Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Đại Dương cho biết cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sẽ là cách mạng công nghệ số, chính vì vậy nguồn nhân lực CNTT có kỹ năng cao là rất cần thiết trong quá trình phát triển chung của đất nước.

Phát triển nhân lực CNTT chất lượng cao chuẩn Nhật Bản

Sáng 21/9, tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức buổi Hội thảo: Phát triển nguồn nhân lực CNTT theo chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản. Tại hội thảo, Cục phát triển CNTT Nhật Bản đã giới thiệu Chương trình chuẩn kỹ năng CNTT của nước này.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương nhấn mạnh: "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sẽ là cách mạng công nghệ số, chính vì vậy nguồn nhân lực CNTT có kỹ năng cao là rất cần thiết trong quá trình phát triển chung của đất nước".

Thứ trưởng nhấn mạnh nguồn nhân lực CNTT có kỹ năng chuẩn Nhật Bản là lực lượng quan trọng giúp Việt nam từng bước hội nhập châu Á và quốc tế trước thềm cách mạng công nghệ số. Đồng thời, Thứ trưởng cũng hy vọng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực CNTT nói riêng và phát triển lĩnh vực CNTT nói chung.

Thứ trưởng Phạm Đại Dương phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Phạm Đại Dương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Huy Tường

Từ tháng 10/2000, Chính phủ Nhật Bản đề xuất "Sáng kiến chuẩn hóa kỹ năng CNTT của châu Á". Một phần của hệ thống này là hệ thống sát hạch kỹ sư CNTT được công nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực. Theo đó, các kỳ sát hạch kỹ sư CNTT tại các nước ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc được tổ chức dựa trên các chuẩn kỹ năng được công nhận tương đương giữa các nước. Đến nay, đã có 11 nước tham gia vào hệ thống này: Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc, Philippine, Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Myanmar.

Chương trình hỗ trợ và sát hạch kỹ sư CNTT theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Việt Nam được bảo trợ bởi Hội đồng chuẩn kỹ năng CNTT châu Á - ITPEC và Cục xúc tiến CNTT - IPA Nhật Bản.

Tháng 6/2002, Trung tâm đào tạo VITEC được Bộ KH&CN thành lập. Và bắt đầu từ năm 2003, Trung tâm đào tạo VITEC tổ chức 2 kỳ sát hạch tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM vào tháng 4 và tháng 10; sau đó có thêm Huế, Cần Thơ. Các thí sinh đỗ kỳ thi này đều nhận được chứng nhận do Bộ KH&CN cấp, chứng nhận này được công nhận tương đương với chứng nhận do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cấp tại Nhật Bản.

Tại Việt Nam, Chương trình sát hạch CNTT được VITEC thực hiện nhằm đánh giá năng lực của đội ngũ CNTT. Việt Nam hiện nay có 3 loại hình sát hạch được công nhận tương đương với Nhật Bản, là Hộ chiếu CNTT (IP), Kỹ sư CNTT cơ bản (FE) và Kỹ sư ứng dụng (AP).

Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT, đưa ra các hướng triển khai nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực CNTT: Xây dựng quy định về áp dụng chuẩn kỹ năng nhân lực CNTT chuyên nghiệp; Phối hợp với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đồng bộ hóa giảng dạy; Thường xuyên cập nhật và bổ chuẩn kỹ năng; Công nhận tương đương các chuẩn kỹ năng quốc tế và khu vực.

Tại hội thảo, ông Ogawa Kenji, Giám đốc chương trình ITPEC Nhật Bản đã giới thiệu chi tiết Chương trình chuẩn kỹ năng CNTT của Nhật Bản. Ông Ogawa chỉ rõ, ITSS (chuẩn kỹ năng IT Nhật Bản) chia mức độ tay nghề thành 7 mức. Thấp nhất là mức 1 (học việc); mức 2 (cần hỗ trợ); mức 3 (có thể tự làm); mức 4 (Leader); mức 5 (chuyên gia quyết định chính sách kỹ thuật trong công ty, tập đoàn); mức 6 (chuyên gia đầu ngành của quốc gia); mức 7 (chuyên gia có ảnh hưởng quốc tế).

Ông Ogawa Kenji, GĐ Chương trình ITPEC Nhật Bản giới thiệu chương trình chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản
Ông Ogawa Kenji, GĐ Chương trình ITPEC Nhật Bản, giới thiệu chương trình chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản. Ảnh: Huy Tường.

Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc VITEC về vấn đề vì sao Nhật Bản xây dựng chương trình sát hạch nguồn nhân lực CNTT trong châu Á theo chuẩn Nhật Bản, ông Ogawa nói: “Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm đến phát triển lĩnh vực CNTT và nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Đặc biệt, Thủ tướng Shinzo Abe cũng cũng rất quan tâm đến thị trường châu Á và Việt Nam và muốn đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam, cũng như nâng cao chất lượng kỹ sư CNTT của Việt Nam. Chính phủ Nhật muốn thông qua chương trình này mong muốn thúc đẩy lĩnh vực CNTT ở các nước châu Á”.

Trong phần tọa đàm, vị giám đốc ITPEC Nhật Bản cũng nhấn mạnh với các bạn sinh viên Việt Nam rằng, các kỹ sư đỗ trong kỳ sát hạch CNTT sẽ có nhiều cơ hội làm việc tại các công ty lớn, được ưu tiên xét để học tập và làm việc ở Nhật Bản.

Xuất khẩu nhân lực CNTT chất lượng cao sang Nhật Bản

TS Phạm Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CNTT và Truyền thông, ĐH Bách Khoa Hà Nội trong phần trao đổi của mình đã cho biết viện vẫn đang tiếp tục đào tạo sinh viên theo chương trình HEDSPI và chuẩn kỹ năng ITSS. “Mỗi năm, viện đào tạo được khoảng 60-70 kỹ sư CNTT đáp ứng được ITSS (chiếm khoảng 60% lượng đầu vào sinh viên)”, TS Hoàng cho biết.

GĐ VITEC Nguyễn Lâm Thanh cam kết hỗ trợ tối đa các đơn vị đào tạo tham gia Chương trình
Giám đốc VITEC Nguyễn Lâm Thanh cam kết hỗ trợ tối đa các đơn vị đào tạo tham gia Chương trình. Ảnh: Huy tường

HEDSPI là chương trình đào tạo được vận hành bởi một dự án hợp tác ODA giữa Chính phủ 2 nước Việt - Nhật từ năm 2006. Sau khi kết thúc thời gian hỗ trợ từ JICA (2011), HEDSPI tiếp tục được vận hành như một chương trình đào tạo chính quy kỹ sư CNTT chất lượng cao của ĐH Bách khoa Hà Nội. Đến nay, các kỹ sư CNTT đạt chuẩn ITSS tốt nghiệp ở ĐH Bách khoa được biết đến rộng rãi và được đón nhận tại thị trường lao động Nhật Bản. Hằng năm, có khoảng 30 lượt các công ty CNTT Nhật Bản sang tuyển dụng tại Việt Nam.

Đồng tình với lãnh đạo Viện CNTT – ĐH Bách khoa HN, Ông Trần Xuân Khôi, GĐ FPT Software Nhật Bản cũng chia sẻ những con số nổi bật của FPT với thị trường Nhật Bản. Ông nói: “Thị trường Nhật Bản chiếm 60% doanh số của FPT Software. Thị trường Nhật hiện nay là quan trọng số 1, với mức tăng trưởng 40% nhân lực và doanh số mỗi năm. Dự kiến đến 2020, FPT tuyển hơn 10.000 nhân viên mỗi năm. Các kỹ sư có chứng chỉ ITSS sẽ được FPT hoan nghênh và cam kết được ưu tiên làm việc ở FPT Software”.

Trao đổi về định hướng đào tạo và hỗ trợ các đơn vị đào tạo nhân lực CNTT, ông Nguyễn Lâm Thanh cam kết VITEC sẽ hỗ trợ tối đa để nhanh nhất để các học viên có được IP và sau đó là FE, góp phần phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Đại điện VITEC trao chứng nhận cho các đối tác về Triển khai Chương trình đào tạo và sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn Nhật Bản
Đại điện VITEC trao chứng nhận cho các đối tác về Triển khai Chương trình đào tạo và sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn Nhật Bản. Ảnh: Huy Tường

Cuối hội thảo, đại diện VITEC đã trao chứng nhận cho các đối tác của VITEC về triển khai Chương trình đào tạo và sát hạch Kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng Nhật Bản.