Sáng 11/4, tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã diễn ra buổi đối thoại giữa các nhà khoa học cùng lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ.

Buổi đổi thoại còn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo các Viện nghiên cứu. Tại đây những vướng mắc trong quá trình đăng ký, nghiên cứu, nghiệm thu các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học; cơ chế tài chính, thu hút nhân tài cho ngành khoa học đã được các nhà khoa học thẳng thắn trao đổi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn được nghe những ý kiến thẳng thắn từ phía các nhà khoa học. Ảnh: BN.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn được nghe những ý kiến thẳng thắn từ phía các nhà khoa học. Ảnh: BN.

Cần chính sách đặc thù cho vùng sâu, vùng xa

Tại buổi đối thoại, nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai nghiên cứu khoa học đã được kiến nghị, trong đó cơ chế tài chính, thời gian xét duyệt đề tài vẫn là vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm nhất.

GS-TSKH Nguyễn Đình Công - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, thời gian gần đây cơ chế tài chính cho KH&CN đã có nhiều đổi mới, những điều chỉnh đã giúp nhà khoa học thuận lợi hơn rất nhiều trong nghiên cứu. Liên quan đến việc quản lý các hoạt động thường xuyên hiện đang áp dụng theo Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư số 27/2015/TTLT-BTC-BKHCN quy định về khoán chi thực hiện nhiệm cụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Theo hai thông tư này dù đã có sự thay đổi lớn về định mức chi cũng như việc xây dựng dự toán, song vẫn còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh.

Cụ thể, sau 2 năm triển khai, các nhà khoa học đã chỉ ra những điểm còn vướng mắc, khó khăn đó là các thủ tục đấu thầu, thanh quyết toán vẫn còn phức tạp; việc điều chỉnh các hoạt động nghiên cứu phù hợp thực tế cũng như các quy định để doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu còn bất cập…
Nhiều ý kiến thẳng thắn đã được nhà khoa học chia sẻ. Ảnh:BN.
Nhiều ý kiến thẳng thắn đã được nhà khoa học chia sẻ. Ảnh:BN.

Theo đó ông Công kiến nghị nên vận dụng theo phương pháp quản lý quốc tế vào quản lý hoạt động xây dựng dự toán, thanh quyết toán nhiệm vu như Quỹ Nafosted đã làm. Cụ thể cấp chủ quản phê duyệt dự toán đề tài nhiệm vụ KH&CN chỉ phê duyệt mấy dòng chi ngân sách: nhân công, vật tư, hóa chất tiêu hao, mua sắm thiết bị, đoàn ra đoàn vào, chi khác… Còn sau đó trao cho đơn vị toàn quyền chủ động quyết định khoản chi trong dòng ngân sách. Cấp trên quản lý sản phẩm của đề tài theo đúng tinh thần khoán của thông tư 27. “Nếu được chấp thuận đây sẽ là đột phá trong công tác quản lý, dự toán, chi tiêu và quyết toán của đề tài nhiệm vụ KH&CN” – GS Công nhấn mạnh.

Với hơn 40 năm công tác trong ngành khoa học, ông Nguyễn Đình Kỳ - Phó Chủ nhiệm kiêm Chánh Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 2016 – 2020 đánh giá cao việc nhà nước đã thấy được khó khăn của các các nhà khoa học và sau đó là sự ra đời Luật KH&CN sửa đổi, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi. Thời gian chỉnh sửa các văn bản cho phù hợp thực tiễn cũng rất kịp thời, rút ngắn được đáng kể thời gian cho người làm khoa học.

Tuy nhiên ông Kỳ cũng thẳng thắn cho rằng, quá trình đăng ký đề tài mặc dù đã được tháo gỡ, thông qua nhiều Thông tư, Nghị định nhưng việc đăng ký đề tài đôi khi còn dài làm mất đi tính thời sự, niềm đam mê của các nhà khoa học cũng giảm bớt.

PGS-TS - Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện cứu Kinh thành, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam bày tỏ niềm vui khi thấy Chính phủ hiện nay đã rất quan tâm đến KH&CN, tích cực tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. “Đây cũng là một động lực cho các nhà khoa học. Thông tư 55 đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho nhà khoa học, tuy nhiên, trong thời gian tới, Nhà nước nên có chính sách có tính đặc thù cho vùng sâu, vùng xa để giải quyết triệt để các vấn đề đặt ra” – ông Trí kiến nghị.

Tập trung vào hành động

Tại buổi đối thoại những câu hỏi của nhà khoa học đặt ra ngay sau đó đều được Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Xuân Hà giải đáp.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: BN.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: BN.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, chúng ta đã trải qua nhiều chặng đường và hiện đang tập trung cao độ để giải phóng sức lao động và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà khoa học. Chặng đường trước đây chủ yếu là đối tượng tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học, bây giờ xoay trục sang các doanh nghiệp. Doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, có nghĩa là bắt đầu đến nghiên cứu ứng dụng, và tất cả các hoạt động liên quan khi gắn với doanh nghiệp sẽ đặt ra những nền tảng rất quan trọng.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng khẳng định Bộ KH&CN đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, hiện đã triển khai thành công ở khối nghiên cứu khoa học cơ bản. Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia là ví dụ. Cộng đồng khoa học đã đánh giá ở 2 khối công nghệ và khoa học xã hội đều có sự đổi mới rõ rệt, trong đó có cơ chế khoán sản phẩm.

“Đối với khối nghiên cứu ứng dụng và doanh nghiệp, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ. Chúng tôi sẽ phối hợp với các Bộ ngành rà soát tất cả các hoạt động, kể cả đầu tư tiềm lực cho KH&CN, xác định tập trung trọng tâm trọng điểm” - Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết nhiều công việc đang tiếp tục được triển khai, hướng tới công khai, minh bạch toàn bộ các bước nghiên cứu khoa học, xây dựng thành phần hội đồng nghiệm thu đề tài theo chuẩn quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện nhiệm vụ khoa học thời gian qua. Phó Thủ tướng xác định trong công tác khoa học, điều cốt lõi đối với các nhà khoa học là quyền tự chủ về chuyên môn, cùng với đó là tự chủ về tài chính, bộ máy và nhân sự.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần rà soát các cơ chế liên quan đến quyền tự chủ cho các nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, cần có những cơ chế, giải pháp để có kinh phí bổ sung hoặc lập báo cáo về quy định tỷ lệ dự phòng đặc thù cho khoa học trong thực hiện đề tài, nhất là những đề tài bổ sung gấp rút theo đúng tình hình mới. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu quy trình đăng ký nghiệm thu đề tài khoa học phải công khai minh bạch, tránh chồng chéo trong nghiên cứu và thực hiện đề tài khoa học, phải làm rõ tính thực tiễn của Đề tài khoa học sau khi được nghiệm thu.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN, Bộ Tài chính nghiên cứu thêm cơ chế chính sách để vấn đề sở hữu trí tuệ, tài sản trong quá trình hoạt động khoa học để mang lại hiệu quả cho các đơn vị, cơ sở khoa học nghiên cứu ra đề tài. Đồng thời, có cơ chế mạnh hơn để các chủ nhiệm đề tài có thể ký hợp đồng với những người làm khoa học ngoài biên chế tham gia nghiên cứu khoa học.

Đồng thời Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN làm đầu mối, đại diện giới khoa học để truyền đạt các kiến nghị tới các bộ chuyên ngành, từ đó yêu cầu có văn bản điều chỉnh. Cụ thể tại thông tư 55 và 27, trước những kiến nghị của nhà khoa học, Phó Thủ tướng yêu cầu từng thông tư cần góp ý điểm nào, sửa ra sao phải đề xuất cụ thể bằng văn bản. Còn những điểm, quy định đã đúng nhưng các cơ quan, nhà khoa học hiểu chưa đúng, chưa rõ thì bộ chuyên ngành như Bộ KH&CN, Bộ Tài chính cần có công văn hướng dẫn thống nhất thực hiện.