Trong khi Campuchia đã có tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế là 100% thì Việt Nam đặt mục tiêu đạt 60% vào năm 2020. Việc xây dựng tiêu chuẩn cao không khó, vấn đề là trình độ công nghệ và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không theo kịp.

Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đứng trước yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn để hài hòa với bộ tiêu chuẩn của thế giới để hàng Việt Nam vượt qua được các rào cản kỹ thuật trong thương mại.

Tiêu chuẩn đi chậm để chờ doanh nghiệp

“Đến hết tháng 12/2015, hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hơn 8.600 tiêu chuẩn cho 98 lĩnh vực. Tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực đạt trên 45%. Mục tiêu đến năm 2020 là đạt tỷ lệ hài hòa 60% nhằm góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới” - ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết trong cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc hội nhập tiêu chuẩn giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam. Trong ảnh: Gian hàng Việt Nam tại hội chợ Gulfood Dubai 2015. Ảnh: Hồng Kỹ
Việc hội nhập tiêu chuẩn giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam. Trong ảnh: Gian hàng Việt Nam tại hội chợ Gulfood Dubai 2015. Ảnh: Hồng Kỹ

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải khẳng định, việc đạt mục tiêu này không thuần túy phụ thuộc vào ý chí của cơ quan xây dựng tiêu chuẩn mà rất cần sự đồng thuận, nỗ lực chung của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các hiệp hội sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức nghiên cứu, người tiêu dùng.

Về mặt văn bản và quy định, việc nâng tiêu chuẩn để tăng tỷ lệ hài hòa với thế giới rất dễ dàng. Có thể lấy ví dụ từ Campuchia. Nước này đã có tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 100%; cách họ làm là nhập khẩu toàn bộ công nghệ cũng như “sao y bản chính” tiêu chuẩn của các nước tiên tiến.

“Ở nước ta, mục tiêu 60% tiêu chuẩn hài hòa với thế giới vào năm 2020 cần đi kèm với việc nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và trình độ công nghệ của doanh nghiệp. Việc xây dựng tiêu chuẩn cao, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế không khó. Tuy nhiên, năng lực sản xuất không thể đáp ứng trong một sớm một chiều. Việc đẩy quá nhanh tiến độ hài hoà tiêu chuẩn có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước, tạo điều kiện cho hàng ngoại chiếm lĩnh thị trường nước ta” - ông Hải phân tích.

Theo ông Trần Văn Vinh, quá trình xây dựng TCVN được đảm bảo theo nguyên tắc đồng thuận, phù hợp với nguyên tắc của hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế cũng như quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT).

Chấp nhận đánh giá của nước ngoài

Để đáp ứng quy định trong những FTA mà Việt Nam ký kết, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đề xuất với Chính phủ lộ trình thay đổi các văn bản pháp luật để giúp doanh nghiệp thích nghi, hội nhập khi rào cản thuế quan bị phá bỏ.

Ông Nguyễn Nam Hải nói: “Chúng ta sẽ ban hành tiêu chuẩn quốc gia TCVN và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN, đồng thời xây dựng thủ tục đánh giá sự phù hợp để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cần bám vào các FTA để định hướng cho doanh nghiệp nâng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và giải pháp, đánh giá sự phù hợp thông qua các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và chất lượng; đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp cận với thông tin về rào cản kỹ thuật mà thị trường quốc tế đòi hỏi”.

Theo ông Hải, khi các FTA có hiệu lực, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Việt Nam sẽ phải chấp nhận sự tham gia của các tổ chức đánh giá sự phù hợp trên thế giới, chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của các đơn vị không nằm trong ranh giới lãnh thổ Việt Nam. Trước tình hình đó, thời gian qua tổng cục đã đề nghị các bộ, ngành thúc đẩy hơn nữa việc ký kết các hiệp định MRA (chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp). Tuy nhiên, kết quả này còn rất khiêm tốn.

Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh tin tưởng vào một công cụ đang được áp dụng là chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam: “Mục tiêu đạt 60% số tiêu chuẩn hài hòa đến năm 2020 gắn bó hữu cơ với các mục tiêu khác của chương trình này. Trong đó, Nhà nước không cấp vốn cho các doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài mà xây dựng một đội ngũ chuyên gia trên mọi lĩnh vực để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xây dựng chiến lược góp phần nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng hàng hóa”.

Các biện pháp khác cũng đang được triển khai là xây dựng, sửa đổi luật, chủ động triển khai hoạt động hợp tác quốc tế về đo lường thông qua việc đăng cai tổ chức tại Việt Nam các cuộc họp quốc tế về đo lường; thiết lập và duy trì quan hệ quốc tế với các tổ chức tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng để tăng cường nguồn lực cũng như có được sự tham vấn của các chuyên gia nước ngoài.

Ông Vinh khẳng định: “Với tư cách là cơ quan đầu mối, tổng cục luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tham gia tích cực và hiệu quả vào mọi hoạt động. Trong năm nay, Nghị định 127 và 132 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa sẽ được thay đổi để đáp ứng yêu cầu của xã hội”.