Sự hỗ trợ hào phóng của hai Chính phủ Việt Nam và Pháp mở ra cho Trường Đại học KH&CN Hà Nội (USTH) cơ hội phát triển mà đa số các trường đại học khác không dễ gì có được nhưng đồng thời cũng đặt lên vai nhà trường gánh nặng trách nhiệm không nhỏ, nhất là ở thời điểm bước sang giai đoạn mở rộng đào tạo và nghiên cứu.

Phối cảnh campus USTH rộng 65 ha ở Khu CNC Hòa Lạc sẽ được hoàn thành trong vài năm tới. Ảnh: USTH
Phối cảnh campus USTH rộng 65 ha ở Khu CNC Hòa Lạc sẽ được hoàn thành trong vài năm tới. Ảnh: USTH

Hai giá trị biểu tượng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gọi USTH là biểu tượng về hợp tác đào tạo và nghiên cứu giữa hai nước, còn cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary gọi đó là một trong những dự án giáo dục tham vọng nhất của Pháp ở nước ngoài.

Ra đời vào cuối năm 2009 trong khuôn khổ Hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và Pháp, USTH hay quen thuộc hơn với tên gọi ĐH Việt - Pháp, nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của hai Chính phủ trong suốt 10 năm qua.

Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định tín dụng vay vốn trị giá 190 triệu USD với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để xây dựng Trường đến năm 2025, bao gồm dự án campus trên khu đất 65ha tại Khu CNC Hòa Lạc.

Trong khi đó, Liên minh Các trường đại học và tổ chức nghiên cứu Pháp Vì sự phát triển của USHT (USTH Consortium), gồm hơn 40 trường đào tạo kỹ sư và viện nghiên cứu hàng đầu của nước này, được thành lập với sứ mệnh hỗ trợ toàn diện các hoạt động của Trường, từ đào tạo, nghiên cứu đến cấp học bổng và tạo điều kiện cho sinh viên, học viên đi thực tập ở phòng thí nghiệm, doanh nghiệp của Pháp... Các chương trình thạc sĩ, và sắp tới là các chương trình đào tạo cử nhân của USTH, được đồng cấp bằng bởi các trường thuộc USTH Consortium. Liên minh cũng sẽ tăng cường tham gia đồng hướng dẫn trong các chương trình đào tạo tiến sĩ của USTH. Ngoài ra, mỗi năm Liên minh cử 150 lượt giảng viên sang giảng dạy tại Trường. Được biết, nếu không có Chính phủ Pháp hỗ trợ trả lương thì rất khó mời những giảng viên này sang vì mức thù lao của họ rất cao.

Chính phủ hai nước dường như đã không tiếc bất kỳ điều gì trong khả năng để tạo điều kiện cho USTH phát triển thành một trường đại học công lập theo mô hình xuất sắc, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về KH&CN cho đất nước.

Nhận định về USTH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, giá trị của Trường trước hết ở chỗ nó mở ra cách nhìn nhận mới trong toàn xã hội về sự cần thiết, có thể nói là không thể thiếu được, của tự chủ đại học, để từ đó không chỉ giảm bớt sự can thiệp hành chính đối với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu mà còn đổi mới cơ chế quản lý bản thân bên trong trường đại học. Trước đó, theo ông, các trường đại học được quản trị nửa giống như cơ quan hành chính. “Chính nhờ những mô hình như Đại học Việt - Pháp, quá trình thúc đẩy tự chủ đại học ở Việt Nam được nhanh hơn và có sở cứ thực tiễn để thuyết phục các ý kiến còn rất nhiều băn khoăn,” Phó Thủ tướng phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập USTH hôm 9/12.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho rằng, cũng nhờ những mô hình như Đại học Việt - Pháp và các chỉ đạo tiếp theo của Chính phủ mà đến nay, các trường đại học ở Việt Nam đã nhận rõ sứ mệnh của mình là nơi sáng tạo ra tri thức, chứ không chỉ là nơi truyền thụ tri thức.

Dáng dấp một đại học nghiên cứu

GS Pierre Sebban, Hiệu trưởng đầu tiên của USTH, từng nói, một trong những vấn đề mà Trường muốn giải quyết là nâng cao chất lượng và tính thực tiễn của giáo dục. “Chúng tôi mong muốn xây dựng tại Việt Nam một nền giáo dục với tiêu chuẩn chất lượng cao; mặt khác kết hợp nghiên cứu với giảng dạy, tri thức khoa học với kỹ năng thực tiễn và tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp và ngành công nghiệp.”

Khởi đầu với quan điểm đó, đến nay, USTH đã dần khẳng định được vị thế của mình như một đại học nghiên cứu trong nền giáo dục Việt Nam.

Mặc dù đang “tạm trú” trong khuôn viên cơ quan chủ quản là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với diện tích khiêm tốn, chỉ bằng một phần nhỏ campus trong tương lai, nhưng USTH đã hình thành được 6 phòng thí nghiệm liên kết quốc tế và 20 phòng thí nghiệm thực hành.

Do được khuyến khích tham gia các dự án nghiên cứu từ sớm, có đến 42% sinh viên USTH tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ sau khi tốt nghiệp. Mặc dù chỉ 10% số học viên thạc sĩ mỗi khóa có cơ hội nhận học bổng toàn phần cho kỳ thực tập kéo dài 6 tháng tại Pháp, nhưng trên thực tế, nhờ sự giới thiệu của các giảng viên, có đến 80% số học viên thạc sĩ của Trường được đi thực tập ở nước ngoài, trong đó 100% số học viên thực tập tại Pháp có lương.

Trong 3 năm liên tiếp, từ 2017 đến 2019, USTH luôn có tên trong bảng xếp hạng 10 trường đại học và viện nghiên cứu có nhiều công bố nhất ở Việt Nam của Nature Index.

10 năm qua, các giảng viên/nghiên cứu viên của Trường đã công bố 251 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ thống SCI và SCI-E; trong số đó, 214 bài được công bố trong 5 năm trở lại đây. Tính trung bình, mỗi giảng viên có 1 bài báo thuộc danh mục SCI và SCI-E mỗi năm. Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu của Trường đã nhận được 12 đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ theo hình thức cạnh tranh.

Gánh nặng trách nhiệm

Những kết quả ban đầu nêu trên được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá là rất đáng trân trọng và khích lệ nhưng vị Hiệu trưởng mới người Pháp - GS Etienne Sauer - thì cho rằng, đó mới chỉ đáp ứng một phần mục tiêu đề ra.

Theo ông, về đào tạo, số lượng tuyển sinh của USTH hiện chưa đạt yêu cầu; một số ngành học mới được nhà trường nhận định là rất cần thiết trong việc đào tạo lực lượng lao động tương lai cho Việt Nam cũng chưa thu hút được đông đảo người học.

Có nhiều nguyên nhân giải thích tình hình trên, trong đó phải kể đến nguyên nhân liên quan đến truyền thông, áp lực học và thi cử hoàn toàn bằng tiếng Anh theo chuẩn mực quốc tế, và thị trường lao động của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, ông nói.

Đồng thời, ông cho biết, với tính chất là một trường đại học nghiên cứu, dù đã tiến hành khảo sát và làm việc với nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Pháp, kết quả hợp tác với doanh nghiệp của Trường còn ở mức khiêm tốn.

Với mục tiêu xây dựng USTH trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam, đạt chuẩn quốc tế, Hiệu trưởng Etienne Sauer nêu một số nhiệm vụ chủ chốt trong thời gian tới như: tuyển dụng những giảng viên/nghiên cứu viên có trình độ chuyên môn tốt; tối ưu hóa các chương trình đào tạo, trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường lao động việc làm; tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp để phát triển các phòng thí nghiệm quốc tế và triển khai các đề tài nghiên cứu hiện có của Trường, tiến tới thành lập các đơn vị nghiên cứu liên kết quốc tế; hỗ trợ các nhóm nghiên cứu có khả năng đăng ký cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích cấp quốc gia và quốc tế...

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, USTH đang được tạo những điều kiện mà hầu hết các trường đại học khác không dễ gì có được, bởi vậy Trường có trách nhiệm khai thác những điều kiện đó một cách hiệu quả nhất.

“Tôi mong các thầy cô và các bạn không quên rằng, dù Việt Nam còn rất nghèo nhưng Chính phủ đã cam kết và thực tế đã bỏ ra gần 200 triệu USD để xây dựng một trường đại học. Bất kỳ trường đại học nào ở Việt Nam, đã được xây dựng từ lâu, nếu chỉ cần [nhận] bằng một phần nhỏ số tiền đó thì đã có được điều mà nhiều năm các thầy cô ở các trường đó mơ ước. Vì vậy, các bộ, ngành, và nhà trường có trách nhiệm tiếp tục sử dụng số tiền này hiệu quả nhất, trước hết là tập trung để dự án xây dựng campus mới được thực hiện thật tốt về tiến độ và chất lượng.”

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, với sự hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ hai nước, Đại học Việt - Pháp đang thuận lợi hơn so với nhiều trường trong thực hiện hợp tác và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, ông đề nghị, giống như trong quá trình phát triển, “dù chúng ta cần sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, của các quốc gia bạn bè đi trước như Pháp thì cốt lõi vẫn phải nằm ở người Việt Nam”. “Phải nêu cao tinh thần tự lực tự cường vươn lên với tư cách là người trong cuộc… Tôi mong rằng tất cả các bạn sinh viên, các thầy cô giáo đang công tác học tập tại ngôi trường mà Chính phủ rất kỳ vọng ý thức được điều này,” ông nói. Và theo ông, “không chỉ học tập, nghiên cứu mà ngôi trường này còn phải trở thành nơi những giá trị tốt đẹp của người Việt Nam và của xã hội Việt Nam được khơi dậy, giữ vững và lan tỏa.”

Còn GS Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM, người có những đóng góp quan trọng vào sự khai sinh ra USTH và đã đề xuất với Chính phủ quy chế tổ chức, hoạt động cũng như cơ chế tài chính đặc thù cho nhà trường, cho rằng, cần so sánh USTH với những dự án tương tự, có thời điểm ra đời gần nhau và nhận được những hỗ trợ giống nhau, như dự án Đại học Việt - Đức, để rút ra bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng những ngôi trường công lập theo mô hình xuất sắc.

USTH là một trong số ít trường đại học tại Việt Nam đào tạo theo tiến trình Bologna – mô hình đang được áp dụng rộng tãi tại châu Âu , theo đó thời gian đào tạo hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ lần lượt là 3 năm, 2 năm, và 3 năm.

Các chương trình đào tạo cử nhân của Trường được Hội đồng cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và Giáo dục đại học HCRES kiểm định và công nhận đạt chuẩn, tạo lợi thế cho sinh viên khi cạnh tranh các suất học bổng sau đại học ở châu Âu cũng như tham gia thị trường lao động quốc tế.

Gần 1.000 sinh viên của Trường hiện đang theo học các ngành được thiết lập trên cơ sở nhu cầu phát triển KH&CN của Việt Nam như Công nghệ Sinh học, Năng lượng, Công nghệ thông tin và Truyền thông, Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, An ninh mạng, Kỹ thuật hàng không… Đã có gần 500 sinh viên tốt nghiệp cử nhân, gần 400 học viên tốt nghiệp thạc sĩ, và 3 nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ.

Trường có 66 giảng viên/nghiên cứu viên, đa số ở độ tuổi 30-35, và 100% có trình độ từ tiến sĩ trở lên. Bên cạnh các giảng viên Việt Nam và Pháp, mỗi năm Trường còn đón khoảng 50 lượt giảng viên từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đến thỉnh giảng.