“Thông qua các đề tài, các hội thảo khoa học trong và ngoài nước, chúng tôi có cơ hội tiếp cận với những xu hướng nghiên cứu mới của thế giới, từ đó định hướng cho những ý tưởng nghiên cứu của mình. Đây là sự hỗ trợ lớn nhất của Bộ KH&CN đối với các nhà khoa học trẻ”.

Đó là chia sẻ của TS Vũ Bích Ngọc - Nghiên cứu viên Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, một trong 9 cá nhân xuất sắc được trao giải thưởng Quả Cầu Vàng năm nay, gồm 8 người có học vị tiến sĩ và 1 sinh viên xuất sắc về CNTT của trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (đây cũng là cá nhân trẻ tuổi nhất, sinh năm 1997), vừa vinh dự được giải thưởng khoa học công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng năm 2017 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức vào ngày 27/12 tại Hà Nội.

Phát huy thế mạnh nghiên cứu

TS Vũ Bích Ngọc, người đã tham gia thực hiện nhiều đề tài về tế bào gốc, trong đó có “Nghiên cứu phân lập và sử dụng tế bào miễn dịch (tế bào tua) để tiêu diệt tế bào ung thư vú”, “Nghiên cứu tái thiết lập chương trình trực tiếp in vitro và in vivo nguyên bào sợi chuột thành tế bào tiền thân giống nguyên bào mạch”… cho rằng, trong quá trình triển khai các đề tài nghiên cứu, chị thấy rõ sự đổi mới về chính sách và cơ chế quản lý của Chính phủ và Bộ KH&CN.

Cụ thể như trước đây, việc giải ngân đề tài nghiên cứu thường manh mún và hết sức rắc rối khiến nhà khoa học vừa bị phân tâm, vừa mất rất nhiều thời gian giải trình. Nay trong quá trình thực hiện đề tài, chủ nhiệm đề tài được chủ động sử dụng kinh phí được cấp cùng với những thủ tục thanh quyết toán được đơn giản tới mức tối đa, nhất là đối với những đề tài được thực hiện theo cơ chế khoán. Cơ sở nghiên cứu cũng được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc hiện đại không thua kém gì so với thế giới.

TS Vũ Bích Ngọc khẳng định, “sự hỗ trợ và tin tưởng của Đảng và Nhà nước đã giúp chúng tôi, những nhà khoa học trẻ,có những bước đi tự tin vững chắc trong sự nghiệp nghiên cứu của mình”.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng 2017. Ảnh: Huy Hùng

Cùng chung quan điểm với TS Vũ Bích Ngọc, giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học và Kỹ thuật Môi trường, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Thị Thủy – người từng học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, học thạc sĩ tại Học viện Công nghệ Châu Á ở Thái Lan, làm tiến sĩ ở Đài Loan và trở về nước từ tháng 3/2016, cho rằng, thời gian qua nhiều cơ chế chính sách của Bộ KH&CN đã được ban hành,tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ có cơ hội nhận đề tài nghiên cứu ở các cấp khác nhau.

Cụ thể, TS Thủy cho biết cô đã nhận được sự hỗ trợ về kinh phí từ Vườn ươm Trung tâm Khoa học trẻ TP Hồ Chí Minh để thực hiện đề tài nghiên cứu về môi trường. Nhưng đối với các nhà khoa học trẻnhư cô, việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu của mình là hết sức khó khăn so với những nhà khoa học giàu kinh nghiệm bởi “với các nhà khoa học trẻ, việc thiết lập các mối quan hệ với bên ngoài chưa được chặt chẽ. Thông thường, việc thuyết phụccơ quan cấp kinh phí nghiên cứu đã khó song việc thuyết phục doanh nghiệp tham gia hoàn thiện đề tài với mình còn khó hơn rất nhiều. Vì thế, các nhà khoa học trẻ mong muốn, với những đề tài có nhiều tiềm năng ứng dụng, nhà nước cần đầu tư tiếp kinh phí để hoàn thiện công nghệ, đủ sức ‘hấp dẫn’ doanh nghiệp tham gia”, TS Thủy nói.


Tạo sân chơi, xây dựng chính sách để hỗ trợ người trẻ

Xác định rõ tầm quan trọng của thanh niên trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong phát triển nền KH&CN của đất nước nói riêng, thời gian qua Bộ KH&CN đã phối hợp với TƯ Đoàn TNCS HCM ký kết chương trình hành động, Nghị quyết liên tịch với mục đích hỗ trợ, phát huy vai trò của tuổi trẻ trong học tập, đẩy mạnh sáng tạo, nghiên cứu KH&CN trong thanh niên; duy trì, bồi dưỡng, phát huy nguồn lực sản phẩm sáng tạo của thanh niên.

“Ngoài việc ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện và cơ hội để các nhà khoa học trẻ có quyền tham gia tuyển chọn thực hiện đề tài các cấp và hỗ trợ kinh phí tham dự các hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, qua đó nắm bắt kịp thời các thành tựu KH&CN tiên tiến và xu hướng nghiên cứu mà nhà khoa học trẻ đang theo đuổi, để khơi gợi tình yêu, niềm say mê với KH&CN, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều sân chơiđòi hỏi tri thức và sự sáng tạo trong thanh niên như các cuộc thi robot hằng năm, vườn ươm khoa học, các loại hình câu lạc bộ khoa học kỹ thuật trẻ, sáng tạo trẻ...”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại lễ trao giải.

Ông cũng cho biết thêm, “Hiện nay, các nhà nghiên cứu trẻ hoàn toàn có thể đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu và nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED). Quỹ sẽ tài trợ kinh phí không phải theo ngân sách hằng năm mà chỉ cần có quyết định phê duyệt đề tài của hội đồng khoa học ngành, kinh phí sẽ được cấp ngay. Cơ chế nghiệm thu cũng chỉ chú trọng đến sản phẩm là bài báo được đăng trên tạp chí uy tín của thế giới. Đây là cơ chế minh bạch nhất cho các cơ quan làm nghiên cứu, nhà khoa học không phải vướng bận vào cơ chế giải ngân” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói và bày tỏ mong muốn các nhà khoa học trẻ tận dụng lợi thế này, đi cùng Bộ KH&CN để có những đóng góp thiết thực đối với sự phát triển của đất nước.