Để thực hiện mục tiêu của chính phủ là tạo việc làm và thịnh vượng kinh tế thì việc thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (DNKH ĐMST) phải là một yếu tố chính của chiến lược và hoạch định chính sách của chính phủ.

Steve quyết định đã đến lúc theo đuổi ước mơ của mình và mở một nhà hàng pizza toàn sử dụng nguyên liệu hữu cơ từ một công thức có sẵn. Đối với Steve, nhà hàng là cơ hội để làm việc trở lại sau thời gian ba năm không có việc làm toàn thời gian.

Vui mừng bởi những tiềm năng của các kết quả nghiên cứu gần đây của mình, Karen, một giáo sư kỹ thuật hóa học, đã quyết định nộp đơn xin bằng sáng chế cho công nghệ phát triển các tấm pin mỏng như tờ giấy và cùng vớimột đồng nghiệp thành lập một doanh nghiệp.

Hai cá nhân này có điểm tương đồng quan trọng: Họ là những doanh nhân khởi sự doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, Steve và Karen khác nhau về kỳ vọng cuối cùng của họ. Steve coi thành công là một nhà hàng địa phương thịnh vượng, còn Karen hy vọng sẽ phục vụ nhiều khách hàng trong các thị trường toàn cầu. Steve đổi mới thành phần độc đáo của lớp vỏ pizza và công thức nấu ăn của mình, nhưng pizza của anh cũng chỉ được công nhận là một chiếc bánh pizza. Ngược lại, các tấm năng lượng mặt trời mỏng như tờ giấy của nhóm Karen sẽ làm thay đổi cách thức hoạt động của những người tham gia trong lĩnh vực này.

Steve và Karen cũng khác nhau về cách thức họ tổ chức hoạt động kinh doanh. Trong khi Steve chủ yếu làm việc một mình trong một doanh nghiệp cá thể, Karen có một đội ngũ sáng lập viên và sẽ sớm có một hội đồng quản trị và các nhà đầu tư.

Khác nhau quan trọng nhất giữa Steve và Karen là tác động tiềm năng của họ đối với nền kinh tế. Mặc dù việc mở nhà hàng chắc chắn có những rủi ro nhất định, tuy nhiên Steve sẽ có cơ hội thành công khiêm tốn nếu anh thực hiện tốt công việc của mình. Nếu thành công, anh có thể sẽ tạo ra một số ít việc làm - chủ yếu cho nhân viên phục vụ và nhân viên nhà bếp.

Ngược lại, việc kinh doanh của Karen rất mạo hiểm và có khả năng (giống như rất nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ cao) cô sẽ thất bại, không tạo ra việc làm nào cả. Mặt khác, nếu thành công, cô sẽ tạo ra hàng chục đến hàng trăm việc làm cho các tiến sĩ và thạc sỹ về hóa học, kỹ thuật và kinh doanh. Cô cũng có thể tạo ra các công việc chế tạo và bán hàng trên khắp thế giới.

Zipcar là một công ty dịch vụ đi chung ô tô tại Mỹ và nhận được sự hỗ trợ của Avis Budget Group. Nguồn: Zipvan

Khởi sự kinh doanh với DNNVV

Loại hình đầu tiên là khởi sự kinh doanh với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Loại hình doanh nghiệp này thường do một người sáng lập để phục vụ thị trường địa phương và sẽ trở thành một DNNVV hoạt động trong phạm vi địa phương đó. Doanh nghiệp thường được tổ chức theo một nhóm nhỏ, có quan hệ mật thiết với nhau, có thể là một doanh nghiệp gia đình, nơi việc kiểm soát chặt chẽ doanh nghiệp là rất quan trọng.

“Phần thưởng” cho các thành viên sáng lập doanh nghiệp loại này là sự tự do cá nhân và dòng tiền từ việc kinh doanh. Về cơ bản, loại hình doanh nghiệp này không cần kêu gọi nhiều vốn. Khi rót thêm tiền vào doanh nghiệp thì nhanh chóng có được kết quả là tăng thêm doanh thu và tạo ra công ăn việc làm. Như vậy, doanh nghiệp có thể được phát triển tại địa phương và công việc mà họ tạo ra hầu hết là các việc không thể vươn ra toàn cầu. DNNVV thường là các doanh nghiệp dịch vụ hoặc nhà bán lẻ các sản phẩm của công ty khác. Yếu tố chính để phân biệt là họ tập trung vào các thị trường địa phương.

Khởi sự kinh doanh với DNKN ĐMST

Các hoạt động của Karen thể hiện một loại hình khởi sự được gọi là DNKN ĐMST - sáng lập ra “các doanh nghiệp định hướng ĐMST” theo đuổi các cơ hội toàn cầu dựa trên việc mang đến cho khách hàng những cải tiến mới có lợi thế cạnh tranh rõ ràng và tiềm năng tăng trưởng cao.

Vậy thế nào là ĐMST (Innovation)? Khái niệm ĐMST đã trở thành một thuật ngữ ngày càng sáo rỗng, nhưng có một định nghĩa rất đơn giản mà Bill Aulet của Viện Công nghệ Massachusetts tiếp nhận từ Giáo sư Ed Roberts cũng của Viện này, đó là:Đổi mới sáng tạo = Sáng chế × Thương mại hóa

Bill Aulet đã điều chỉnh công thức của Giáo sư Robert, từ phép cộng thành phép nhân vì ĐMST không chỉ là phép cộng của sáng chế và thương mại hóa. Nếu chỉ có thương mại hóa mà không có sáng chế (sáng chế = 0) hoặc chỉ có sáng chế mà không có thương mại hóa (thương mại hóa = 0) thì cũng sẽ không có được ứng dụng ĐMST.

Trên thực tế, sáng chế giúp tạo nên DNKN ĐMST lại thường đến từ bên ngoài. Chẳng hạn như Steve Jobs, người đã phát hiện ra tiềm năng trong sáng chế của công ty khác (chuột máy tính của Xerox PARC là ví dụ nổi tiếng nhất) và thương mại hóa nó một cách hiệu quả thông qua Apple. Tương tự với trường hợp của Google, với doanh thu chủ yếu đến từ Adwords, những quảng cáo dựa trên từ khóa và văn bản của các trang kết quả tìm kiếm. Một công ty khác, Overture, cũng sáng tạo ra cách quảng cáo tương tự nhưng phải chờ đến Google, sáng chế đó mới được thương mại hóa thành công.

Những ví dụ trên chỉ ra rằng khả năng thương mại hóa sáng chế là rất quan trọng, nên một doanh nhân khởi nghiệp về cơ bản là người thương mại hóa sáng chế.

Một số ĐMST thú vị nhất của thời đại hiện nay là Google, iTunes, Salesforce.com, Netflix, Zipcar… Cốt lõi của họ là đổi mới về mô hình kinh doanh. Các công ty đó có thể thành công là nhờ công nghệ. Ví dụ như Zipcar sẽ không thể duy trì được mạng lưới lớn xe ô tô như vậy nếu không có công nghệ đi xe mà không cần phải là chủ sở hữu của xe. Nhưng cốt lõi của thành công là nhờ sáng kiến của Zipcar coi việc đi thuê xe thay thế cho sở hữu xe chứ không chỉ là phương tiện di chuyển tạm thời cho chủ xe hay doanh nhân đi công tác đến các vùng xa xôi. Zipcar không cần hiểu về công nghệ phức tạp để thành công nhưng họ hiểu rõ giá trị của “hợp tác tiêu dùng” đối với khách hàng.

Khi công nghệ ngày càng trở thành một dạng hàng hóa, bạn sẽ thấy ngày càng có nhiều các đổi mới sáng tạo về mô hình kinh doanh lấy công nghệ làm đòn bẩy.

Vì thế, nếu đặt ra mục tiêu là tạo việc làm và thịnh vượng kinh tế thì việc thúc đẩy DNKN ĐMST phải là một yếu tố chính của chiến lược và hoạch định chính sách của chính phủ.