Nếu học chỉ để kiếm nghề, đặc biệt là nghề trong lĩnh vực IT, thì ngày nay có nhiều lí do để bạn không chọn mô hình đào tạo tập trung ở các trường cao đẳng hay đại học. Các chương trình học trực tuyến và phi chính quy khách đang cung cấp nhiều lựa chọn hết sức hấp dẫn.

Rẻ, linh hoạt, cá nhân hoá - học trực tuyến đang mở ra những cơ hội học tập suốt đời. Nguồn: tinhte.vn
Rẻ, linh hoạt, cá nhân hoá - học trực tuyến đang mở ra những cơ hội học tập suốt đời. Nguồn: tinhte.vn

Khi theo học một chương trình tập trung ở trường đại học, bạn sẽ bị lệ thuộc vào ngành học. Trong khi đó, học trực tuyến mở rộng khả năng tiếp cận nhiều ngành học cùng lúc của bạn. Học trực tuyến cũng thuận tiện hơn trong trường hợp bạn muốn đổi nghề, bởi không dễ gì mà bạn có thể bỏ việc, theo học một chương trình học tập trung để đổi nghề.

Đại học truyền thống chỉ giúp bạn học tập trong vài năm, còn học trực tuyến mở ra những cơ hội học tập suốt đời. Rẻ, linh hoạt, cá nhân hóa – những đặc điểm đó của học trực tuyến khiến khả năng tiếp cận việc học của bạn dễ dàng hơn, từ đó làm nảy sinh nhu cầu học tập cao hơn.

Mặt khác, những chương trình đào tạo trực tuyến có chất lượng từ những trường đại học tốt nhất trên những cổng MOOC (massive open online courses) lớn như Coursera, edX cho phép người học tha hồ lựa chọn đã góp phần loại bỏ bớt các chương trình kém chất lượng.

Giới chuyên gia giáo dục từng không ít lần dự báo các trường đại học sẽ bị lao đao bởi mô hình học trực tuyến, trong đó số chương trình đào tạo quản trị kinh doanh (MBA) nặng về lí thuyết, ít thực hành có khả bị co lại một nửa. Những mô hình “trường học không campus” kiểu Minerva sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, hút dần một phần sinh viên từ các trường đại học truyền thống.

Tình hình này có thể diễn ra chậm hơn một chút ở Việt Nam vì nó phụ thuộc vào nguồn cung các khóa học trực tuyến có chất lượng.

Thực tế là, phần lớn các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn xa lạ với việc số hóa chương trình đào tạo và đưa lên MOOC để đông đảo người học tham gia. Một phần do phải đầu tư lớn về công sức và nguồn lực, một phần do không có chiến lược số hóa. Mới chỉ có một số rất ít cơ sở đào tạo bắt đầu khai thác MOOC theo cách Việt hóa tài nguyên có sẵn, như FUNIX của FPT hay Topica, để xây dựng các chương trình đào tạo trực tuyến của mình.

Bởi vậy, nếu bạn có thể học bằng tiếng Anh, bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn học tập trực tuyến tốt trên Coursera, edX hay các các chương trình học trực tuyến khác. Nhưng nếu bạn chỉ học được bằng tiếng Việt thì bạn chưa thể tiếp cận nguồn tài nguyên to lớn này.

Nhưng có lẽ tình hình sẽ thay đổi rất nhanh trong vài năm tới khi mà các công cụ dịch tự động với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo sẽ tháo gỡ dần rào cản về ngôn ngữ và khi mà số lượng các đơn vị tham gia vào lĩnh vực đào tạo trực tuyến tăng lên đáng kể.

Mô hình trực tuyến cũng bị thử thách

Những gì nặng về truyền tải kiến thức thì học trực tuyến có thể rất hiệu quả nhưng “động đến” kỹ năng thì học trực tuyến cũng bị thử thách.

Với các ngành cơ khí, điện tử, y học… nếu không thực hành trên máy móc thì không cách nào có được kỹ năng thành thục vì đơn giản kỹ năng là thứ cần được rèn luyện thực tế và bạn sẽ cần người cầm tay chỉ việc, cần người chỉnh sửa những thao tác sai sót. Ngay trong ngành phần mềm, nhiều kỹ năng lập trình vẫn cần có sự hướng dẫn trực tiếp (coaching) từ giảng viên hoặc lập trình viên kinh nghiệm thì mới có kết quả.

Kể cả khi ngày càng có nhiều phần mềm giả lập (simulation), những trải nghiệm như thật thông qua trí tuệ nhân tạo, hiện thực ảo hay hiện thực tăng cường, thì vai trò của giảng viên, huấn luyện viên vẫn không dễ mà thay thế được. Chưa kể, những công nghệ kia khá đắt đỏ.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy, đối với việc học lí thuyết, việc triển khai đào tạo trực tuyến vẫn còn khó khăn ở các kỹ năng tư duy bậc cao. Bạn có thể nhớ và hiểu các khái niệm, nhưng để vận dụng vào cuộc sống, hình thành được tư duy sáng tạo trên cái nền bộ khái niệm thì lại không dễ chút nào. Trong việc rèn luyện này, sự tương tác trực tiếp thầy-trò, và trải nghiệm thực tế có lợi thế hơn.

Đào tạo hỗn hợp (kết hợp trực tuyến với học trên lớp) là cách tiếp cận phổ biến giải quyết được vấn đề đào tạo kỹ năng như đã nói. Nó vừa gia tăng hiệu quả trong việc đào tạo phần lí thuyết, và vẫn hứa hẹn cung cấp đủ tương tác và trải nghiệm cần thiết để phát triển kỹ năng ở người học.

Thời của đào tạo phi chính quy?

Hai chục năm trước, bạn cần phải hoàn thành một chương trình đại học 4-5 năm để trở thành một lập trình viên. Ngày nay, bạn có thêm các lựa chọn khác chỉ 2 năm (như chương trình đào tạo của Aptech), hoặc thậm chí chỉ 9 tuần (chương trình bootcamp của Le Wagon) để có thể tham gia vào lực lượng viết phần mềm của thế giới. Nếu chỉ đơn thuần học để có được một công việc, thì có nhiều lí do để bạn không chọn mô hình học tập trung kéo dài tại trường đại học. Đào tạo phi chính quy, mà trực tuyến chỉ là một trong số đó, ngày càng phát triển và đang mang lại thêm nhiều lựa chọn cho bạn.

Lấy ví dụ trong ngành IT chẳng hạn. Đi kèm với sự tăng trưởng hằng năm mạnh mẽ của ngành này là tình trạng khan hiếm nhân lực ở mọi trình độ. Ngoài việc trông chờ vào các trường cao đẳng và đại học truyền thống, chúng ta cần nhiều hơn nữa những cơ sở giáo dục đào tạo phi chính quy được mở ra. Khi các mô hình đào tạo của Aptech, NIIT xuất hiện, chúng đã giải quyết phần nào vấn đề thiếu hụt nhân lực. Ngày nay, chúng ta thấy thêm nhiều trường đào tạo lập trình theo mô hình mới, như coding bootcamp chẳng hạn. Mô hình này rất hấp dẫn về thời gian đào tạo. Người học có thể bắt đầu học nghề, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp sang làm lập trình viên chỉ sau từ 9 đến 16 tuần học tập trung theo mô hình kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp.

Liệu những tấm bằng đào tạo phi chính quy có giá trị khi đi xin việc không – đó có lẽ là băn khoăn số 1 của bất kỳ người học nào. Có rất nhiều quan niệm về tấm bằng có chất lượng, và cũng rất nhiều tiêu chuẩn kiểm định cho từng chương trình đào tạo hoặc từng trường. Tham gia vào các hoạt động công nhận bằng cấp hay kiểm định chất lượng nói chung là điều cần thiết.

Nhưng có một sự kiểm định khác đơn giản hơn nhiều, và cũng rất mạnh mẽ, xứng đáng để các cơ sở giáo dục tập trung nỗ lực vào - đó là xem xét mức độ các doanh nghiệp chấp nhận học viên từ khoá học của mình.

Nhiều năm trước, các công ty phần mềm nêu rõ trong yêu cầu tuyển dụng là các ứng viên phải có bằng Aptech hoặc tương đương nhưng sau đều bỏ qua yêu cầu này. Thậm chí, những công ty lớn như FPT, Viettel còn tuyên bố công khai về việc không tuyển dụng theo bằng cấp; thay vào đó, họ đánh giá đầu vào dựa trên những tiêu chuẩn mà họ cho là “thực chất”.
Tôi nhớ một cơ sở giáo dục thuộc Viện Công nghiệp Thông tin (III) ở Đài Loan, họ dùng các khoá học trực tuyến của Microsoft, kết hợp với một số giờ học trực tiếp để đào tạo kĩ sư trí tuệ nhân tạo. Sau khoảng 6 tháng học tập, hơn 90% số học viên của họ có việc làm đúng nghề. Đó là một chỉ số cho thấy mô hình đào tạo này rất hiệu quả. Những cơ sở giáo dục đảm bảo một tỉ lệ có việc làm tốt thì sẽ “sống khỏe”.