Việc 2 trung tâm khoa học của Việt Nam được UNESCO công nhận và bảo trợ là sự công nhận của quốc tế đối với trí tuệ của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của khoa học Việt.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Trưởng Tiểu ban Khoa học Tự nhiên phát biểu tại Phiên khai mạc kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 38. Ảnh: Vụ TNXH
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Trưởng Tiểu ban Khoa học Tự nhiên phát biểu tại Phiên khai mạc kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 38. Ảnh: Vụ TNXH

Nỗ lực của cộng đồng khoa học

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa cùng đoàn công tác Việt Nam trở về từ kỳ họp lần thứ 38 Đại hội đồng UNESCO diễn ra từ ngày 3-18/11/2015 tại Paris, Cộng hòa Pháp, đã bày tỏ sự vui mừng khi chia sẻ thông tin: UNESCO chính thức thông qua nghị quyết về việc công nhận 2 trung tâm quốc tế toán học, vật lý của Việt Nam là trung tâm dạng II.

Bà Hà cho rằng, việc thành lập các trung tâm quốc tế về toán học, vật lý được UNESCO công nhận góp phần thực hiện thành công mục tiêu của chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, hình thành những tổ chức nghiên cứu cơ bản đạt trình độ khu vực và thế giới, đồng thời thực hiện mục tiêu đưa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thành một trong những tổ chức khoa học hàng đầu ASEAN.

Ngoài ý nghĩa khoa học, việc thu hút sinh viên, nghiên cứu sinh của các nước trong khu vực đến học tập tại Việt Nam còn có ý nghĩa về mặt chính trị, giúp Việt Nam gây ảnh hưởng lên các nước trong khu vực, tạo sự đoàn kết gắn bó trong khu vực.

“Thành công này trước hết thuộc về cộng đồng các nhà toán học và vật lý Việt Nam. Vinh dự này thuộc về các nhà khoa học nhiều năm miệt mài nghiên cứu và cống hiến đã được cộng đồng quốc tế biết đến và ghi nhận” - bà Hà nhìn nhận.

GS Cao Chi - nhà vật lý thế hệ đầu tiên của Việt Nam bày tỏ: “Việc 2 trung tâm khoa học quốc tế thành lập trên cơ sở Viện Toán học và Viện Vật lý được công nhận bởi UNESCO có ý nghĩa lớn vì đấy là những trung tâm có khả năng nâng trình độ toán học và vật lý (hai lĩnh vực mạnh của Việt Nam) lên tầm quốc tế”.

Lý do được công nhận

Theo bà Hà, sở dĩ UNESCO công nhận 2 trung tâm dạng II của Việt Nam là bởi, Việt Nam có thế mạnh trong các ngành khoa học cơ bản là toán học và vật lý. Viện Toán học và Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm là hai viện nghiên cứu cơ bản có trình độ cao, có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Hai viện này đã công bố nhiều công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín; có nhiều nhà khoa học có tên tuổi trên thế giới, trong đó có 6 nhà khoa học là viện sỹ viện hàn lâm khoa học (TWAS), có GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields uy tín trong lĩnh vực toán học.

“Trở thành Trung tâm UNESCO dạng II, Viện Toán học và Viện Vật lý sẽ đóng vai trò là trung tâm toán học/vật lý của các nước ASEAN. Trên cơ sở đó, sẽ là nơi tập hợp phần lớn giáo sư đầu ngành về toán của khu vực ASEAN, tạo một tiền đề rất tốt để gây ảnh hưởng đối với khu vực trong toàn thể mạng lưới đại học. Khi trở thành trung tâm UNESCO, Việt Nam sẽ thu hút ngày càng nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh trong khu vực. Tốt nghiệp xong trở về nước, những thành phần tinh túy đó sẽ đóng vai trò quan trọng ở nhiều lĩnh vực trong các nước ASEAN và qua đó dần dần nước ta sẽ tạo được ảnh hưởng” - bà Hà chia sẻ.

Bà Hà cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam, Bộ KH&CN cũng kỳ vọng, thông qua hoạt động của trung tâm, các học viên Việt Nam và khu vực có cơ hội được tiếp xúc với các nhà khoa học có uy tín trên thế giới, để bổ túc kiến thức cũng như tìm hiểu các hướng nghiên cứu khoa học tiến tới thực hiện luận án thạc sĩ, tiến sĩ dưới sự hướng dẫn, đồng hướng dẫn của các nhà khoa học Việt Nam kết hợp với các đồng nghiệp trên thế giới. Thông qua hoạt động của trung tâm, Việt Nam có cơ hội để mời các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc và giảng dạy, đóng góp cho đất nước và mời các nhà khoa học có uy tín, được giải Nobel và giải Fields đến làm việc tại Việt Nam.

Giới chuyên môn cho rằng, đây còn là cơ hội học viên, nghiên cứu sinh Việt Nam được nghe các chuyên gia hàng đầu giảng bài hoặc thậm chí được hướng dẫn luận văn, luận án ngay tại viện là một cách “nhập khẩu trí thức” với chi phí rất thấp.

Về yêu cầu của UNESCO đối với trung tâm khoa học dạng II.
Nhiệm vụ, sứ mệnh: Yêu cầu bắt buộc đối với quốc gia thành viên khi thành lập trung tâm dạng 2 là có mục tiêu và tầm nhìn phát triển dài hạn hỗ trợ khoa học cơ bản cho các nước trong khu vực, cụ thể trong trường hợp Việt Nam là vùng Đông Nam Á và có thể châu Á - Thái Bình Dương.Nhiệm vụ của trung tâm là đóng góp vào các hoạt động/các chương trình của UNESCO thông qua các hoạt động theo 3 định hướng: Nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, và hoạt động khác, mở rộng ở cấp quốc gia và khu vực.