Cùng với tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, robot và Internet vạn vật, các quốc gia đang khẩn trương thúc đẩy ứng dụng blockchain, công nghệ được kỳ vọng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế số. Trong cuộc chạy đua này, Việt Nam đang đứng ở đâu?

Không ai muốn tụt hậu

Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nhiều chuyên gia1 dự đoán tới năm 2025 có tới 10% GDP toàn cầu sẽ được tích trữ bằng công nghệ blockchain. Cũng vào năm đó sẽ có những chính phủ thu thuế thông qua công nghệ này.

Hiện một số quốc gia đã có chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain. Chính phủ Trung Quốc nhận định đây là công nghệ quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và của Trung Quốc, vì vậy trong những năm gần đây quốc gia này đã xây dựng trung tâm nghiên cứu về blockchain với đầu tư ban đầu là 16 tỷ USDF tại thành phố Hàng Châu. Hay với nước Nga, Tổng thống Putin từng nói, thời kỳ đồ đá kết thúc không phải vì thiếu đá mà là do sự thay đổi về công nghệ và nếu đi sau về công nghệ thì sẽ phụ thuộc vào nước dẫn đầu, chính vì thế Nga không muốn mình là một nước tụt hậu trong cuộc đua thống trị blockchain.

Ở châu Âu, Estonia là nước đầu tiên trên thế giới ứng dụng blockchain trong lĩnh vực bầu cử và quản lý hồ sơ bệnh án. Hà Lan cũng thực hiện ứng dụng blockchain trong quản lý đất đai. Thụy Sĩ - trung tâm tài chính toàn cầu, với tham vọng trở thành một trung tâm blockchain toàn cầu đã đưa ra những chính sách thông thoáng và những quy định cụ thể về áp dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính.

Nguồn: Coinstocks.com

Còn ở Dubai, Các Tiểu vương quốc ARập Thống nhất – nơi được mệnh danh là thành phố của tương lai với những nghiên cứu để đưa các công nghệ mới như robot, taxi bay, robot cảnh sát… vào cuộc sống, thậm chí mới đây chính phủ còn thành lập Bộ Trí tuệ nhân tạo – trong cuộc chạy đua ứng dụng công nghệ blockchain họ cũng kỳ vọng sẽ có chính quyền blockchain đầu tiên trên thế giới vào năm 2020.

Các nhà quản lý Việt Nam liệu đã sẵn sàng?

Theo khảo sát của Công ty Infinity Blockchain Lab (IBL)2 tại Việt Nam, công nghệ blockchain ngoài ứng dụng trong lĩnh vực tài chính với tỷ lệ lớn (83,3%), còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: chuỗi cung ứng (40%), dịch vụ cộng đồng (30%), giáo dục (23,3%), nông nghiệp (16,7%)… IBL cho rằng blockchain ở Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn do sự hạn chế của hệ sinh thái, nền giáo dục, nhận thức cộng đồng, năng lực công nghệ non trẻ…, tuy nhiên thách thức lớn nhất đến từ rào cản pháp luật. Mặc dù năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg “về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, nhưng tới nay hầu như chưa có định hướng ở tầm vĩ mô dẫn dắt hoạt động nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực kinh tế.

Chia sẻ tại diễn đàn “Vietnam Blockchain Summit 2018: Từ công nghệ đến chính sách” mới đây, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng đặt câu hỏi: “…các cơ quan xây dựng chính sách và pháp luật đã có sự chuẩn bị như thế nào để khai thác lợi thế của blockchain? Cần có sự phối hợp ra sao giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, đầu tư, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thuế…?”

Trước những băn khoăn này, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng Nhà nước cần triển khai sáu nhóm chính sách vĩ mô, trong đó có việc ứng dụng blockchain vào triển khai chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó cần thúc đẩy đào tạo, đưa blockchain vào giảng dạy tại các trường đại học, đồng thời phổ biến để từ lãnh đạo tới người dân có nhận thức đúng về bản chất công nghệ blockchain. Một số lĩnh vực tiềm năng lớn cần những chính sách mang tính thí điểm, tương tự như cách triển khai một số cơ chế đặc biệt thúc đẩy ứng dụng blockchain ở Thái Lan. Nhà nước cũng cần xây dựng những tiêu chuẩn về công nghệ, tiêu chuẩn về quy trình, kỹ thuật để áp dụng công nghệ blockchain trong từng lĩnh vực.

Trong thời gian từ nay đến năm 2020, ông Nguyễn Hữu Tuấn đề xuất bốn nhóm giải pháp cần làm ngay: 1/ Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt với startup tích hợp blockchain; 2/ Triển khai thí điểm trong một số ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến ngành kinh tế như truy xuất nguồn gốc, logicstic, y tế, du lịch…; 3/ Nghiên cứu và đưa ra các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghệ blockchain; 4/ Ban hành chương trình, hành động quốc gia về ứng dụng công nghệ blockchain trong nền kinh tế số.

Ông Tuấn cho rằng để có sự vào cuộc toàn diện của cả cộng đồng xã hội thì trước hết mỗi bộ ngành phải dựa trên chức năng nhiệm vụ của mình đề xuất từng chương trình hành động phù hợp với mục tiêu chung.

1: https://www.coindesk.com/world-economic-forum-governments-blockchain/

2: Infinity Blockchain Labs (IBL) là một công ty nghiên cứu và phát triển blockchain tại Việt Nam với hơn 200 thành viên, từng được tạp chí công nghệ APAC CIO Outlook vinh danh trong top 10 các nhà cung cấp giải pháp côn nghệ blockchain năm 2018.

Tài liệu tham khảo khác: https://www.blockchainlabs.asia/research/