Với việc đầu tư bài bản vào nghiên cứu và phát triển vaccine, đặc biệt là thiết lập VacCuba Network – một khung giám sát và đánh giá tác động của các chủng ngừa, Cuba đã có thể cho ra đời nhiều loại vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế như vaccine ho gà, ung thư phổi, khuẩn cầu phổi… để chăm sóc sức khỏe người dân trong điều kiện bị cấm vận.

Một nhà nghiên cứu của Cuba vui mừng trước việc sản xuất thành công một loại  vaccine mới.
Một nhà nghiên cứu của Cuba vui mừng trước việc sản xuất thành công một loại vaccine mới.

Liên tiếp một vài năm gần đây, Cuba làm thế giới bất ngờ khi tuyên bố có thể sản xuất ra vaccine có khả năng điều trị một số bệnh tật phổ biến trước nhiều quốc gia hàng đầu thế giới về vaccine, ví dụ sau CimaVax - vaccine ung thư phổi, vào năm 2017, thì tới đây vaccine khuẩn cầu phổi “sẽ sớm ra mắt sau một quá trình dài phát triển từ những nghiên cứu cơ bản từ năm 2006.

Darielys Santana Mederos, nhà hóa sinh tham gia thực hiện dự án về vaccine khuẩn cầu phổi với Viện nghiên cứu Finlay, một trung tâm về nghiên cứu và sản xuất vaccine ở New York (Mỹ), nói với Granma bên lề Pediatría 2018, một hội thảo về các bệnh tật trên trẻ em của Cuba: “Sau những loại vaccine có khả năng phòng ngừa các bệnh viêm màng não cầu khuẩn và các bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp b (Hib), vaccine khuẩn cầu phổi sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ em Cuba bởi đây là thể sinh bệnh cơ bản gây ra viêm phổi và viêm màng não.

Dẫu cho hiện tại đã có hai loại vaccine thương mại cho chính loại bệnh này đã được lưu hành trên thế giới nhưng điểm trừ của chúng là giá thành quá đắt đỏ với người Cuba. Theo chứng minh về mặt khoa học thì mỗi đứa trẻ phải được miễn dịch với ít nhất ba liều trong khi mỗi liều với giá cả của các công ty sản xuất vaccine và sinh phẩm thì tới 50 USD. Như vậy Cuba sẽ phải mất một khoản tiền quá lớn, nếu tính đến chuyện đi mua.

Do vậy, Cuba đã hợp tác với Viện nghiên cứu Finlay để thực hiện một dự án nghiên cứu chung và thử nghiệm kết quả đó trên 5.000 trẻ em Cuba. Kết quả cho thấy, sản phẩm này an toàn và không có những ảnh hưởng tiêu cực nào, ngoại trừ một số biểu hiện mà người ta vẫn thấy ở những người được chủng ngừa vaccine: đỏ ở tay và sốt nhẹ.

Việc có được một loại vaccine hoàn chỉnh, không chỉ cần trải qua các thử nghiệm lâm sàng mà còn phải cần có năng lực sản xuất để cuối cùng chắc chắn là số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ em Cuba từ 1 đến 5 tuổi. Với cái tên đã được đăng ký độc quyền là Quimi-Vio, loại vaccine 7 trong 1 này sẽ được cung cấp cho các địa phương của Cuba vào cuối năm nay.

***

Để có được thành công này, Cuba đã phải lập chiến lược dài hạn để giúp các nhà khoa học có thể an tâm theo đuổi việc nghiên cứu và phát triển vaccine từ các loại vaccine ứng viên từ đơn đặt hàng của chính phủ. Tất cả các nghiên cứu về vaccine đều không được các viện nghiên cứu thực hiện một cách tự phát và đơn lẻ mà đều có hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế công cộng, Chương trình chăm sóc Bà mẹ và trẻ sơ sinh, Chương trình Miễn dịch học cũng như những chương trình liên quan khác. Đồng thời, một cơ quan cấp quốc gia có trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình này, đó là Trung tâm Kiểm soát dược, thiết bị y tế quốc gia (CECMED).

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học Cuba thực hiện nhiều cách tiếp cận khác nhau, hoặc tự tìm tòi, làm ra một loại vaccine mới chưa ai biết tới như CimaVax, hoặc tiếp nhận và làm chủ công nghệ từ quốc tế. Với cả hai cách làm này, họ đều tiến hành với sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế, tùy theo từng mức độ hợp tác mà họ mong muốn. Viện Nghiên cứu Finlay và Viện Nghiên cứu ung thư Roswell Park của Mỹ là những đối tác như vậy.

Mối hợp tác cũng diễn ra hết sức linh hoạt, ví dụ ngoài việc thực hiện các dự án nghiên cứu chung, họ có thể tổ chức các hội thảo quốc tế, không chỉ có sự tham gia của các nhà khoa học hai bên mà còn là các nhà khoa học từ nhiều quốc gia khác. Ví dụ, hội thảo thường niên Pediatría bàn về nghiên cứu và phát triển các loại vaccine cho trẻ em Cuba, VaccinePharma – nơi gặp gỡ giữa các nhà miễn dịch học và công ty sản xuất vaccine… Họ không chỉ bàn về chuyện vaccine mà còn mở rộng ra những triển vọng hợp tác mới.

Isabel Pilar Luis González, nhà dịch tễ học của Ban nghiên cứu và giám sát lâm sàng, Viện Finlay, cho rằng việc tham gia hội thảo như vậy rất hữu ích bởi viện đang phát triển nhiều loại vaccine ứng viên ngăn ngừa một số bệnh dịch truyền nhiễm.

Chính sách khuyến khích hợp tác của Cuba đã đem lại cơ hội cho Viện Finlay những cơ hội gắn kết trong nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng với Bộ Y tế công cộng cùng các chương trình y tế quốc gia, các bệnh viện cùng hàng loại phòng thí nghiệm quốc gia trong nhiều viện nghiên cứu và nhất là trường Đại học Havana.

Trong trường hợp cùng phát triển Quimi-Vio, các nhà nghiên cứu Mỹ và Cuba đã được tập hợp trong một mạng lưới hợp tác mang tên VacCuba Network, một sáng kiến của Cuba lập ra để tạo khung giám sát và đánh giá tác động của các chủng ngừa vaccine.

Dưới góc nhìn của Isabel Pilar Luis González, mạng lưới này quy tụ những viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm để họ có thể cung cấp những kinh nghiệm về nghiên cứu dịch tễ học, giám sát thử nghiệm lâm sàng và tác động xã hội cũng như các nghiên cứu khác để tìm hiểu những tác động về kinh tế khi sản xuất được vaccine… Không chỉ có đánh giá về mặt khoa học mà mạng lưới này còn có thể đem đến những bằng chứng thuyết phục với chính phủ để các nhà hoạch định chính sách thấy rõ những tác động về xã hội, kinh tế… lâu dài để họ có thể đi đến quyết định phát triển sản phẩm.

Thông qua sự tham gia của các nhà nghiên cứu của Mỹ và châu Âu – trường hợp của CimaVax, vaccine do Cuba nghiên cứu và phát triển, có nhiều cơ hội vượt ra ngoài biên giới quốc gia và hứa hẹn trở thành những sản phẩm được đón đợi ở nhiều nước. Người ta dự báo, vaccine có thể sẽ là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Cuba trong tương lai, khi các cơ quan giám sát dược ở những quốc gia phát triển thống nhất thông qua.

Mặt khác, việc mở rộng hợp tác trong nghiên cứu vaccine cũng có lợi cho khoa học thế giới. Isabel Pilar Luis González, cũng thừa nhận điều đó: “Nhờ được tham gia VacCuba Network, ngày nay chúng ta có những bằng chứng khoa học một cách chi tiết về sự hiện diện của vi khuẩn phế cầu khuẩn ở Cuba và có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về nó. Loại vi khuẩn này có những kiểu gene khác biệt so với nhiều loại ở các quốc gia khác, điều đó sẽ giúp chúng tôi phát triển những loại vaccine thế hệ mới”.

Nguồn: http://en.granma.cu/cuba/2018-02-07/why-is-cuba-developing-a-new-pneumococcal-vaccine