Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, giai đoạn II (IPP2) – Bộ Khoa học và Công nghệ vừa chính thức công bố bài giảng của Giáo sư Goran Roos - một trong 13 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế kỷ 21 về đổi mới sáng tạo gắn với phát triển kinh tế.

Với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo với tăng trưởng kinh tế – Bối cảnh mới của thế giới & các khuyến nghị chính sách”, những thông tin được Giáo sư Goran Roos chia sẻ mang lại nhiều kinh nghiệm bổ ích trong việc xây dựng chính sách công nghiệp và xã hội, chính sách giáo dục và phát triển kỹ năng, chính sách phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo và các khuyến nghị đối với Việt Nam.

Giáo sư Göran Roos là diễn giả hàng đầu thế giới về phát triển kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, một trong các nhà sáng lập ngành khoa học về nguồn vốn trí tuệ hiện đại (Modern Intellectual Capital Science) và là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Nghe phần thuyết trình có phụ đề tiếng Việt tại đây:



Ông đã làm việc tại trên 50 nước, tư vấn về chính sách và chiến lược phát triển kinh tế, công nghiệp và đổi mới sáng tạo cho Chính phủ của nhiều nước trên thế giới như Úc, Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Na uy, Anh, Singapore… Ông được Tạp chí kinh doanh của Tây Ban Nha “Direccion y Progreso” bình chọn là một trong 13 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế kỷ 21.

Đây là bài giảng của Giáo sư Göran Roos tại Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 22/8/2017 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo với tăng trưởng kinh tế – Bối cảnh mới của thế giới và các khuyến nghị chính sách”, trong đó Giáo sư đề cập tới các vấn đề như chính sách công nghiệp và xã hội, chính sách giáo dục và phát triển kỹ năng, chính sách phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo và các khuyến nghị đối với Việt Nam.

Việc đưa các chuyên gia hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo đến Việt Nam nằm trong chuỗi hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ hoạch định chính sách về KH&CN và đổi mới sáng tạo của Chương trình IPP2 nhằm trang bị kiến thức và tư duy mới cho đội ngũ cán bộ quản lý của Bộ KH&CN, Sở KH&CN, các Bộ, ngành liên quan về bối cảnh quốc tế, các xu hướng quốc tế, bài học thực hành tốt nhất và kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quản lý KH&CN; từ đó, đóng góp tốt hơn cho chất lượng và hiệu quả của các chính sách phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo gắn với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Hoạt động này được IPP2 triển khai trong tháng 8 và tháng 9/2017.