“Cần phải sửa Luật Chuyển giao công nghệ 2006 để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo của quốc gia”.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc với tổ soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ 2006 vào ngày 29/2.

Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh việc cần thiết phải sửa Luật Chuyển giao công nghệ 2006. Ảnh: Phú Sỹ
Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh việc cần thiết phải sửa Luật Chuyển giao công nghệ 2006.
Ảnh: Phú Sỹ

Cần thêm nhiều chính sách cụ thể

Báo cáo về thực trạng hoạt động và thi hành Luật Chuyển giao công nghệ 2006 trong những năm qua, ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ - cho biết, luật chỉ mới chú trọng hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, còn việc chuyển giao công nghệ trong nước - đặc biệt là chuyển giao công nghệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu giữa các viện, trường với doanh nghiệp - chưa được giải quyết triệt để. Trong khi đó, vấn đề này đang rất cần có cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy.

Luật Chuyển giao công nghệ 2006 cũng chưa có quy định cụ thể để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tạo nguồn cung cho thị trường công nghệ. Đây là một thiếu sót lớn khi nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng mạnh.

Theo ông Đỗ Hoài Nam, hoạt động của các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ góp phần không nhỏ vào thành công của hoạt động chuyển giao nói riêng và sự phát triển của thị trường công nghệ nói chung. Chính vì vậy, dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi đã quy định điều kiện thành lập các tổ chức này.

Báo cáo của Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ cũng cho biết, trong 8 năm thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ 2006, Bộ KH&CN chỉ mới cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 390 hợp đồng chuyển giao công nghệ, trong đó có tới 252 hợp đồng thực hiện các dự án FDI. Trong khoảng 40 hợp đồng chuyển giao công nghệ mang tính độc lập, chỉ có 11 hợp đồng là của cơ quan, tổng công ty nhà nước.

Thực trạng này cho thấy các viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc đăng ký hợp đồng. Theo ông Đỗ Hoài Nam, thường các doanh nghiệp chỉ đăng ký khi thấy được hưởng lợi từ việc này, nhưng hiện nay chưa có ưu đãi gì cụ thể. Ngay cả việc đăng ký trực tuyến cũng chưa được triển khai nên chưa tạo điều kiện tối ưu cho tổ chức, cá nhân khi đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, ông Đỗ Hoài Nam cũng cho rằng, với các quy định hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát công nghệ nhập vào Việt Nam. Thống kế số hợp đồng kể trên không phản ánh được con số thực tế công nghệ nhập về từ năm 2007 đến nay.

Chưa tận dụng được nguồn lực FDI

Nói về chuyển giao công nghệ qua các dự án FDI thời gian qua, mặc dù coi đây là kênh thu hút công nghệ kỹ thuật nước ngoài quan trọng nhất, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng phải thừa nhận là hiệu quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế, giá trị gia tăng không cao, lợi nhuận thu về ít.

Đại đa số công nghệ chuyển giao chưa thuộc loại tiên tiến, hiện đại mà chỉ ở mức trung bình, thậm chí một số công nghệ ở mức thấp, lạc hậu. Cá biệt có trường hợp chuyển giao công nghệ đã thanh lý, có nguy cơ biến Việt Nam thành bãi thải công nghệ.

Ngoài ra, kết quả tiếp thu, học hỏi công nghệ cũng như kinh nghiệm quản lý của các cán bộ Việt Nam trong quá trình hợp tác với nước ngoài còn chưa đáng kể. Đặc biệt, việc tiếp thu, khai thác ứng dụng công nghệ cho đến nay hầu như chỉ nằm trong phạm vi của các dự án FDI, không tạo được hiệu ứng lan tỏa sang các doanh nghiệp trong nước.

Lấy ví dụ, hoạt động của Tập đoàn Intel tại Việt Nam thời gian qua gần như vẫn chỉ là gia công thay vì đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc mời gọi đầu tư. Chẳng hạn, với Tập đoàn Samsung gần đây, bên cạnh việc nhận các ưu đãi lớn, tập đoàn này được yêu cầu phải mở trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam để từng bước chuyển giao công nghệ.

Với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Chuyển giao công nghệ mới, Bộ KH&CN sẽ tổng hợp ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân để sớm hoàn thiện dự thảo và trình Quốc hội cuối năm nay. Nếu được thông qua, luật sẽ có hiệu lực từ năm 2017.