Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 về nghiên cứu đột biến tạo giống, theo Cơ quan năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). 5 giống lúa phục vụ xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhiều giống đậu tương và hoa được tạo ra từ phương pháp này.


GS.TS Trần Duy Quý – Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học kỹ thuật Châu Á Thái Bình Dương, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam - cho biết như vậy về hiệu quả của việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong chọn tạo giống cây trồng .

Tạo giống năng suất cao, chống chịu sâu bệnh

TS Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết, thời gian qua có nhiều ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp, nhất là đột biến tạo ra các giống lúa mới có năng suất, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao để trồng trên diện rộng, góp phần nâng cao sản lượng nông sản xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực.

“Nhiều giống cây trồng, vi sinh vật có giá trị kinh tế cao được tạo ra từ kỹ thuật bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ nông nghiệp” – TS Tuấn cho biết.

GS.TS Trần Duy Quý dẫn chứng, 3 giống lúa NPT3, BQ và TQ4 đều được chọn tạo nhờ phương pháp đột biến chiếu xạ bằng tia gamma nguồn Co60 ở dạng hạt khô, độ ẩm hạt 13%. Đây là giống siêu năng suất với các đặc điểm nổi trội như thời gian sinh trưởng ngắn (105-110 ngày trong vụ mùa; 130-135 ngày trong vụ xuân, năng suất bình quân đạt 9-10 tấn/ha). Giống NPT3 cứng cây, lá đứng phù hợp với khả năng thâm canh, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận, đặc biệt các yếu tố cấu thành năng suất và chất lượng gạo đều vượt trội so với các giống đang sản xuất đại trà, kể vả lúa lai như Nhị ưu 86b, Thiên nguyên ưu 9…

“Bằng phương pháp chọn tạo giống đột biến, đến nay Việt Nam đã tạo được 78 giống cây trồng đột biến và đứng thứ 8 trên thế giới về thành tựu chọn giống đột biến. Năm 2014, các nhà khoa học Việt Nam giành 3 giải thưởng trong lĩnh vực đột biến tạo giống của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), trong đó có 1 giải “Thành tựu xuất sắc” cho Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam” – GS Quý cho biết.

Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cũng đã nghiên cứu và ứng dụng thành công trong việc sử dụng bức xạ gamma gây đột biến tạo các loại giống cây và hoa mới phục vụ xuất khẩu. Công nghệ trồng nấm, đặc biệt là một số loại nấm dược liệu quý đã được nghiêu cứu hoàn thiện và chuyển giao quy trình cho nông dân áp dụng. Nhiều giống bưởi đường lá cam ở tỉnh Đồng Nai, chanh Lâm Đồng và sắp tới là nho Ninh Thuận theo hướng triệt tiêu hạt để nâng cao khả năng cạnh tranh… cũng được thực hiện thành công.

GS.TS Trần Duy Quý giới thiệu giống lúa NPT3 được chọn tạo bằng kỹ thuật bức xạ hạt nhân.
GS.TS Trần Duy Quý giới thiệu giống lúa NPT3 được chọn tạo bằng kỹ thuật bức xạ hạt nhân.

Đẩy mạnh ứng dụng trong nông nghiệp

Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 775/QĐ-TTg về “Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp đến năm 2020”. Mục tiêu là tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp; đến năm 2020 xây dựng 2 Trung tâm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong chọn tạo giống cây trồng; xây dựng được 10 phòng thí nghiệm ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ nghiên cứu; xây dựng 2 nhà máy sản xuất côn trùng tiệt sinh…

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, cho đến nay, việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nông nghiệp mới được triển khai 3 trong tổng số 6 lĩnh vực: chọn tạo giống cây trồng, nông hóa, thổ nhưỡng; bảo quản và chế biến.

Tuy nhiên TS Tuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp ở Việt Nam còn hết sức hạn chế, tự phát, chủ yếu mới có một số kết quả đáng kể bước đầu trong chọn tạo giống đột biến, chiếu xạ nông sản cho kiểm dịch thực vật.

Để đẩy mạnh việc ứng dụng năng lượng bức xạ trong nông nghiệp, GS Trần Duy Quý đưa ra kiến nghị, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn, tăng cường cơ sở vật chất cũng như khuyến khích đầu ra đối với các giống cây trồng tạo đột biến từ kỹ thuật này.