Bản thân dữ liệu không thể thay đổi được vấn đề. Nó phải có “chiều sâu” xã hội - bằng cách huy động mọi người tham gia cung cấp dữ liệu và cùng nhau thay đổi tình hình.

Quảng trường Plaçadel Sol là một khu vực bị ô nhiễm tiếng ồn đặc biệt nghiêm trọng ở Barcelona (Tây Ban Nha). Là một địa điểm nổi tiếng từ lâu, ngày càng nhiều nhà hàng, khách sạn và quán bar được mở ở đây. Các nhóm khách du lịch, thanh niên trẻ cũng thường xuyên tụ tập ồn ào, uống bia rượu quanh quảng trường, đặc biệt là vào đêm khuya.

Điều này đã gây nhiều phiền toái cho cư dân sống gần đây, tuy nhiên trong nhiều năm, những kiến nghị của họ đến Hội đồng thành phố đều bị làm lơ. Bởi với Hội đồng, một quảng trường đông đúc, ồn ào là biểu tượng cho một thành phố cởi mở, năng động và thân thiện. Đây có lẽ là câu chuyện quen thuộc và nan giải ở nhiều thành phố lớn trên khắp thế giới.

Phát triển cộng đồng cũ

Tình hình ở Plaçadel Sol chỉ bắt đầu thay đổi vào năm 2017 khi một nhóm các nhà hoạt động môi trường tới vận động cư dân quanh khu vực tham gia vào dự án Smart Citizen Kit, với ý tưởng cung cấp các cảm biến đo lường cường độ tiếng ồn, thông qua việc so sánh với các ngưỡng tiêu chuẩn để đánh giá mức độ ô nhiễm tiếng ồn và tìm kiếm giải pháp đối phó.

Smart Citizen Kit là một nền tảng đo lường ô nhiễm tiếng ồn với dữ liệu do cộng đồng đóng góp - mọi người đều có thể đăng tải dữ liệu trên website và cập nhật dữ liệu do những người khác chia sẻ. Tuy nhiên trong lần đầu ra mắt, dự án này đã không nhận được sự đón nhận tích cực. Người trẻ cho rằng không cần thiết bởi vì không cảm thấy khó chịu với tiếng ồn trong khu vực. Còn người già lại không biết cách sử dụng công nghệ này.

Sau thất bại đầu tiên, những người làm dự án hiểu rằng cần thay đổi cách tiếp cận. Với cộng đồng dân cư kiểu cũ ở Plaçadel Sol, người dân không am hiểu về công nghệ, đặc biệt là công nghệ phức tạp như cài đặt cảm biến và đăng tải dữ liệu. Vì thế các nhà hoạt động dự án đã tổ chức các buổi gặp gỡ và tọa đàm, giới thiệu cho người dân học cách thao tác, sử dụng máy móc - nhờ vậy yếu tố công nghệ không còn là rào cản đối với cộng đồng. Hơn 40 hộ gia đình đã tham gia và lắp đặt 25 cảm biến trên ban công và trong căn hộ của họ.

Thành phố thông minh cũng nghĩa là không bỏ lại cộng đồng cũ - những người không theo kịp bước chân công nghệ. Nguồn: Plazadelsol.com

Khi người dân học được cách sử dụng và bắt đầu chia sẻ dữ liệu từ các cảm biến lắp đặt tại nhà, họ ngạc nhiên khi các số liệu được đo lường đều vượt quá các tiêu chuẩn an toàn do WHO và chính quyền thành phố đề xuất. Trung bình 2/3 thời gian trong ngày mức độ tiếng ồn vượt quá ngưỡng an toàn 65 dB, thậm chí vào nửa đêm có thể lên đến xấp xỉ 80 dB.

Bất ngờ là từ khi tham gia dự án, người dân phát hiện ra Hội đồng thành phố thực ra cũng đang theo dõi tiếng ồn ở Plaçadel Sol thông qua Sentilo Smart City – nền tảng thành phố thông minh do thành phố tự xây dựng, nhưng giới chức đã quyết định lờ đi suốt nhiều năm.

Dữ liệu sâu

Nhiều chuyên gia cho rằng để phát triển Thành phố Thông minh sẽ cần thu thập dữ liệu ở quy mô lớn, nhưng họ quên rằng không thể thực sự hiểu được ý nghĩa của dữ liệu nếu như thiếu đi câu chuyện xung quanh dữ liệu - bối cảnh mà nó phát sinh và được sử dụng. Nói cách khác, dữ liệu sẽ trở nên vô nghĩa nếu như người thống kê dữ liệu không thực hiện “mô tả sâu” - khái niệm được nhà nhân học Clifford Geertz đề xuất từ nhiều năm trước - chỉ ra rằng để người ngoài có thể hiểu ý nghĩa của tình huống thì cần giải thích cả hành vi phát sinh và bối cảnh xung quanh.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở “mô tả sâu”, dữ liệu cũng sẽ chỉ “nằm” đó và không thể thay đổi được vấn đề nếu như nó không có “chiều sâu” xã hội - khả năng “huy động” mọi người tham gia vào việc thay đổi - và dữ liệu tiếng ồn ở Plaçadel Sol đã trở nên “sâu” theo ý nghĩa này. Tiếng ồn giờ đây không chỉ là vấn đề của cá nhân mà trở thành vấn đề của tập thể, không còn chỉ “nằm yên” trên website nữa mà đã trở thành chủ đề trao đổi của cư dân, mỗi khi họ gặp nhau - nghĩa là bắt đầu đi vào cuộc sống thường ngày.

Nhờ vậy dữ liệu đã “thúc đẩy” các công dân quan tâm tới môi trường tập hợp nhau trong một ngày cuối tuần, cùng nhau công bố chiến dịch đối phó với ô nhiễm tiếng ồn và thảo luận ý tưởng với cả những người qua đường. Một số người muốn cảnh sát địa phương phạt những kẻ uống rượu ồn ào, người khác lại đề nghị lắp đặt sân chơi cho trẻ em. Các kiến trúc sư đã giúp người dân thử nghiệm việc lắp đặt các vật liệu có thể cách âm.

Khi làn sóng yêu cầu thay đổi trong dân chúng tăng lên, Hội đồng thành phố cũng ý thức được rằng không thể tiếp tục duy trì thái độ bàng quan như cũ. Các luống hoa mới được trồng dọc bên quảng trưởng để loại bỏ bớt bậc, thềm mà các nhóm tụ tập thường ngồi uống rượu bia. Biểu ngữ được căng lên và nhân viên cảnh sát nhắc nhở mọi người tôn trọng khu phố. Hội đồng thành phố cũng công bố kế hoạch lắp đặt một sân chơi có thể di chuyển được. Thông qua số liệu chính xác trên nền tảng Smart Citizen Kit, cư dân có thể theo dõi những can thiệp này sẽ giúp khắc phục vấn đề tiếng ồn ở quảng trường như thế nào.

***

Qua dự án Smart Citizen Kit, Hội đồng, các nhà hoạt động công nghệ và cả cư dân ở Plaçadel Sol, đã rút ra hai bài học quan trọng. Một là bản thân dữ liệu không thể giải quyết được vấn đề. Những con số thống kế không thể mô tả hết được thế giới thực tại sống động và đầy mâu thuẫn mà nó đo lường. Vì thế, cần đưa dữ liệu vào bối cảnh đã sản sinh ra nó, để nó được hiểu và “hành động”. Bài học thứ hai là với một thành phố thông minh, công nghệ không phải chỉ dùng để phục vụ sự quản lý của chính quyền, nó cần giúp phát triển cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng kiểu cũ – vốn đang chưa theo kịp bước tiến của công nghệ.