Từng kỳ vọng đến năm 2020 sẽ có 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN), tuy nhiên đến nay Việt Nam mới chỉ có 303 doanh nghiệp.

Các nhà quản lý cho rằng còn rất nhiều doanh nghiệp đủ tiềm lực nhưng chưa đăng ký là DN KH&CN mà một trong các nguyên nhân quan trọng là chính sách ưu đãi của nhà nước chưa đủ hấp dẫn, hoặc còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai – đơn cử như với chính sách miễn giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước, trong tổng số 303 DN KH&CN chỉ có … 14 doanh nghiệp được thụ hưởng.

Thành lập DN KH&CN: Doanh nghiệp ít quan tâm

Hiện nay còn khá nhiều doanh nghiệp lúng túng trong quá trình làm thủ tục đăng ký DN KH&CN, có doanh nghiệp cho biết mất vài năm vẫn chưa làm xong. Họ không biết phải bắt đầu từ đâu và làm gì để trở thành DN KH&CN, thậm chí chưa nắm bắt được thế nào là DN KH&CN cũng như những chính sách khuyến khích hình thành và phát triển DN KH&CN, theo phản ánh của ông Huỳnh Trung Hòa – Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở KH&CN Long An.

Dẫn thực tế hoạt động sau hai năm triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm động viên, thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường tham gia các hoạt động KH&CN, bà Phan Thị Mỹ Yến – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Thương hiệu Việt cho biết một phần nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa quan tâm và không nắm rõ thông tin về điều kiện và thủ tục đăng ký thành lập DN KH&CN là do các sở KH&CN chưa tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp. Bản thân cán bộ, chuyên viên của một số Sở vẫn còn lúng túng, chưa nắm rõ các thông tư, nghị định liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp cấp giấy chứng nhận, trong khi những thủ tục này còn phức tạp, rườm rà.

Nghiên cứu chọn tạo giống tại Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: N.Ninh

Tuy nhiên, ngay cả khi các doanh nghiệp đăng ký thành công để trở thành DN KH&CN thì cũng không dễ để họ được thụ hưởng các ưu đãi liên quan của Nhà nước. Bà Trần Kim Liên – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, chỉ ra một số vướng mắc, như quy định tỷ lệ 70% cơ cấu doanh thu sản phẩm KH&CN ngay từ năm thứ ba là điều khá ngặt nghèo, đặc biệt với các doanh nghiệp mới; việc tiếp cận vốn tín dụng cho đổi mới KH&CN và thực hiện các dự án còn khó khăn do ngân hàng vẫn yêu cầu tài sản thế chấp; lãi suất cho vay trung và dài hạn cho đổi mới công nghệ còn cao và thả nổi.

Chính vì những tồn tại này, “sau khi được cấp giấy chứng nhận là DN KH&CN, doanh nghiệp chưa thấy lợi ích mang lại, và cũng chưa thấy sự tác động sâu của Sở KH&CN cùng các cơ quan khác để giải quyết những ưu đãi theo cơ chế dành cho DN KH&CN” – bà Yến phân tích.

Để chính sách ưu đãi đi vào đời sống

Thực tế từ TPHCM, ông Chu Bá Long – Phó Phòng quản lý công nghệ Sở KH&CN cho biết, trong các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho DN KH&CN, một số chính sách chưa được cụ thể hóa trong quá trình thực hiện như chính sách ưu đãi sử dụng trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm, hưởng ưu đãi về giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, ưu đãi vốn tín dụng đầu tư.

Đối với chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho DN KH&CN là một trong những chính sách hấp dẫn và cụ thể nhất, nhưng theo ông Long, rất ít DN KH&CN được hưởng, bởi nếu doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất thì họ đã có ưu đãi riêng, nếu muốn hưởng thêm các chính sách riêng của DN KH&CN nữa thì rất khó. Con số thực tế được ông Đào Quang Thủy – Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN cho thấy, hiện trong 303 DN KH&CN, mới chỉ có 14 DN được miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước với tổng số tiền được miễn giảm là hơn 34 tỷ đồng.

Để những chính sách ưu đãi, khuyến khích DN KH&CN thực sự đi vào đời sống, ông Long cho rằng Bộ KH&CN cần triển khai các nội dung Thông tư 17/2012/TTLT-BKHCN-BTC-BNV và Thông tư 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV một cách thống nhất và đồng bộ với các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý tài chính và thuế.

Trong thời gian qua, nhiều nhà quản lý và doanh nghiệp cho rằng cần có Nghị định thay thế Nghị định 80/2007/NĐ-CP. Sau 10 năm thi hành, Nghị định 80/2007/NĐ-CP và tiếp theo là Nghị định 96/2010/NĐ-CP đã cho thấy nhiều bất cập, khiến quy trình thủ tục đăng ký DN KH&CN còn phức tạp, mất nhiều thời gian, các điều kiện hưởng ưu đãi thuế thu nhập còn chưa hợp lý, các chính sách ưu đãi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Vì vậy, mới đây, Bộ KH&CN đã dự thảo một Nghị định mới trong đó đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ, rút ngắn thời gian (từ 30 ngày còn 10 ngày) chứng nhận DN KH&CN; bỏ quy định về điều kiện tỷ lệ doanh thu để hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; bổ sung quy định miễn giảm thuế tiền thuê đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất; hỗ trợ kinh phí để thương mại hóa sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN, …Dự thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định và nhất trí trình Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, dự thảo Nghị định được thông qua sẽ khắc phục được những vướng mắc, tồn tại các doanh nghiệp đang gặp phải. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trong việc triển khai các chính sách mới nhằm hỗ trợ DN KH&CN, doanh nghiệp có tiềm năng trở thành DN KH&CN nhanh chóng tiếp cận, đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ.