinh và các nhà hảo tâm được kêu gọi chung tay giúp ngành giáo dục của tỉnh xoá tình trạng thiếu nghiêm trọng sách đọc thêm ngoài SGK. Đến nay, mục tiêu này cơ bản đã gần hoàn thành ở nhiều huyện, xã.

Cũng trong dịp Ngày hội Sách 2016, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã mời nhóm của TS Dương Tuấn Hưng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) trình bày bài giảng đại chúng về giáo dục STEM và phương pháp nghiên cứu khoa học cho gần 200 học sinh và giáo viên trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong ở TP Nam Định.

Vài tháng sau đó, vào dịp hè 2016, một số giáo viên của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong lại được Hội đồng Anh và Quỹ Newton phối hợp với Bộ GD&ĐT đào tạo về giáo dục STEM.

Tiếp theo, được sự giúp đỡ của Liên minh STEM và ĐH Việt-Pháp, vào dịp 26/3/2017, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong đã tự tổ chức Ngày hội STEM Gia đình lần thứ nhất với quy mô 1.600 học sinh và hàng trăm phụ huynh học sinh cùng cựu học sinh. Tại đây, người tham gia được trải nghiệm nhiều dự án STEM, được lập trình robot, làm quen với máy in 3D, bắn tên lửa nước, xem các dự án nông nghiệp sạch, các dự án tối ưu hóa tủ sách.

Trong khi đó, tại huyện Nam Trực, nơi có truyền thống hiếu học và học giỏi, Phòng GD&ĐT của huyện cũng đã đồng hành cùng các cựu học sinh làm khuyến đọc, xây dựng tủ sách cho các lớp học từ năm học 2014- 2015.

Năm 2017, sau nhiều đợt tập huấn phổ cập giáo dục STEM cho các hiệu trưởng, hiệu phó, Phòng GD&ĐT huyện Nam Trực đã mời nhóm TS Đặng Văn Sơn và Ths Hoàng Vân Đông tập huấn phổ cập giáo dục STEM cho gần 500 lượt giáo viên và tiếp đó là 2 đợt tập huấn nâng cao.

Đến cuối năm học 2017-2018, huyện Nam Trực đã tự tổ chức được Ngày hội STEM lần thứ nhất với tên gọi «ĐÁNH THỨC TRÍ TUỆ LÀNG THỜI 4.0» với sự tham gia của tất cả 51 trường học trong huyện theo 3 trụ cột (Giáo dục STEM theo các chủ đề của SGK; Giáo dục STEM theo cách tiếp cận dùng vật liệu tái chế; Giáo dục STEM dùng robot), trong đó Cuộc thi lập trình Robot của huyện lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia 16 trường làng. Điều làm cho các khách mời bất ngờ không chỉ là ở chỗ huyện Nam Trực đã có câu lạc bộ STEM ở tất cả các trường tiểu học và THCS, mà còn bởi toàn huyện đã có khoảng 80 thầy cô giáo có thể tự tin hướng dẫn học sinh lập trình robot, một việc tưởng như bất khả thi ở trong điều kiện trường làng.

STEM LÀNG TRUYỀN CẢM HỨNG CHO STEM THÀNH PHỐ

Cách đây chưa lâu, nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2018, VTV1 đưa tin đã có 22 trường làng ở huyện Nam Trực tham gia cuộc thi lập trình robot lần thứ 2 do Phòng GD&ĐT tự tổ chức. Sự kiện này chứng tỏ các học sinh và giáo viên thực sự thấy ham thích những nội dung lập trình robot và họ đã liên tục cố gắng học hỏi để triển khai các câu lạc bộ trong điều kiện đây không phải là nhiệm vụ chính và cũng chưa được cấp ngân sách.

Những kinh nghiệm phát triển giáo dục STEM ở Nam Trực bắt đầu được chia sẻ cho các địa phương khác tham khảo thông qua báo chí và truyền hình. Đầu tháng 12/2018, ban tổ chức Ngày hội Toán học Mở 2018 TPHCM đã mời thầy trò huyện Nam Trực mang sàn thi đấu robot của mình dự Ngày hội để tạo động lực và thách thức cho học sinh TPHCM, với hàm ý rằng, học sinh trường làng làm được thì học sinh thành phố tại sao không?

Bài học ở đây là văn hóa đọc cùng tủ sách lớp học được quan tâm làm tốt trên quy mô cả tỉnh đã mở rộng đường cho giáo dục STEM tới các huyện. Văn hóa đọc sẽ nuôi dưỡng niềm đam mê hiểu biết – một nền tảng tốt để học sinh tiếp nhận bất kỳ điều gì mới mẻ, dù đó là giáo dục STEM, kỹ năng sống hay nghệ thuật.

Qua hình ảnh những học sinh Nam Trực tự tin, thành thạo dùng phần mềm SCRATCH của Mỹ để lập trình tại Ngày hội Toán học Mở hay trong Hội Xuân, người ta như nhìn thấy hình ảnh những ngôi trường làng nhỏ bé, khiêm tốn đang nỗ lực hội nhập một cách thực chất và vì vậy sẽ có tương lai phát triển.

Đầu tháng 5/2017, sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định đã quyết định tiến hành tập huấn phổ cập giáo dục STEM cho tất cả các hiệu trưởng; các lãnh đạo, cán bộ Phòng GD&ĐT; và giáo viên của các trường THCS chất lượng cao ở mỗi huyện (tổng cộng hơn 1.000 người) bằng kinh phí xã hội hoá, chủ yếu do các cựu học sinh đóng góp trong khi nhà nước chưa có ngân sách cho việc này.

Để khích lệ các trường THCS trọng điểm ở mỗi huyện thúc đẩy giáo dục STEM, một nhóm các nhà hảo tâm quyên góp được 100 triệu đồng để mua 60 con robot và tặng mỗi trường trọng điểm 6 con để dạy học sinh lập trình tại các CLB STEM của trường.