Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp - CNRS, đã công bố kế hoạch thành lập một văn phòng liêm chính học thuật đầu tiên để điều tra hành vi sai trái trong nghiên cứu, nhằm cải thiện sự tin cậy giữa các nhà khoa học và niềm tin của cộng đồng.

Nhà sinh học thực vật Olivier Voinnet, trung tâm của những cáo buộc về ngụy tạo dữ liệu vừa được CNRS gỡ bỏ trong kết quả điều tra công bố tháng 10 năm nay.  Nguồn: Nature

Nhà sinh học thực vật Olivier Voinnet, trung tâm của những cáo buộc về ngụy tạo dữ liệu vừa được CNRS gỡ bỏ trong kết quả điều tra công bố tháng 10 năm nay. Nguồn: Nature

Động lực cho việc thành lập văn phòng liêm chính học thuật của CNRS đến từ một vụ việc kéo dài hơn 3 năm - cáo buộc một nhà sinh vật học của cơ quan này có hành vi giả mạo số liệu trong nghiên cứu.

Văn phòng liêm chính học thuật này được Chủ tịch CNRS Antoine Petit ra quyết định thành lập vào ngày 13 tháng 11 vừa qua và sẽ được điều hành bởi nhà vật lý lý thuyết Rémy Mosseri từ Phòng thí nghiệm Vật lý lý thuyết về Vật chất Ngưng tụ ở Paris. Năm thành viên hỗ trợ trong văn phòng bao gồm một người phụ trách thúc đẩy thực hành nghiên cứu tốt và bốn người điều tra cáo buộc hành vi sai trái.

“Liêm chính học thuật là điều kiện tuyệt đối cần thiết cho sự tin cậy: tin cậy giữa các nhà khoa học để nâng cao tri ​​thức chung, cũng như là sự tin cậy của công chúng,” Mosseri nói trong cuộc họp báo ở Paris vào ngày 13 tháng 11.

Vụ bê bối Olivier Voinnet

Trung tâm của vụ việc năm 2015 là nhà sinh vật học Olivier Voinnet và phòng thí nghiệm do ông đứng đầu trực thuộc Viện Sinh học phân tử thực vật của CNRS ở Strasbourg, Pháp. Trước vụ việc này, Voinnet và các cộng sự nổi tiếng trong giới sinh học phân tử với các nghiên cứu về can thiệp ARN giúp thực vật, động vật không xương sống và động vật có vú có khả năng đề kháng virus.

Lật lại vụ việc, hồi năm 2014-2015, 40 bài báo khoa học có Voinnet đứng tên làm tác giả đã bị trang PubPeer – một diễn đàn bình duyệt ẩn danh của các nhà nghiên cứu – đặt dấu hỏi về tính trung thực của số liệu. Đi đầu trong việc tố cáo hành vi của Voinnet là Vicki Vance – nhà nghiên cứu thực vật học ở Đại học Nam Carolina.

Vụ việc sau đó buộc CNRS và Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Zurich (ETH Zurich) – hai nơi mà Voinnet công tác – phải tổ chức điều tra về các cáo buộc nói trên. Hai báo cáo điều tra của hai cơ quan này, công bố năm 2015, chỉ ra rằng nhóm Voinnet đã cố tình chỉnh sửa các hình ảnh trong các bài báo nghiên cứu, dù không có bằng chứng về việc ngụy tạo số liệu. Voinnet sau đó đã thừa nhận sự gian lận và bị cách chức giám đốc phòng thí nghiệm tại Strasbourg.

Điều tra lần thứ hai của CNRS và ETH Zurich nhằm vào nhóm nghiên cứu diễn ra từ năm 2016-2018, dưới đề nghị của chính Voinnet. Kết luận của ETH Zurich đưa ra trong tháng 10 tiếp tục kéo dài án phạt với Voinnet. Nhưng kết luận của CNRS lại miễn án phạt với Voinnet với lý do không tìm thấy bằng chứng cho thấy ông chịu trách nhiệm về bất kỳ hành vi sai trái với dữ liệu trong các bài báo được điều tra. Cơ quan này bỏ phiếu nhất trí chỉ cho Voinnet án phạt cấp 1 – cấp thấp nhất trong thang kỷ luật dân sự tại Pháp. Ngược lại, một đồng sự của Voinnet là Patrice Dunoyer, được coi là người đã thực hiện việc làm giả mạo hình ảnh và sửa chữa dữ liệu nghiên cứu, sẽ bị hạ cấp – một hình phạt nặng hơn của Voinnet nhưng vẫn tương đối nhẹ, cấp 2.

Đến nay, đã có tới hơn 80 cơ quan nghiên cứu ở Pháp đã thành lập các vị trí giám sát liêm chính học thuật, (so với mới chỉ hơn 20 cơ quan vào năm ngoái).

Kết luận điều tra tuy vậy tiếp tục bị đặt dấu hỏi từ cả hai phía. Voinnet và Dunoyer cho rằng phán quyết của CNRS vẫn không công bằng và có ý định kiện lại cơ quan này đề án phạt mà ông phải nhận hồi năm 2015. Leonid Schneider, một trong những người tham gia cáo buộc Voinnet, cho rằng cuộc điều tra và kết luận này cho thấy CNRS và ETH đã cố tình thỏa hiệp với Voinnet để xóa bỏ các cáo buộc đang có nhằm vào ông ta.

Thiết chế hóa hoạt động tố cáo

Kết luận điều tra tháng 10 đáng ra sẽ là hồi kết cho vụ việc Voinnet, nhưng ngược lại vẫn tiếp tục gây nên những nghi ngờ về cách mà CNRS thực hiện các điều tra của mình. Một vấn đề được nêu lên là tính minh bạch trong điều tra và vai trò của các cơ quan điều tra trong việc bảo vệ người tố cáo.

Tại cuộc họp báo công bố văn phòng liêm chính học thuật, giám đốc CNRS Petit cũng công nhận sự minh bạch của các cuộc điều tra hành vi sai trái của CNRS là rất quan trọng. Những người bị điều tra sẽ được thông báo khi có bất kỳ cáo buộc nào được xác định là cần xem xét sâu. Các chuyên gia tham gia điều tra sẽ được sàng lọc để tránh việc xung đột lợi ích.

Văn phòng cũng sẽ không chấp nhận các cáo buộc nặc danh - nhưng cũng hứa sẽ không tiết lộ tên của những người khiếu nại. “Tôi hoàn toàn phản đối việc tố cáo nặc danh. Thay vào đó, ta cần đảm bảo tính bảo mật của những người tố cáo”, Petit nói. “Bản thân tôi cũng sẽ không được biết tên người tố cáo.”

Tố cáo nặc danh là một vấn đề phức tạp, theo Olivier Le Gall, nhà virus học thực vật và cựu phó giám đốc INRA, cơ quan nghiên cứu nông nghiệp Pháp. Bằng việc đảm bảo không để lộ danh tính người tố cáo, cơ quan này hy vọng sẽ đem lại một giải pháp thay thế cho các tố cáo nặc danh. Ví dụ, các nhà khoa học mới vào nghề sẽ có thể tự tin hơn khi đưa ra các cáo buộc và không sợ bị trả thù. Tuy nhiên, theo ông Le Gall, CNRS cũng sẽ yêu cầu văn phòng liêm chính học thuật chỉ xem xét các cáo buộc nặc danh có cơ sở.

Việc thành lập một văn phòng liêm chính học thuật của CNRS là kết quả của quá trình gia tăng nhận thức về vấn đề này tại Pháp. Ở cấp độ nhà nước, Văn phòng Liêm chính Học thuật quốc gia Pháp vừa được thành lập năm 2017 để phối hợp các nỗ lực trong toàn hệ thống nghiên cứu, cũng sẽ đưa ra một lộ trình hoạt động của mình trong tháng 11. Đến nay, đã có hơn 80 cơ quan nghiên cứu ở Pháp đã thành lập các vị trí giám sát liêm chính học thuật, (so với mới chỉ hơn 20 cơ quan ở thời điểm năm ngoái), theo thông tin mà Le Gall, Chủ tịch hội đồng tư vấn của Văn phòng Liêm chính Học thuật quốc gia Pháp chia sẻ trên Nature.

Cũng theo Le Gall, những nỗ lực của Pháp nhằm mục đích cải thiện niềm tin vào cách các cơ quan nghiên cứu nước này xử lý các cáo buộc về hành vi sai trái trong học thuật.

“Vấn đề hiện tại là các hành vi sai trái trong khoa học thường làm dấy lên những phản đối mạnh mẽ đến nỗi danh tiếng học thuật của người bị tố cáo có thể bị hoen ố, khi mọi người thường không ý thức đánh giá xem liệu hành vi sai trái đó là rất nghiêm trọng, nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng”. “Chúng ta cần phải điều chỉnh từ một hệ thống công lý kiểu miền Tây hoang dã đến một hệ thống thượng tôn pháp luật văn minh hơn, nghiêm ngặt và minh bạch hơn.”

Nguồn: Nature, For Better Science.