2016 được coi là năm bắt đầu của công cuộc khởi nghiệp về KH&CN với nền tảng pháp lý cơ bản đã xây dựng xong. Sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia, trí thức kiều bào sẽ là đóng góp quan trọng bởi đây là đội ngũ có kinh nghiệm lâu năm về hệ sinh thái khởi nghiệp.


Bày tỏ kỳ vọng này với các trí thức, chuyên gia KH&CN là Việt kiều nhân dịp đầu xuân Bính Thân, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết các vướng mắc trong việc thu hút trí thức Việt kiều về nước đang được tích cực gỡ bỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Quân chụp ảnh lưu niệm cùng các trí thức Việt kiều. Ảnh: KA
Bộ trưởng Nguyễn Quân chụp ảnh lưu niệm cùng các trí thức Việt kiều. Ảnh: KA

Nguồn lực dồi dào, khai thác ít

Theo số liệu thống kê, lực lượng trí thức Việt kiều hiện có khoảng 400.000 người, sinh sống trên toàn thế giới. Đi cùng với họ là con số không nhỏ những trí thức trẻ thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh trưởng, đào tạo bài bản ở các trường đại học nổi tiếng.

Theo TS Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình quốc gia “Hội nhập quốc tế về KH&CN”, mặc dù số lượng trí thức Việt Kiều khá lớn nhưng Việt Nam chưa phát huy được sức mạnh của đội ngũ này. Mỗi năm có khoảng 200-300 trí thức Việt kiều về lập dự án hoặc làm việc tại Việt Nam, đây là con số quá ít so với tiềm năng nguồn lực.

“Sở dĩ có điều này là do cơ chế chính sách của đất nước chưa thu hút và đủ sức thuyết phục họ về nước làm việc. Đối với một nhà khoa học chân chính, yêu cầu đầu tiên đối với họ là môi trường làm việc, thứ hai là chính sách đãi ngộ, thứ ba là sự tôn vinh. Ở Việt Nam, cả ba yếu tố đó lại chưa đủ hấp dẫn” - TS Khải nói.

Ông Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài - cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc thu hút trí thức Việt kiều về nước làm việc là thủ tục hành chính. Nhà nước đang thiếu một cơ chế thủ tục hành chính thông thoáng, minh bạch và công khai để họ có thể tiếp cận một cách dễ dàng.

Niềm tin là điều mà ông Ngô Đắc Thuần - Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của Saigon Silicon City (SSC) - đề cập. Theo ông Thuần, đây là một trong những điều quan trọng nhất để Việt kiều muốn cống hiến cho quê hương. Lý do là vì cách đây 15 năm, có khá nhiều trí thức Việt kiều về TPHCM và các địa phương khác ở Việt Nam đầu tư nhưng phần lớn đều thất bại. Một trong các lý do dẫn đến thất bại thuộc về cơ chế, thủ tục hành chính và những rào cản pháp lý…

Ông Thuần đưa ra dẫn chứng, hiện nay trí thức Việt Kiều đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam nhưng vướng rào cản về thời gian là máy móc được sử dụng phải trong 5 năm trở lại. Bên cạnh đó, khi đem máy móc, thiết bị về nước, theo quy định sẽ được miễn thuế VAT 10%; nhưng đến hải quan, họ lại bị yêu cầu đóng trước số tiền đó và hẹn trong vòng 3-6 tháng sẽ hồi lại. Tuy vậy, thực tế là trong vòng một năm họ vẫn chưa được lấy lại số tiền này.

“Nếu giá trị máy móc khoảng trên 1 tỷ USD thì 10% là con số rất lớn, ảnh hưởng đến việc đầu tư ban đầu. Ngoài ra, TPHCM cũng đã lập ra một số quỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt kiều làm khoa học theo hướng đầu tư đối ứng; nhưng đã hơn 5 năm nay, không ít doanh nghiệp Việt kiều chưa tiếp cận được các quỹ này” - ông Thuần bức xúc.

Cần đột phá cải cách cơ chế

TS Nguyễn Quốc Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM - cho biết, hiện nay trung tâm là một trong những đơn vị đã mạnh dạn thuê trí thức Việt kiều làm phó giám đốc với những đãi ngộ vượt ngoài cơ chế. Bên cạnh đó, TPHCM cũng đã tạo ra nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để huy động chất xám từ nguồn trí thức Việt kiều. Tuy nhiên, TPHCM nói riêng và cả nước nói chung cần có những chính sách sâu sát hơn trong việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, cơ chế quản lý đề tài khoa học thông thoáng. Có như vậy mới giảm bớt được sự khó khăn cho hoạt động nghiên cứu cũng như thu hút được nguồn lực trí thức từ nước ngoài về Việt Nam.

Theo ông Ngô Đắc Thuần, chỉ khi nào làm chủ KH&CN thì mới có thể nghĩ đến việc phát triển kinh tế được. Vấn đề quan trọng hiện nay là chính quyền và sở, ngành các cấp phải xây dựng lại niềm tin cho các nhà khoa học. Có được niềm tin, họ mới có động lực tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư để phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Ông Phạm Gia Minh - Phó Tổng thư ký Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài - cho rằng, để thu hút hiệu quả hơn năng lực tài chính và chất xám của trí thức Việt kiều thì cần chú trọng đến cải cách thể chế, đa dạng hóa và củng cố mối liên kết trí thức với doanh nhân người Việt trên toàn cầu hiệu quả và thiết thực hơn. Đặc điểm phân bố rộng của cộng đồng kiều bào chính là một ưu thế (nếu có) chiến lược kết nối để tạo nên sức mạnh.

Chia sẻ những băn khoăn này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, những vướng mắc của trí thức Việt kiều cũng là vướng mắc của nhà khoa học trong nước. Thời gian qua, Bộ KH&CN đã tháo gỡ được một phần những vướng mắc đó. Trong thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước, nội dung phần thuê chuyên gia nước ngoài đã có quy định thông thoáng hơn. Vì thế, việc mời trí thức Việt kiều hợp tác sẽ thuận lợi hơn trước đây rất nhiều.

Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ phải có tinh thần phục vụ, hỗ trợ tối đa cho các trí thức Việt kiều trong quá trình làm việc với các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước.

Cụ thể, Bộ KH&CN đang triển khai dự án FIRST - là dự án đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD, được thực hiện từ năm 2013 đến 2019. Trong dự án này, có tiểu hợp phần xây dựng và thí điểm chính sách thu hút các chuyên gia giỏi nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài trở về tham gia.

Ông Tạ Bá Hưng - chuyên gia dự án - cho biết, dự án FIRST giúp kêu gọi và tài trợ cho việc mời chuyên gia, trí thức giỏi trên thế giới nói chung và các trí thức Việt kiều nói riêng bằng các hình thức phối hợp với viện, trường, doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề cụ thể, đặc biệt là nút thắt về KH&CN trong sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu. Thông qua sự phối hợp này, các trí thức Việt kiều được chọn lọc và cùng làm việc với các đơn vị trong nước, tạo nên cầu nối và chuyển giao tri thức về KH&CN cho đất nước.

Đến nay, Dự án FIRST đã nhận được trên 100 đề xuất từ các chuyên gia giỏi, trong đó 40% là trí thức Việt kiều. Bộ KH&CN kỳ vọng thành công của FIRST sẽ là hình mẫu về cơ chế thu hút trí thức Việt kiều.

“Với những thông tư mới được ban hành trong năm 2015, tôi coi như đã trả được cái nợ về mặt chính sách cho các nhà khoa học. Trong thời gian tới, việc của chúng ta là làm sao đưa được những cơ chế chính sách ấy thực sự đi vào hoạt động thực tế và đạt hiệu quả cao” - Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu trong cuộc gặp gỡ đầu xuân với các trí thức Việt kiều.