Tại một buổi tọa đàm do Tia Sáng tổ chức, một giảng viên, đồng thời là nhà nghiên cứu trẻ đã có kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, phát biểu: “Tôi cấm sinh viên của tôi khởi nghiệp. Thời gian là để học, đâm đầu vào khởi nghiệp chỉ phí thì giờ lẫn công sức và tiền bạc”. Quan điểm này khá phổ biến, không chỉ ở Việt Nam.

Có hẳn một cuộc tranh luận kéo dài trong giới hàn lâm quốc tế về việc liệu năng lực khởi nghiệp có thể dạy được hay không, nếu có thì nhà trường đóng vai trò như thế nào. Một phần câu trả lời cho câu hỏi này có thể tìm tòi trong sách vở. Tuy nhiên, có những vấn đề chỉ có thể tìm thấy câu trả lời trong thực tế. Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn II (IPP2) là một thử nghiệm góp phần soi rọi vai trò của trường đại học với vấn đề quốc gia khởi nghiệp từ góc độ thực tiễn.

Thuộc tính mới của trường đại học

Thử nghiệm đưa nội dung giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào các trường, cũng như hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp ở các trường và kết nối các trường với các doanh nghiệp, IPP2 trước hết góp phần tạo ra những thay đổi trong nhận thức của những người tham gia hoặc có liên đới.

Từ chỗ coi các hoạt động giáo dục/thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học là một phong trào thời thượng, việc tiếp xúc nhiều hơn với tài liệu và kinh nghiệm/thực tế quốc tế đã khiến lãnh đạo các trường thay đổi cách nhìn đối với tầm quan trọng của các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong mối quan hệ chặt chẽ với con đường phát triển của các trường.

Bản thân các trường tư đã là các doanh nghiệp có tính chất khởi nghiệp: họ vận hành dựa trên nguồn vốn tư nhân, thành công đạt được hay rủi ro phải gánh chịu luôn phụ thuộc vào năng lực nắm bắt cơ hội và thích ứng của chính họ.

Còn các trường công, kể từ khi được tự chủ nhiều hơn, đồng thời phải cạnh tranh nhiều hơn với khu vực giáo dục đại học tư và với các trường có yếu tố nước ngoài, cũng bắt đầu có nhu cầu mạnh mẽ trong việc cải thiện chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của người học và của thị trường. Họ bắt đầu trở thành những tổ chức có tính chất khởi nghiệp, tức là cởi mở với những khả năng mới và nắm lấy các cơ hội mới nhằm tạo ra các giá trị mới.

Có thể nói, bối cảnh này đã chín muồi cho việc phát triển nhận thức mới về vai trò của trường đại học với vấn đề quốc gia khởi nghiệp: bản thân trường đại học phải vận hành như một tổ chức có tính chất khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng như tham gia vào việc tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp cho quốc gia.

Một buổi tập huấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên tại Đại học Huế, tháng 3/2018. Ảnh: baothuathienhue.vn

Những phẩm chất người học nào cũng cần được trang bị

Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động là một khoảng cách rất xa với bao nhiêu rào cản và thách thức ở giữa.

Có những thách thức bắt nguồn từ gốc rễ văn hóa, chẳng hạn truyền thống học từ chương nhằm mục đích làm quan, tâm lý muốn yên ổn, ngại phiêu lưu, và sợ thất bại, và thái độ ít khích lệ của xã hội với những người suy nghĩ khác với lệ thường và chọn con đường trước đó chưa có người đi.

Có những thách thức đã tồn tại từ lâu và không thể vượt qua ngày một ngày hai, như cách tổ chức hoạt động của trường đại học Việt Nam vốn nhấn mạnh vào hoạt động đào tạo thay vì nghiên cứu. Trong nghiên cứu khoa học thì hầu như chỉ nhấn mạnh việc tạo ra tri thức (với kết quả là các bài báo khoa học) thay vì việc ứng dụng tri thức vào thực tế sản xuất kinh doanh (với những hình thức khác như bằng phát minh sáng chế, hợp đồng chuyển giao công nghệ, v.v).

Có những thách thức rất cụ thể như nguồn kinh phí hạn hẹp dành cho các hoạt động giáo dục/thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hay là những rào cản pháp lý trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, trong sự tham gia của tư nhân vào các hoạt động khởi nghiệp, trong việc xử lý vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, v.v.

Những thách thức này chỉ bộc lộ rõ khi các trường bắt tay vào làm thực sự, tức là thực hiện một số chương trình giáo dục khởi nghiệp dưới hình thức này hay hình thức khác, hoặc khởi động những tổ chức, đơn vị thuộc trường hoạt động như những tổ chức có chức năng sản xuất, kinh doanh, chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ.

Nhìn vào bức tranh chung, khó khăn chủ yếu đến từ tình trạng thiếu kết nối giữa giới nghiên cứu ở các trường với giới doanh nghiệp, và sâu hơn là năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của các trường còn hạn chế, trong lúc đối với đa số doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nhu cầu nghiên cứu chưa phải là bức thiết, kinh phí nghiên cứu lại chưa dồi dào.

Một số ít trường có năng lực nghiên cứu nổi bật thì gặp những khó khăn trong vấn đề khuôn khổ pháp lý cũng như bài toán cân bằng lợi ích giữa các bên. Vì thế, các hoạt động ứng dụng công nghệ/ kết quả nghiên cứu vẫn chủ yếu diễn ra ở cấp độ cá nhân, thay vì lẽ ra phải nằm trong phạm vi chiến lược phát triển của trường.

Trong bối cảnh đó, các trường hiện nay đang tập trung vào đào tạo kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và tinh thần khởi nghiệp. Với sự hỗ trợ quan trọng về mặt chuyên môn của Phần Lan, một số trường đã xây dựng được đội ngũ nhân sự nòng cốt để phát triển chương trình, thiết kế các hoạt động nhằm thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Có trường đưa nội dung này vào đào tạo chính khóa như một học phần tự chọn, có trường coi đó là hoạt động ngoại khóa, v.v.

Tuy năng lực khởi nghiệp không hình thành bằng cách chỉ dựa vào những khóa đào tạo lý thuyết, nhưng những chương trình học bài bản và những hoạt động trải nghiệm mà nhà trường tạo ra giúp ích rất nhiều cho người học, vì nó có thể truyền cảm hứng và khơi dậy những năng lực tiềm ẩn.

Và tuy không phải ai cũng mơ ước và hội đủ phẩm chất để trở thành nhà khởi nghiệp, nhưng ai cũng cần biết suy nghĩ độc lập, biết nhìn thấy những thứ khác hơn là cái lối mòn trước mặt; ai cũng cần có kỹ năng đàm phán, thuyết phục, làm việc nhóm và học hỏi từ những thất bại; và ai cũng cần có năng lực tìm kiếm, tạo ra và nắm bắt cơ hội.

Bởi vậy, nội dung đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học sẽ giúp trang bị những phẩm chất mà người học nào cũng cần. Với những người học có mong muốn trở thành nhà khởi nghiệp sau này, nó cho phép rút ngắn quãng đường mò mẫm tìm kiếm – họ đã được học phải làm gì để đạt tới thành công hoặc để đương đầu và vượt qua thất bại.

Trong trường hợp trở thành nhà hoạch định chính sách, họ sẽ biết tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho những người khởi nghiệp vì hiểu rằng sự thịnh vượng của quốc gia cần dựa trên tài năng và lòng can đảm của họ. Còn nếu trở thành người làm công ăn lương, họ cũng sẽ biết cách sáng tạo trong phần việc của mình để làm phần việc đó tốt hơn, cũng như sẽ cảm thông hơn với những người đứng mũi chịu sào của doanh nghiệp, đặc biệt là khi doanh nghiệp đương đầu với khó khăn.

Quốc gia khởi nghiệp được hình thành từ những công dân có tinh thần khởi nghiệp. Trường đại học có trách nhiệm, nghĩa vụ và khả năng tạo ra những công dân ấy. Vì thế, những bước đi ban đầu của các trường trong việc giáo dục, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là những nỗ lực đúng hướng rất cần được khích lệ và nhân rộng.